Nếp Sống văn hoá

Ba Vì đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội

Năm 2024, huyện Ba Vì đặt chỉ tiêu 95% đám cưới thực hiện nếp sống văn minh (phấn đấu tổ chức mô hình cưới tiệc trà nước); 95% đám tang thực hiện nếp sống văn minh, tang văn minh (hỏa táng trước khi phát tang). 100% lễ mừng thọ và lễ hội trên địa bàn tổ chức đúng quy định.

Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2020 đến nay, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ba Vì đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội; với sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc, hưởng ứng tích cực của MTTQ, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở và các tầng lớp Nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy và các quy định của Trung ương, Thành phố; huyện đã góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ.

Ba Vì tổ chức hội nghị tọa đàm “Giải pháp thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ”

Trong đó, việc mừng thọ theo nếp sống văn minh được thực hiện khá đồng bộ trên địa bàn huyện; các xã, thị trấn tổ chức gặp mặt chúc mừng, trao giấy chứng nhận của Hội người cao tuổi Việt Nam cho các cụ đến tuổi tròn tại nhà văn hóa thôn; nhiều xã đã có quy định về thời gian tổ chức mừng thọ vào một ngày là mùng 4 hoặc mùng 6 Tết Nguyên đán… không tổ chức tiệc, cỗ linh đình, kéo dài; tạo không khí vui tươi, phấn khởi, ấm cúng, tình cảm trong cộng đồng, tiêu biểu như xã Phú Phương.

Việc tang văn minh trên địa bàn cũng có chuyển biến tích cực và dần đi vào nền nếp, số lượng các đám tang hỏa táng ngày càng tăng cao, năm 2023 đạt tỷ lệ 83,3%, tăng 30,7% so với năm 2020. Tình trạng làm cỗ mời khách trong các đám tang giảm mạnh, không còn các hủ tục lạc hậu như: lăn đường, yểm bùa…, thời gian tổ chức tang lễ không kéo dài. Đặc biệt nhiều địa phương đã tuyên truyền, vận động các gia đình có người qua đời thực hiện hỏa táng sau đó mới phát tang, tiêu biểu như xã Cổ Đô, Phong Vân, Phú Đông, Phú Sơn, thôn Liên Minh (xã Thụy An)…

Trong việc cưới, các nội dung, quy định thực hiện cưới theo nếp sống văn minh được triển khai sâu rộng, nhận thức, ý thức chấp hành của cán bộ, đảng viên và Nhân dân ngày được nâng lên. Các đám cưới đều thực hiện theo đúng Luật Hôn nhân và gia đình với các nghi lễ được tổ chức trang trọng, thủ tục đơn giản, tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo vui tươi, phấn khởi; các thủ tục cưới hỏi được giản tiện, rút ngắn thời gian tổ chức; không còn việc mời khách thuốc lá; việc sử dụng rượu, bia được hạn chế. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện có 7.537 đám cưới, trong đó có 6.673 đám cưới thực hiện nếp sống văn minh, đạt 88,5%; giai đoạn phòng, chống dịch covid-19, số đám cưới thực hiện nếp sống văn minh đạt 96,6%. Việc tổ chức cưới theo nếp sống văn minh, đã thể hiện nét đẹp truyền thống, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; hạn chế việc tổ chức đám cưới linh đình, kéo dài thời gian, phô trương hình thức gây tốn kém, lãng phí.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy và chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nhằm tiếp tục thực hiện việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội theo nếp sống văn minh, tránh hình thức, lãng phí, ngày 13/6/2024, UBND huyện Ba Vì phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy Ba Vì tổ chức hội nghị tọa đàm “Giải pháp thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ” trên địa bàn huyện năm 2024. Tại hội nghị, những ý kiến của các đại biểu tham gia đóng góp đã nêu lên thực trạng, những thuận lợi, khó khăn và tồn tại, hạn chế, đồng thời đưa ra các giải pháp triển khai việc cưới, việc tang, mừng thọ theo nếp sống văn hóa mới trong thời gian tới.

Tại Hôi nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh đề nghị các địa phương thời gian tới triển khai đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ; Hướng dẫn bổ sung nội quy, quy định về việc cưới, việc tang, mừng thọ và tăng cường công tác quản lý lễ hội vào quy ước cộng đồng phù hợp với phong tục tập quán của người dân; Xây dựng các chương trình thông tin, cổ động trực quan; Phát huy tinh thần tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác này và vận động gia đình, Nhân dân nơi cư trú cùng thực hiện; Nhân rộng các mô hình điển hình tiêu biểu trong toàn huyện; Làm tốt công tác đánh giá, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo trong việc thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ trên địa bàn huyện Ba Vì.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh phát biểu tại Hội nghị tọa đàm

Hiện nay, tình hình kinh tế – xã hội của Huyện đang có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống Nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao, để việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn huyện ngày càng hiệu quả, phù hợp với tình hình trong giai đoạn tới, góp phần tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân và theo đúng các quy định của Đảng và Nhà nước; Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Kết luận số 366-KL/HU ngày 04/4/2024 về thực hiện nếp sống văn mình trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn huyện, với một số chỉ tiêu cụ thể như: có 95% đám cưới thực hiện nếp sống văn minh (phấn đấu tổ chức mô hình cưới tiệc trà nước); 95% đám tang thực hiện nếp sống văn minh, tang văn minh (hỏa táng trước khi phát tang). 100% lễ mừng thọ và lễ hội trên địa bàn tổ chức đúng quy định.

BV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *