Di sản – Bảo tồn

Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò khai mạc Trưng bày chuyên đề “Đứng lên và cất tiếng”

Trưng bày “Đứng lên và Cất tiếng” góp phần tôn vinh chặng đường hoạt động của một nhà báo vì nước – nhà báo Hồ Chí Minh; tôn vinh những đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trưng bày cũng là lời tri ân dành cho những nhà báo – chiến sĩ đã hy sinh xương máu, cống hiến quên mình cho sự nghiệp vẻ vang của nền báo chí cách mạng…

Chào mừng kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022), 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức khai mạc Trưng bày chuyên đề “Đứng lên và Cất tiếng”.

Đến dự khai mạc Trưng bày có Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, lão thành cách mạng, Trưởng ban đại diện Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Tiến Hà, ủy viên thường trực 15 Ban liên lạc, Trưởng ban liên lạc Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò, cùng các cựu tù chính trị, các nhà khoa học, nhà báo, phóng viên chiến trường năm xưa…

Cắt băng khai mạc Trưng này chuyên đề “Đứng lên và cất tiếng”.

Trưng bày “Đứng lên và Cất tiếng” góp phần tôn vinh chặng đường hoạt động của một nhà báo vì nước – nhà báo Hồ Chí Minh; tôn vinh những đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong đó có sản phẩm báo chí ra đời trong các nhà tù thực dân, đế quốc. Trưng bày cũng là lời tri ân dành cho những nhà báo – chiến sĩ đã hy sinh xương máu, cống hiến quên mình cho sự nghiệp vẻ vang của nền báo chí cách mạng.

Các đại biểu nghe thuyết minh Trưng bày chuyên đề.

Trưng bày với 2 nội dung: Tiếng nói dân tộc và Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng. Ở nội dung Tiếng nói dân tộc thể hiện một số dấu ấn lịch sử trên chặng đường 97 năm hình thành và phát triển của Báo chí cách mạng Việt Nam, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng đầu tiên. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người sử dụng trên 170 bút danh để viết trên 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng, nhiều thể loại khác nhau. Những bài báo của Người vừa đậm tính dân tộc nhưng cũng giàu tính hiện đại, vừa mang tính chiến đấu lại có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ. Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những nhà báo – chiến sĩ luôn vững tay bút, sáng niềm tin, góp phần cất lên tiếng nói của khát vọng độc lập, tự do, hòa bình và xây dựng đất nước. Ngay cả khi bị bắt giam trong các nhà tù thực dân, đế quốc, các chiến sĩ yêu nước, cách mạng vẫn dùng ngòi bút làm vũ khí để bẻ gãy gông cùm. Tại Nhà tù Hỏa Lò, để đập lại giọng điệu sai lầm của các tù nhân Quốc dân Đảng và giác ngộ họ theo cách mạng, Chi bộ Nhà tù đã ra những tờ báo: “Con đường chính”, “Đuốc Việt Nam”, “Lao tù”…do các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Trịnh Đình Cửu chấp bút và chỉ đạo.

Hoạt cảnh về quá trình “xuất bản” và “phát hành” những tờ báo đặc biệt sau song sắt tại Nhà tù Hỏa Lò.

Nội dung Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng được thể hiện qua 3 tiểu mục: Vì nước dấn thân: Kể câu chuyện về những nhà báo, chiến sĩ can trường trên chiến trường khốc liệt. Vì Tổ Quốc, họ sẵn sàng vượt qua mọi gian khó để đưa đến những tác phẩm chân thực, phản ánh sự khốc liệt của cuộc chiến. Hóa thân cho Tổ quốc: Vinh danh lớp lớp phóng viên đã lên đường ra trận, nhiều người trong đó vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Nhiều phóng viên hy sinh khi lao vào nguy hiểm để có được những thước phim, bức ảnh chân thực, tiêu biểu như nhà báo, liệt sĩ Trần Mai Ninh; nhà báo, liệt sĩ Trần Kim Xuyến; nhà báo, liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Đình Dư; nhà quay phim, liệt sĩ Nguyễn Văn Giá…Vì dân cất tiếng: Là không gian trưng bày hiện vật sáng tạo. Những hiện vật gắn liền với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam được giới thiệu trong cụm tủ hiện vật khoét rỗng kết hợp ray kéo, tạo trải nghiệm mới mẻ, du khách có thể kéo các ray kéo ra để xem hiện vật bên trong.

Trưng bày “Đứng lên và cất tiếng” ra mắt vào ngày 18/5 và kéo dài đến ngày 31/12/2022 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, số 1 Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thảo Nhi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *