Âm nhạc

NSND Xuân Hoạch: Người đàn tiếng tơ lòng

Được mệnh danh là bậc kỳ tài của nghệ thuật cổ nhạc Việt Nam, NSND Xuân Hoạch gắn bó cả cuộc đời mình với Xẩm, Ca trù, Chầu văn, Trống quân… Ông đã dành trọn tâm huyết để tìm lại, khôi phục thanh âm của sợi dây tơ truyền thống cho những cây đàn dân tộc.

Duyên nợ với cổ nhạc

Xuân Hoạch sinh ra nơi chiếu chèo nổi tiếng huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Thuở nhỏ, sớm say những tiếng đàn, ông đã mày mò tự học một số loại nhạc cụ. Theo đuổi đam mê, ông dự thi và trúng tuyển Khoa Nhạc cụ truyền thống (nay là Khoa Âm nhạc truyền thống), Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Đoàn Ca múa Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). Chàng trai miền quê Chèo đã đến và nặng lòng với Hà Nội, dành cả cuộc đời đeo đuổi nghệ thuật cổ nhạc truyền thống của mảnh đất này nói riêng và của dân tộc nói chung như một mối duyên nợ…

NSND Xuân Hoạch gửi tâm tình vào tiếng đàn dân tộc. (Ảnh: Đông Kinh cổ nhạc)

Được đào tạo chính quy bộ môn đàn Nguyệt nhưng NSND Xuân Hoạch thành thạo một số nhạc cụ khác như Nhị, Hồ, Bầu, Đáy… Nếu như đàn Nhị, đàn Bầu, ông có thể tự học thì riêng với đàn Đáy, ông phải tìm đến kép đàn tài danh, nghệ nhân Đinh Khắc Ban để xin chỉ dạy. Thuở ấy, ông đã có những đêm trắng khổ luyện, đến độ đầu ngón tay rỉ máu mới gảy trọn âm đàn. Năm 2009, ông trở thành học trò của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức, đào nương cuối cùng của giáo phường Ca trù Khâm Thiên. Tiếng đàn NSND Xuân Hoạch đã làm điểm tựa cho giọng ca lừng lẫy của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức ngân vang. NSND Xuân Hoạch có thể vừa đàn vừa hát, đồng thời dùng cả chân đánh,  gõ phách giữ nhịp. Giọng hát mượt mà cùng tiếng đàn tài hoa của ông như có chất men say, làm người nghe đắm đuối trong những điệu dân ca.

Cách đây hơn mười năm, NSND Xuân Hoạch là một trong những người tiên phong tham gia công cuộc chấn hưng hát Xẩm cũng như một số loại hình nghệ thuật dân gian Bắc bộ. Ông đã cùng các nghệ sĩ tài năng như: NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Văn Ty, Mai Tuyết Hoa, Đào Quang Minh… đưa nghệ thuật dân tộc trở lại với khán giả Hà Nội. Đặc biệt phải kể đến chuỗi chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” của nhóm nghệ thuật Đông Kinh cổ nhạc mà ông là thành viên, trình diễn tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ) cũng như các hoạt động biểu diễn tại nhiều địa điểm trong không gian phố đi bộ xung quanh hồ Gươm. Khán giả Hà thành mến mộ tài năng và giọng hát ông, ưu ái gọi ông bằng những cái tên như “Ông Xẩm” hay “Trưởng lão” của làng cổ nhạc Việt Nam.

Tìm lại tiếng tơ cho cây đàn dân tộc

NSND Xuân Hoạch luôn trăn trở với suy nghĩ làm sao để tìm lại thanh âm nguyên bản nhất cho những cây đàn dân tộc. Bởi chỉ có sợi tơ mới có thể tạo nên hồn dân tộc trong tiếng đàn. Đàn làm bằng dây tơ sẽ cho âm thanh trầm ấm, sâu lắng chứ không sắc và mạnh như những nhạc cụ làm bằng dây sắt, dây ni-lông. Đặc biệt nhất là khi dây đàn ngừng rung, tiếng tơ vẫn nguyên vẹn, tạo những âm văng vẳng còn một quãng khá lâu mới dứt. Đàn tiếng tơ cất lên như nói hết tâm tư của người nghệ sĩ Việt.

Thế nhưng, nghề sản xuất dây tơ làm đàn đã thất truyền quá lâu bởi sự “lên ngôi” của dây sắt, dây ni-lông và xu hướng điện tử hóa nhạc cụ. Vậy nên không còn ai còn nhớ được kỹ thuật, thao tác làm tơ đàn thời xưa. NSND Xuân Hoạch đã tự mình tìm hiểu cách làm. Ông nghĩ ra cách dùng quạt máy làm công cụ xe tơ và dùng bột gạo nấu thành hồ để gắn kết sợi tơ. Sau gần 8 năm nghiên cứu, đến năm 2010, NSND Xuân Hoạch đã thành công trả lại tiếng tơ cho cây đàn Đáy. Sau đó, ông đã phục chế dây tơ cho rất nhiều cây đàn dân tộc khác như: Nhị, Hồ, Bầu…

Đối với ông, mọi yếu tố tạo nên cây đàn Việt thì đều phải thuần Việt. NSND Xuân Hoạch đã sử dụng những nguyên liệu mộc mạc để chế tác đàn như: tre, trúc, gỗ, vỏ dừa… Năm 1991, dựa trên những bức ảnh tư liệu của người Pháp chụp, ông đã tái tạo đàn Bầu theo đúng “chuẩn” của các nghệ nhân xưa đã làm với cần đàn thuôn dài, cong vút như cánh cung. Không chỉ vậy, rất nhiều cây đàn dân tộc khác như: Nhị, Hồ, Đáy… đã được NSND Xuân Hoạch chế tác thành công. Với sợi dây tơ truyền thống, những cây đàn dân tộc cho âm thanh rất mộc, ấm và thuần khiết, thấm đượm hồn Việt.

NSND Xuân Hoạch (thứ hai từ trái qua) cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ trình diễn nghệ thuật dân gian. (Ảnh: Đông Kinh cổ nhạc)

Năm 1997, nghệ sĩ Xuân Hoạch được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Tiếp đó, năm 2007, ông vinh dự được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Đặc biệt, NSND Xuân Hoạch là một trong số ít nghệ sỹ Việt Nam được tổ chức “World Masters” (dịch: Những bậc thầy thế giới) công nhận là Nghệ nhân Thế giới.

Cống hiến gần nửa thế kỷ cho âm nhạc truyền thống dân tộc, dù đã ở tuổi lục tuần, NSND Xuân Hoạch vẫn sống trọn với đam mê của mình và luôn mong muốn truyền lửa, lan tỏa tình yêu nhạc cổ tới đông đảo thế hệ trẻ để những di sản nghệ thuật âm nhạc truyền thống mãi được lưu truyền và tôn vinh.

Minh Trang

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *