Ngày 6/7, quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức Hội nghị báo cáo vướng mắc, khó khăn nhằm đưa ra các biện pháp tháo gỡ trong công tác quản lý di tích trên địa bàn quận.
Thông tin tại Hội nghị, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Bắc Từ Liêm Phan Thị Thanh Huyền đã báo cáo những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý các di tích trên địa bàn quận. Đồng thời cho biết, các di tích đình Kiều Mai – phường Phúc Diễn, miếu Đồng Cổ – phường Minh Khai, miếu Tây Tựu, Đình Giàn – phường Xuân Đỉnh, đình Chùa Thượng Cát – phường Thượng Cát đề nghị điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ.
Đối với 5 di tích đang đề nghị điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ, bà Lê Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm đề nghị phòng Văn hóa và Thông tin quận tiếp tục rà soát, tham mưu UBND Quận văn bản đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Hà Nội xem xét, điều chỉnh theo quy định; UBND các phường chủ trì, chịu trách nhiệm về việc xin ý kiến đồng thuận của nhân dân và đề xuất các phương án đề nghị điều chỉnh theo quy định, đồng thời chủ động phối hợp với các phòng ban chức năng thuộc quận rà soát, kiểm tra, đối chiếu nguồn gốc sử dụng đất tại các thửa đất đề nghị điều chỉnh sao cho phù hợp và đúng quy định.
Bên cạnh đó, theo hồ sơ khoa học pháp lý xếp hạng di tích, hiện nay trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có 24 di tích khi xếp hạng đã khoanh vùng khu vực bảo vệ I, II vào các thửa đất của các hộ dân đang sinh sống, ăn ở lâu đời. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích; Đồng thời ảnh hưởng tới các nhu cầu của đời sống nhân dân như: sinh hoạt dân sinh; xin cấp phép xây dựng, sửa chữa; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất… dẫn đến tình trạng đơn thư, kiến nghị nhân dân kéo dài…
Tại Hội nghị, bà Lê Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm nêu rõ, đối với di tích Chùa Anh Linh, phường Cổ Nhuế 2: Giao Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quận và UBND phường Cổ Nhuế 2 thống nhất nội dung, quy mô tu bổ tôn tạo với Tiểu Ban quản lý di tích, đại diện nhân dân và nhà chùa tạo sự đồng thuận trước khi triển khai thực hiện, báo cáo UBND Quận kết quả thực hiện; yêu cầu UBND phường Cổ Nhuế 2 nâng cao công tác quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn; làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân và sư trụ trì về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, qua đó tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân và sư trụ trì thực hiện nghiêm các quy định.
Đối với di tích Chùa Hoàng Liên, phường Liên Mạc: Thống nhất giao phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu đề nghị cho tiếp tục thực hiện dự án trên cơ sở UBND phường Liên Mạc phải thực hiện đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao; Giao UBND phường Liên Mạc nâng cao công tác quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn; Làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân và sư trụ trì về công tác quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích, qua đó tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân và sư trụ trì thực hiện nghiêm các quy định.
Đối với di tích Đền Sóc, phường Xuân Tảo, giao UBND phường Xuân Tảo tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn, quản lý việc giữ nguyên hiện trạng hiện có tại di tích Đền Sóc, không để tình trạng tái vi phạm lấn chiếm và xây dựng tại di tích; chủ trì phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường, các phòng ban chức năng thuộc Quận rà soát hồ sơ quản lý đất đai, hồ sơ quản lý các công trình xây dựng và các chủ thể liên quan thuộc di tích Đền Sóc và Trung tâm đào tạo Lạc Hồng, qua đó xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền vận động, lấy ý kiến nhân dân và đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm các nội dung liên quan đến di tích Đền Sóc theo quy định của pháp luật xong trước ngày 31/9/2021; chủ động báo cáo lãnh đạo UBND Quận tiến độ giải quyết vụ việc mỗi tháng 1 lần để xem xét, chỉ đạo theo quy định. Giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với UBND phường Xuân Tảo và các phòng ban liên quan rà soát, làm rõ nguồn gốc quá trình sử dụng đất và các căn cứ pháp lý đề xuất xử lý vi phạm tại Đền Sóc theo quy định của pháp luật.
Đối với 21 di tích còn lại đang gặp vướng mắc cần tiếp tục đề nghị điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ, quận Bắc Từ Liêm sẽ rà soát, kiểm tra và làm rõ nguồn gốc quá trình sử dụng đất làm cơ sở đề nghị điều chỉnh phù hợp theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời tiếp tục đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ theo quy định (dự kiến năm 2022 đề nghị 10 di tích; năm 2023 đề nghị 11 di tích). Nghiên cứu đề nghị điều chỉnh các khu vực bảo vệ di tích theo nguyên tắc giữ nguyên các yếu tố gốc cấu thành nên di tích nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đồng thời đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân.
Dưỡng Toàn