Văn hóa

Ngành Văn hóa đã có những đóng góp âm thầm, từng bước nhưng bền vững vào sự nghiệp phát triển Thủ đô

Đó là khẳng định của ông Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nộ tại Hội nghị Triển khai công tác ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội năm 2016 diễn ra ngày 7/1.

Nói về năm 2015, là năm cuối cùng hoàn thành kế hoạch 2010-2015, năm cuối cùng của nhiệm kỳ, điểm lại những thành tựu của Thành phố Hà Nội, ngành Văn hóa tự hào vì có nhiều chuyển biến và Thủ đô đã, đang và chắc chắn sẽ xứng đáng là trung tâm lớn về văn hóa trên thực tế chứ không phải nằm trên văn bản, điều đó đang từng bước trở thành hiện thực. Đóng góp quan trọng nhất của ngành là nhận thức chung của cộng đồng, của xã hội và trong đó có lãnh đạo về vị trí của ngành Văn hóa với những đóng góp một cách âm thầm, từng bước nhưng rất bền vững.

1Ông Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nộ phát biểu tại Hội nghị Triển khai công tác ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội năm 2016.

Các chỉ tiêu chủ yếu về Văn hóa, Thể thao năm 2015 và kế hoạch 5 năm 2011-2015 hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra: 85% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 55% làng được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”; 70% tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”; số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 33% số dân; số gia đình thể thao đạt 25%.

Việc thực hiện “Năm trật tự đô thị và văn minh đô thị 2015” được tập trung triển khai thực hiện, trong đó trọng tâm là lập lại kỷ cương trật tự đô thị, đặc biệt là trật tự quảng cáo. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố đã phát hiện được 15.462 biển hiệu sai quy định trong tổng số 65.204 biển hiệu. Đến nay còn khoảng 20% biển hiệu sai quy định đang được các quận, huyện, thị xã tiếp tục xử lý; lắp dựng 1.054 điểm quảng cáo, rao vặt miễn phí; tháo gỡ trên 200.000 bảng quảng cáo rao vặt vi phạm… Qua trình thực hiện trật tự văn minh nơi công cộng gắn với việc tuyên truyền, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra… cùng với việc đổi mới theo định hướng các hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan góp phần tạo nên một diện mạo Thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp hơn.

Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015” và các đề án, dự án, quy hoạch Thành phố giao trong năm 2015 được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo nội dung, chất lượng. Hoàn thành tốt vai trò cơ quan thường trực ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy trong việc triển khai thực hiện các nội dung, đề án và tổ chức Tổng kết chương trình. Công tác xây dựng đời sống văn hóa và các mô hình văn hóa được tập trung triển khai thực hiện. Kết quả 85% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 55% làng được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”; 70% tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”.

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô được tổ chức sôi nổi, rộng khắp với gần 2800 buổi biểu diễn nghệ thuật, trong đó có gần 300 buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ quần chúng; hơn 700 buổi biểu diễn phục vụ chính trị, biểu diễn phục vụ nhân dân tại vùng sâu, vùng xa; 4.500 buổi chiếu phim (trong đó có hơn 1.700 buổi chiếu phim phục vụ chính trị); đạt 65 huy chương (38 HCV, 27 HCB) khi tham gia các Hội thi, Hội diễn, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và quốc tế đều được đánh giá đứng đầu về chương trình nghệ thuật, đạt Huy chuong Vàng, Bạc vở diễn; 12 huy chương (08HCV, 04 HCB), 01 bằng khen, 01 Giấy khen khi tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc. 37 nghệ sỹ của Thành phố được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú, trong đó có 10 nghệ sỹ nhân dân và 24 nghệ sỹ ưu tú công tác tại các đơn vị nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

2

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên trao bằng khen, cờ thi đua cho các tập thể, cá nhân… có thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp phát triển ngành VHTT Thủ đô.

Tổ chức thành công nhiều hoạt động phục vụ các sự kiện chính trị lớn của đất nước và Thủ đô, đặc biệt là các hoạt động phục vụ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU – 132); Đại hội Thi đua yêu nước toàn thành phố giai đoạn 2010-2015; Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020; Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Hoàn thành tốt vai trò là cơ quan thường trực của Thành phố tham mưu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Trung ương và các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn cấp quốc gia như 85 năm Ngày thành lập Đảng CSVN; 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam… để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Công tác gia đình được tổ chức thực hiện thông qua các hoạt động từ cơ sở, trọng tâm xây dựng gia đình no ấm, gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực, bạo hành gia đình…. Phong trào trật tự và văn minh đô thị, nhất là trong các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước được đẩy mạnh. Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020” của Bộ VHTTDL và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 triển khai đạt hiệu quả cao.

