Triển lãm

“Tìm lại ký ức” được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP. Hồ Chí Minh

Năm 2017, trưng bày “Tìm lại ký ức” tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đã được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của Thủ đô. Để giới thiệu tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước, sáng 21/3, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã thực hiện trưng bày “Tìm lại ký ức” tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh).

Một phần cuộc sống của người dân Hà Nội trong những ngày chiến tranh phá hoại của quân đội Mỹ năm 1972; những hình ảnh về phi công Mỹ trong thời gian bị tạm giam tại “Hilton – Hà Nội”; những nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh của hai dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ được tái hiện lại qua 4 nội dung trưng bày: Đối mặt với B-52, Khách sạn Hilton – Hà Nội, Ngày trở về và Xây đắp tương lai.
Trong 12 ngày đêm “Đối mặt với B52” tháng Chạp năm 1972, hình ảnh Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, nơi hứng chịu bom đạn của chiến tranh khiến “đất rung, ngói tan, gạch nát” nhưng bằng tình yêu và niềm tin mãnh liệt, quân và dân Hà Nội, Hải Phòng đã bám đất, bám nhà, bám từng hào giao thông để biến “Mỗi làng xóm là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ”. Lật giở từng khoảnh khắc trở về lịch sử Hà Nội, Hải Phòng những ngày ấy, trong những cung bậc cảm xúc: xót xa, đau buồn, mất mát… vẫn sáng ngời niềm tin chiến thắng. Chính tình yêu và sự tận hiến đó đã dệt nên bản anh hùng ca át tiếng bom rền.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy – Trưởng ban quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò phát biểu tại lễ khai mạc trưng bày.

Năm 1964 – 1973, một phần của Nhà tù Hỏa Lò được dùng để tạm giam phi công Mỹ, trong đó phần lớn là những phi công đã tham chiến trong trận “Điện Biên Phủ trên không”. Bên trong bức tường đá “Hilton – Hà Nội” là cuộc sống thường ngày của phi công Mỹ. Không còn những chuyến bay với B-52 hay những trận bom rải thảm, chỉ còn lại khoảng lặng dành cho phi công Mỹ suy nghĩ lại những việc đã qua và cảm nhận về cuộc sống bình yên cùng tình người ấm áp tại Trại giam Hỏa Lò. Để hôm nay sau 44 năm rời xa “Khách sạn Hilton – Hà Nội”, Trung tá Thủy quân lục chiến Edison W. Miller, một trong số những cựu phi công Mỹ năm xưa nay ở độ tuổi 87 đã có những chia sẻ: Tôi không gặp vấn đề gì cả. Tôi biết đất nước các bạn còn nghèo và tôi thường được ăn súp rau vào buổi sáng. Vào buổi chiều, họ cũng không làm tôi bất ngờ khi đưa tôi 1 bát súp. Vào một lần, một quản giáo Việt Nam nói chuyện với tôi và tôi đã hỏi họ có thể cho thêm rau gia vị vào súp không, để món súp thêm hấp dẫn… và tôi thấy thật tuyệt khi họ làm như vậy thật… Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi họ cho mỗi người chúng tôi 3 điếu thuốc lá một ngày. Mỗi buổi sáng có 4 người đến phát thuốc lá cho chúng tôi và tôi thích khoảng thời gian 3 lần 1 ngày khi được hút thuốc… Tôi thường bảo mọi người mà tôi biết trong trại tập thể dục và tôi tập thể dục hàng ngày.

Ông Thomas Eugene Wilber – con trai Trung úy hải quân Walter Eugene Wilber, cựu phi công Mỹ từng bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò 1968-1973, phát biểu.

Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ tiến hành trao trả những người bị hai bên giam giữ. Những gương mặt vui mừng, cảm động, những giọt nước mắt hạnh phúc… khi được trở về trong vòng tay người thân đã trở thành kỷ niệm khắc ghi trong tâm thức những người trở về sau cuộc chiến. Ẩn chứa trong từng bức ảnh, trong mỗi hiện vật trong phần trưng bày “Ngày trở về” là những câu chuyện cảm động về hơi ấm tình vợ chồng, tình mẫu tử thiêng liêng… sau bao năm xa cách của các tù binh chính trị Việt Nam được chính quyền Mỹ – Ngụy trao trả tại bãi Nhan Biều bên bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị cũng như những phi công Mỹ được trao trả tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội
“Xây đắp tương lai” là nội dung cuối của trưng bày chuyên đề thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam, bởi hơn ai hết, tất cả người dân đất Việt đều hiểu hết giá trị của hòa bình. Ngày hôm nay, những cựu binh Mỹ quay trở lại Việt Nam để tìm về ký ức không thể phai mờ trong cuộc đời binh nghiệp của mình và Hỏa Lò chính là một phần trong ký ức đó. Tất cả những hoạt động này nhằm xây đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia Việt Nam – Hoa Kỳ.

Tại buổi khai mạc, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng giới thiệu tới công chúng ấn phẩm gắn liền với nội dung trưng bày, cuốn sách ảnh “Tìm lại ký ức”, với những hình ảnh, tư liệu, những câu chuyện chân thực về miền Bắc Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp từ nhân chứng lịch sử và các phóng viên chiến trường.
Gần 50 năm đã trôi qua, nhân dân Việt Nam vẫn luôn dành tình cảm tốt đẹp cho người dân Mỹ yêu hòa bình. Trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức” là dịp để người dân Việt Nam thêm tự hào khi đã lập nên một kỳ tích của thế kỷ XX, là dịp để phi công Mỹ nhớ lại một khoảng lặng trong cuộc đời, giúp mỗi người hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, để cùng góp sức xây dựng thế giới hòa bình.

Hòa An

 

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *