Văn hoá đời sống

Bàn về Văn hóa

VĂN HOÁ  NGÔN NGỮ 

Người thanh tiếng nói cũng thanh

Đó là câu ca dao khen ngợi người Hà Nội thanh lịch nói tiếng thanh lịch. Tiếng Hà Nội vẫn là tiếng Việt muôn đời của dân tộc ta mà thôi. Có điều là tiếng nói của kinh thành, của Thủ đô đất nước cho nên tiếng Hà Nội là kết quả hội tụ và kết tinh những gì tốt đẹp nhất của trăm miền quê hương, của mấy chục dân tộc anh em để tạo nên thứ ngôn ngữ êm ái, thanh mảnh, tế nhị, phong phú và cách diễn đạt trong sáng, lịch sự, mềm mỏng mà chỉ nghe đã nhận ra đó là người Hà Nội.Ca dao, ngạn ngữ của ông cha ta còn truyền lại bao câu hay dạy về cách ăn nói. Nào là:

"Mê anh chẳng phải mê tiền

Thấy anh ăn nói có duyên dịu dàng"

"Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"

"Chim khôn kêu tiếng rảnh rang

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe"

Nào là "Học ăn, học nói, học gói, học mở", "Ăn có nhai, nói có nghĩ", "Ăn nên đọi, nói nên lời", "Ăn ngay, nói thật", "Ăn bớt bát, nói bớt lời". Cần  phải nhận thức đúng đắn về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Làm cho tiếng Hà Nội giàu thêm, hay thêm chứ không làm cho nó pha tạp, lai căng, mất đi bản sắc mà phải qua cuộc hành trình hàng nghìn năm mới tạo nên mảnh đất văn hiến này.

Tiếng nói là công cụ quan trọng trong giao tiếp, tư duy, là công cụ để diễn tả tư tưởng, tình cảm của con người. Thông qua tiếng nói, người ta nhận ra trình độ trí tuệ, thang bậc văn hoá của người nói. Sự khiêm tốn, nhã nhặn là yêu cầu trước hết của tiếng nói người Hà Nội. Những lời "cảm ơn", "đa tạ", "nhờ ông", " xin bà", "không dám", "xin lỗi"… đã thường xuyên ở cửa miệng. "Nhờ ông xem giùm tôi mấy giờ rồi ạ?". "Xin lỗi bà cho tôi đi nhờ sang bên kia". "Cảm ơn chị đã cho cháu gói kẹo". "Anh làm ơn cho tôi hỏi chuyến tàu Hải Phòng mấy giờ mới chạy?"

Cùng một nội dung nhưng có nhiều cách diễn đạt khác nhau. Thí dụ:

-Mua gì?

-Anh mua gì?

-Chị tìm mua gì thế?

-Bà có mua gì không ạ?

-Có nhiều hàng mới về, mời bác xem và mua giúp em.

Người Hà Nội bao giờ cũng chọn cách nói, cách hỏi tế nhị nhất, vừa lòng người nghe nhất, chứ không nói chỏng lỏn, trống không, cộc lốc. Người ta bảo "Ngọt lịm như tiếng Thủ đô" là vậy.

Ngôn ngữ Hà Nội còn có thói quen chọn dùng những từ thanh không dung tục. Người ta gọi "chim gáy" để chỉ "chim cu", "thức ăn" chứ không nói "đồ ăn", "nhà sau" thay cho "nhà vệ sinh", nói "cái nõn nường", "con bướm", "con chim" chứ không gọi tên thực của bộ phận sinh dục, nói "bác mất" thay từ "bác chết"…

Người Hà Nội không chửi thề tục tĩu. Có giận giữ lắm cũng biết kiềm chế, nhẫn nhịn cho qua cơn nóng nảy, để ôn tồn phân trần hoà giải với nhau có tình, có lý. Trên đường phố, trong nơi công cộng, ta vẫn còn gặp một số người  nói gì cũng đệm tiếng "đ. mẹ" một cách vô tư. Họ không phải người bình dân, ăn diện đúng mốt, ra dáng lịch sự. Có  góp ý họ họ bảo "quen miệng từ bé mất rồi!" Chẳng có gì khó mà không sửa được, chẳng qua là họ kém văn hoá đó thôi. Cũng không hiếm các chàng trai, cô gái bảnh bao đi xe máy hàng đôi "thả" ra đường phố những lời khiếm nhã rác tai thiên hạ. Họ đâu phải ít học, cũng tú tài, cử nhân cả đấy. Họ không biết làm thế là tự hạ thấp nhân phẩm và làm ô nhiễm môi trường văn hoá phố phường.

banvanhoa1.jpg

          Giữ gìn nét đẹp ngôn ngữ qua những tiểu phẩm, hội diễn

Lại còn một thứ tệ nạn đang xâm nhập vào thế hệ 8X mà xã hội đang quan tâm. Nếu như vài chục năm trước đây, trong lớp trẻ có dùng một số tiếng lóng như "hết xảy", "đồ tẩm", "ông bà bô", "đớp hít", "mới toe"… rồi thời gian đã xoá đi. Bây giờ lại nhan nhản những từ dữ dội hơn, gọi trường học là "hoả lò", đôla là "vé âm phủ", tiền là "đạn", "máu khô", xe máy là "con nghẽo", bạn gái là "gà công nghiệp". Hãy nghe những  câu họ thường nói: "Thoải mái con gà mái", "ra quán làm chầu Phạm Tu", "Đừng có mà vô Lý Thường Kiệt", "Cho nó một băng đạn là xong béng", "Chơi hết tầm đại bác"… Đây là một cuộc trò chuyện qua máy đi động: "Mày "meo" ngay cho tao kẻo nó hạ không độ thì chít! Đã "cóp" vào "phai" chưa? Thay "môbai" gỗ đi con gà rù ạ! Đã "chát" được con mồi béo rồi hả? Thứ bảy này có đi Sầm Nghi Đống dìm nước không?"

Chả cần bình luận thêm ta cũng thấy người lớn chúng ta, trường học chúng ta, đoàn thể chúng ta, cơ quan chúng ta và nhất là gia đình chúng ta phải có thái độ "hãm" chiếc xe ngôn ngữ pha tạp đang xuống dốc không phanh này.

banvanhoa2.jpg

           ​Giữ gìn văn hóa ngôn ngữ trong truyền thống gia đình

Lời nói là gói vàng. Tiếng nói là vốn quý của con người. Nếu chúng ta nói năng với nhau một cách có văn hoá cũng là làm tăng giá trị tình cảm giữa người với người, cũng là góp phần làm đẹp con người Hà Nội, làm đẹp Thủ đô.

Giang Quân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *