Chiều 13/9, tại Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã diễn ra Hội nghị nghiệm thu cấp cơ sở đề tài 05: “Đánh giá sự phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đảm bảo an sinh xã hội nhiệm kỳ Đại hội XVI (2015-2020) và định hướng phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2030” thuộc chương trình 20-Ctr/TU của Thành uỷ.
Văn kiện của Đảng qua các kỳ Đại hội đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của phát triển văn hóa, xây dựng con người, đảm bảo an sinh xã hội trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng như ở từng địa phương. Nhận thức được tầm quan trọng này, thành phố Hà Nội luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, đồng hành với phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng con người, đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng góp phần ổn định phát triển và tiến bộ xã hội và đạt được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên, dù quá trình mở rộng hội nhập quốc tế mang đến nhiều cơ hội giao lưu nhưng cũng cũng đặt ra những thách thức, tác động mạnh mẽ đến đời sống, sự phát triển văn hóa, con người, đảm bảo an sinh xã hội của Thủ đô: việc du nhập văn hóa nước ngoài, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của người dân thay đổi đã tác động đến việc phát triển văn hóa ở Thủ đô; quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa ở Hà Nội phong phú và phức tạp hơn các địa phương khác trên cả nước; kết quả xây dựng văn hoá người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa tương xứng với yêu cầu Thủ đô ngàn năm văn hiến; chưa hình thành được hệ giá trị nhân cách với các chuẩn mực rõ ràng về đạo đức, lối sống người Hà Nội; chưa tạo được chuyển biến rõ nét về văn hóa ứng xử của người dân; đảm bảo an sinh xã hội của Thành phố cũng còn tồn tại những hạn chế trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người dân… đòi hỏi phải sớm được nhận diện và xử lý.
Thực tiễn nêu trên đòi hỏi phải có nghiên cứu toàn diện cả về phương diện lý luận và thực tiễn làm cơ sở cho việc cung cấp các luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đảm bảo an sinh xã hội và đề ra những định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về lĩnh vực này của Thủ đô giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động – Chủ nhiệm đề tài cho biết, trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, công tác đảm bảo an sinh xã hội của Thủ đô giai đoạn 2015-2020, đề tài đề xuất định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, đảm bảo an sinh xã hội đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Đề tài đã hệ thống hóa các cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, công tác đảm bảo an sinh xã hội của Thủ đô giai đoạn 2015-2020; Đánh giá thực trạng phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, công tác đảm bảo an sinh xã hội của Thủ đô giai đoạn 2015-2020; và đề xuất định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, đảm bảo an sinh xã hội đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu GS.TS Phùng Hữu Phú hoan nghênh Ban chủ nhiệm đã triển khai đề tài với sự nỗ lực cao để hoàn thành một khối lượng công việc khá lớn. Hội đồng đồng thuận đánh giá đề tài có những ưu điểm cơ bản, tư liệu phong phú và cập nhật, đề tài đã cố gắng bao quát những vấn đề cơ bản, hoàn thành cơ bản để đưa ra nghiệm thu cấp Thành phố.
Tuy nhiên, để giúp cho đề tài hoàn thiện, nâng cao chất lượng bảo vệ cấp Thành phố một cách tốt nhất, các thành viên của Hội đồng đã đưa những ý kiến: Cách đặt vấn đề chưa đúng tầm, ở Hà Nội, vấn đề văn hoá, con người, xã hội phải được đặt ở một tầm cao mới, đặt lên trước cả kinh tế; Đề tài cần cập nhật tư liệu, số liệu mới hơn; Do đề tài có phạm vi rất rộng, cho nên chủ yếu nghiên cứu về thể chế trong thực hiện phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đảm bảo an sinh xã hội, nên phần lý luận, đánh giá cần khái quát hơn, đưa ra các ưu điểm nổi bật nhất đã đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XVI, từ đó rút ra những vấn đề cần tháo gỡ… Cần đặt quan điểm về văn hoá, con người, xã hội trong mối quan hệ biện chứng, không chia khúc. Cần nhận thức lại, đề cao vị trí, vai trò đặc biệt của văn hoá, con người, thay đổi nhận thức như thế nào? Khi ta muốn văn hoá, con người phát triển thì cần cái gì, động lực nào? Và cuối cùng là trách nhiệm của Thành uỷ, chính quyền các cấp, mặt trận Tổ quốc và trách nhiệm của nhân dân.
Sau khi đưa ra những nhận xét, đánh giá, góp ý cho đề tài, Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đã nhất trí thông qua để Ban chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa tiến tới bảo vệ tại Hội đồng cấp Thành phố.
Minh Nguyệt
Theo MaskOnline