Công tác quản lý di tích từng bước ổn định và đạt được kết quả trên các mặt hoạt động bảo tồn và tuyên truyền. Các di tích, danh thắng do Sở trực tiếp quản lý và đón tiếp, phục vụ gần 2,26 triệu lượt khách trong nước, quốc tế đến tham quan. Hoàn thành thu thập dữ liệu tổng kiểm kê di tích trên địa bàn thành phố. Hoàn thành kiểm kê di sản Văn hóa phi vật thể tại 30 quận, huyện, thị xã. Tham mưu hướng dẫn các quận, huyện tổ chức đón bằng xếp hạng 04\3 di tích quốc gia đặc biệt (chùa Tây Phương, chùa Thầy, đền Sóc); tham mưu trình Bộ VHTTDL 28 bảo vật, được Hội đồng khoa học cấp quốc gia thông qua 25 bảo vật quốc gia. Năm 2015, 39 nghệ nhân của Thành phố được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất; Nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi tại đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên cùng Nghi lễ và trò chơi kéo mỏ tại đền Vua bà, thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện nhân loại.

Công tác đặt, đổi tên đường với 19 tên đường, phố mới, điều chỉnh độ dài 03 đường phố trên địa bàn thành phố năm 2015. Triển khai thực hiện xây dựng ngân hàng dữ liệu tên đường, phố Hà Nội vào năm 2015 và những năm tiếp theo: hoàn thành cơ bản hồ sơ cơ sở dữ liệu của gần 1.000 tuyến đường, phố đã được đặt tên; xây dựng ngân hàng dữ liệu đặt tên danh nhân cho gần 500 cá nhân; hiện nay, đang thực hiện ngân hàng dữ liệu tên địa danh của 15 huyện, thị khu vực Hà Nội mở rộng. Phối hợp rà soát lại thông tin các tuyến đường đã được đặt tên và lên danh mục các tuyến đường mang tên địa danh, tên danh nhân theo địa phương đã được đặt tên trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh những thành tích, kết quả đã đạt được, ngành Văn hóa Thủ đô còn có những mặt tồn tại và hạn chế. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã nhắc nhở: nhiều phong trào diễn ra còn hình thức, chưa thực sự đi vào lòng dân. Vẫn tồn tại những hình ảnh chưa đẹp, chưa xứng tầm với vị thế của Thủ đô, cần phải có những động thái mạnh mẽ hơn nữa. Ngành Văn hóa phải đưa ra được những đánh giá cái nào là cấp thiết cần làm trước ví như những di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, những công trình, nhà hát… phục vụ cho văn hóa, tinh thần, phục vụ cái đẹp thì trước hết nó phải đẹp, khán giả đến xem thấy thoải mái, có như vậy mới thu hút được người dân…

3

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát động thi đua toàn ngành năm 2016.

Chính vì những lẽ đó, để ngành Văn hóa Thủ đô ngày một phát triển, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ cho năm 2016 quyết tâm dành thắng lợi với những nội dung trọng tâm:

1. Phát động và tổ chức tốt các phong trào thi đua theo chuyên đề trong năm 2016, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI.

2. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các hoạt động văn hóa, thể thao và gia đình trên địa bàn Thành phố. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm để thực hiện có hiệu quả Năm trật tự văn minh đô thị.

3. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải tiến thủ tục hành chính theo quy định, phấn đấu giảm thời gian giải quyết thủ tục cấp phép, nâng cao trách nhiệm của cá nhân trong từng vị trí đảm bảo hiệu quả công tác. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, duy định trong các lĩnh vực quản lý nhằm thống nhất phương thức quản lý, điều hành chung, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của cơ sở.

4. Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạc Phát triển văn hóa, thể dục thể thao thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

5. Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch của UBND Thành phố về thực hiện Chương trình hành động số 29-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết 33/NQ-TW, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

6. Ngay từ quý I năm 2016, sẽ từng bước thực hiện và áp dụng có hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố. Hoàn thành và triển khai có hiệu quả quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố đến năm 2020 định hướng đến năm 2030. Kiên quyết xử lý và xử lý dứt điểm các sai phạm trong lĩnh vực quảng cáo và không để sai phạm tiếp tục xảy ra. Đổi mới phương thức tuyên truyền chính trị và trang trí Thành phố: Sáng hơn, đẹp hơn, ấn tượng hơn ngay từ phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Gia Khánh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *