Triển lãm

“Bài ca kết đoàn” kể câu chuyện về những người con ưu tú của Đảng

Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020), ngày 8/1, tại Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức Trưng bày chuyên đề “Bài ca Kết đoàn”.

Lễ cắt băng khai mạc Trưng bày.

Trưng bày là lời khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”. Với 2 nội dung Dấu ấn nơi miền quêDưới cờ Đảng vẻ vang, trưng bày “Bài ca kết đoàn” kể câu chuyện về những người con ưu tú của Đảng sinh ra trong cùng gia đình, dòng họ ở 5 miền quê đã quyết tâm đi theo con đường cách mạng, bị địch bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò và nhiều nhà tù khác. Giữa chốn “địa ngục trần gian”, các chiến sĩ vẫn hô vang những khẩu hiệu cách mạng với tinh thần: “Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết”.

Một số hình ảnh tại trưng bày.

Bằng tinh thần hiệp đồng chặt chẽ, sự bền tâm, nhất trí, một dân tộc nhỏ bé đã chiến thắng những kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất. Đảng đã tập hợp, lãnh đạo nhân dân kết thành một khối vững chắc, để viết nên những trang sử vàng chói lọi, từ “mùa thu nắng tỏa Ba Đình” tháng 8/1945, đến mốc son Điện Biên lịch sử (5/1954) và Đại thắng mùa xuân năm 1975.

Một số hình ảnh tại trưng bày.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Trưởng Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy khẳng định: “Bài ca kết đoàn” là bài ca ca ngợi việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không chỉ là bài học xương máu trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng đất nước, mà còn giữ nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Có thể thấy, từ trong đổ nát chiến tranh, trong dịch bệnh nguy nan hay trước bão lũ khắc nghiệt, chỉ cần cả dân tộc cùng sẻ chia và đoàn kết dưới ngọn cờ của Đảng, sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để hồi sinh sự sống từ đau thương, đổ nát, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

Trưởng Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy phát biểu khai mạc Trưng bày.

Tại lễ khai mạc, du khách còn được gặp gỡ thân nhân của các nhân chứng lịch sử được giới thiệu trong trưng bày. Đặc biệt, công chúng đã được nghe kể về câu chuyện tình đẹp giữa hai chiến sĩ cách mạng Mai Ngọc Thuyết và Nguyễn Văn Mẫn. Trong thời kỳ vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, câu chuyện về đồng chí Mai Ngọc Thuyết, em gái ruột đồng chí Mai Lập Đôn – là một trong 11 hội viên đầu tiên của Chi hội Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Hà Nội. Đồng chí Mai Ngọc Thuyết có mối tình cảm động với đồng chí Nguyễn Văn Mẫn – Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ. Hai vợ chồng cùng theo cách mạng, cùng bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò vào những thời điểm khác nhau. Khi đồng chí Nguyễn Văn Mẫn hi sinh, đồng chí Mai Ngọc Thuyết vẫn giữ trọn lời thề sắt son, chung thủy. Câu chuyện cảm động về tình cảm vợ chồng, tình yêu thương con đã được kể lại xúc động qua chính lời kể của người con gái duy nhất của 2 người – bà Nguyễn Hồng Tuyến, một cán bộ tiền khởi nghĩa, nay đã bước sang tuổi 90.

Bà Nguyễn Hồng Tuyến – người con gái duy nhất của đồng chí Nguyễn Văn Mẫn và đồng chí Mai Ngọc Thuyết.

Cũng tại buổi lễ, đại biểu còn được lắng nghe cảm xúc của một nhân chứng lịch sử – Đại tá Đào Đoàn Thế Hùng – nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không Không quân, nguyên Phó Chánh thanh tra Bộ Quốc Phòng – người đã cất lên lời ca bài hát “Kết đoàn” tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tại công viên Bách Thảo 55 năm về trước. Khoảnh khắc Bác đứng trên bục chỉ huy, bắt nhịp bài ca “Kết đoàn” lúc ấy đã được nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long chụp lại, sau này đã trở thành một trong những biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.

Nhân chứng lịch sử – Đại tá Đào Đoàn Thế Hùng cùng các bạn trẻ cất vang lời ca “Kết đoàn”.

Bên cạnh đó, tại không gian trưng bày, các du khách sẽ có cơ hội được tiếp cận nhiều tài liệu, hiện vật gợi nhớ ký ức về các kỳ Đại hội Đảng, trong đó có các hiện vật của Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Một số tài liệu, hiện vật được trưng bày.

Tô Nga

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *