Thể thao quần chúng

Gặp mặt báo chí giới thiệu chương trình “Bơi an toàn, phòng – chống đuối nước trẻ em 2019”

Sáng 15/5, tại Tổng cục Thể dục Thể thao đã diễn ra Cuộc gặp mặt báo chí giới thiệu chương trình “Bơi an toàn, phòng – chống đuối nước trẻ em 2019”.

Chủ trì cuộc gặp mặt báo chí có ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, bà Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo Vụ Trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội…

Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí giới thiệu chương trình “Bơi an toàn, phòng – chống đuối nước trẻ em 2019”.

Tại buổi lễ giới thiệu chương trình “Bơi an toàn, phòng – chống đuối nước trẻ em 2019, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong giai đoạn 2010-2015, trung bình mỗi năm có trên 3.000 thanh, thiếu nhi tử vong do đuối nước. Trong đó, trẻ em dưới 16 tuổi khoảng 2.200 em, con số này được giảm xuống là 1.995 em trong năm 2017 và 782 em của 42/63 tỉnh/thành trong 6 tháng đầu năm 2018.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước là do trẻ em chưa biết bơi, thiếu kiến thức và kỹ năng phòng, chống đuối nước; Do thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn đối với trẻ em khi sống trong môi trường không an toàn; Do thiên tai bão lũ; Do trẻ em chưa thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông đường thủy…

Chương trình “Bơi an toàn, phòng – chống đuối nước trẻ em 2019 sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho toàn xã hội.

Theo kế hoạch, Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước năm 2019 sẽ được tổ chức vào sáng 19/5 tại Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao quận Long Biên với sự tham gia của khoảng 5.000 người, trong đó có 3.000 học sinh thuộc các trường trên địa bàn. Bên cạnh phần Lễ, chương trình sẽ tập trung vào phần “hội” với các hoạt động trải nghiệm, trò chơi bổ ích… Sau lễ phát động toàn quốc, các địa phương cũng sẽ tiến hành chương trình đồng hành, hưởng ứng, phát động tập trung vào các ngày từ 30/5-1/6.

Phát biểu tại buổi lễ, phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cho biết, “việc lựa chọn tổ chức Lễ phát động tại thủ đô Hà Nội ngoài việc đáp ứng được về mặt cơ sở vật chất, trong những năm vừa qua, các cấp chính quyền thành phố Hà Nội rất quan tâm đến các hoạt động thể thao nói chung và bơi, phòng chống đuối nước nói riêng. Hà Nội là Thủ đô của cả nước với diện tích rộng, số lượng trẻ lớn và có phong trào mạnh trên toàn quốc. Tôi hy vọng, thông qua những chương trình tới đây, tình trạng đuối nước sẽ có những chuyển biến tích cực”.
Cũng tại cuộc gặp mặt báo chí, bà Trần Thị Vân Anh – Phó GĐ Sở VHTT Hà Nội – đã cung cấp những thông tin liên quan tới sự chuẩn bị của “chủ nhà” Hà Nội đối với Lễ phát động, bên cạnh đó là thông tin về sự phát triển của phong trào dạy và tập luyện bơi tại Thủ đô với rất nhiều mô hình đáng chú ý (đặc biệt tại huyện Thanh Trì).
Thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật TDTT, Quyết định số 234 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020; Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻm em; Quyết định số 4285/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước năm 2019.
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, năm 2019, Tổng cục TDTT tập trung triển khai 3 nhiệm vụ đột phá gồm: Hướng dẫn, phổ biến, triển khai thực hiện Luật sửa đổi bổ sung Luật TDTT; Tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước cấp quốc gia năm 2019; Tập trung đổi mới về nội dung, chương trình tập huấn, đổi mới về những nội dung dạy trẻ em học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, đồng thời hướng dẫn tiêu chí kiểm tra, đánh giá trẻ em biết bơi và kiến thức, kỹ năng phòng chống, đuối nước.
Mục tiêu của chương trình đó là, đẩy mạnh số lượng người biết bơi (không chỉ trẻ em mà cả người lớn), còn qua đó tạo hiệu ứng mạnh mẽ, qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi và công tác phòng, chống đuối nước, góp phần từng bước giảm tai nạn đuối nước.

P.V

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *