Đến tham quan bảo tàng du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu về lịch sử cũng như văn hóa của đồng bào 54 dân tộc anh em tại Việt Nam với đa dạng nét văn hóa vô cùng đặc sắc.
Vừa qua, Bộ VHTTDL đã trao trao tặng danh hiệu “Điểm tham quan hàng đầu Việt Nam năm 2016” cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Đây là lần thứ hai Bảo tàng vinh dự nhận danh hiệu này. Vậy điều gì đã làm nên sức hấp dẫn và uy tín cho Bảo tàng Dân tộc học?
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Nguồn: wikimapia.org
|
Tòa nhà cánh diều (Bảo tàng Đông Nam Á trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học). Nguồn: TTVH |
Như chúng ta đã biết, từ những năm gần đây, Bảo tàng dân tộc học đã trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ đối với khách du lịch trong nước mà còn với du lịch quốc tế. Sở dĩ như vậy là bởi khi đến tham quan bảo tàng du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu về lịch sử cũng như văn hóa của đồng bào 54 dân tộc anh em tại Việt Nam với đa dạng nét văn hóa vô cùng đặc sắc.
Bảo tàng dân tộc học nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Mặc dù ý tưởng xây dựng được hình thành từ năm 1981 nhưng đến năm 1987 thì công trình mới được Chính phủ phê duyệt và bắt đầu khởi công xây dựng. Và sau đúng 10 năm, năm 1997 vào ngày 12 tháng 11, Bảo tàng dân tộc học được khánh thành. Công trình do kiến trúc sư Hà Đức Lịnh thiết kế và nữ kiến trúc sư Veronique Dollfus ( người Pháp) thiết kế nội thất.
Khu trưng bày các hiện vật, mô hình mô phỏng sinh hoạt của các dân tộc Việt Nam. Nguồn: mobileworld.vn |
Bảo tàng được chia làm ba khu trưng bày chính. Tòa nhà Trống Đồng có hai không gian, 1 không gian trưng bày nhất thời theo chủ đề và luôn được làm mới tại tầng 2, còn không gian tầng 1 thì trưng bày giới thiệu bản sắc 54 dân tộc. Khu vực trưng bày thứ hai là khu trưng bày ngoài trời. Đây là một vườn cây xanh trong đó có 10 công trình dân gian với các loại hình kiến trúc khác nhau. Cuối cùng là khu trưng bày Đông Nam Á được xây dựng năm 2008, nơi đây trưng bày các hiện vật, hình ảnh về nghệ thuật nói chung của Đông Nam Á.
Riêng tại khu trưng bày thường xuyên trong tòa nhà Trống Đồng đã có 15.000 hiện vật, 42.000 thước phim và ảnh chủ yếu mô tả đời sống sinh hoạt, trang phục, y phục, nông cụ, vũ khí, nhạc cụ và tôn giáo tín ngưỡng cũng như các tục lệ của đồng bào 54 dân tộc… Để phục vụ khách tham quan, các hiện vật cũng như hình ảnh ở đây đều được dịch ra 3 thứ tiếng là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Chưa hết, Bảo tàng dân tộc học còn soạn thảo và cho in rất nhiều tờ gấp giới thiệu những nét chính của bảo tàng cũng bằng 3 thứ tiếng để khách du lịch tiện cho việc tham quan.
Qua tòa nhà Trống Đồng, du khách sẽ bắt gặp một khoảng sân lớn đó chính là khu trưng bày ngoài trời. Tại đây du khách sẽ bắt gặp những kiến trúc độc đáo của người dân tộc Bana, nhà sàn dài của người Ê đê, nhà sàn của người Tày, nhà nửa sàn nửa đất của người Dao, nhà trệt lợp ván pơmu của người Hmông, nhà ngói của người Việt, nhà sàn thấp của người Chăm, nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà mồ tập thể của người Giarai và nhà mồ cá nhân của người Cơtu. Nằm trong khuôn viên khu vườn đầy cây xanh còn có ghe ngo của người Khmer và cối giã gạo bằng sức nước của người Dao…Khu vực trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng dân tộc học là khu đặc biệt thu hút khách bởi đến đây, du khách sẽ được bước chân và những ngôi nhà của người dân tộc, những ngôi nhà này giữ nguyên bản kiến trúc và kích thước thật. Không chỉ có khách tham quan, đã từ lâu bảo tàng dân tộc học còn là địa điểm được các đôi uyên ương ưu ái chọn lưu giữ lại khoảnh khắc hạnh phúc của mình.Từ khoảng 3 – 4 năm nay, khách du lịch đến thăm quan bảo tàng ngày càng tăng và để giới thiệu được bao quát nét văn hóa nghệ thuật dân gian của các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng dân tộc học đã không ngừng đổi mới, tổ chức các trưng bày chuyên đề, và các hoạt động trình diễn văn hóa đa dạng, sống động thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Trong năm 2015, Bảo tàng còn tiến hành xây dựng mới nhà Thủy đình dân gian để biểu diễn rối nước, chỉnh trang khuôn viên các ngôi nhà truyền thống, tu sửa một số công trình, hạng mục xuống cấp để đưa vào phục vụ khách tham quan được tốt hơn. Những nỗ lực này đã giúp cho bảo tàng dân tộc học ngày càng hấp dẫn và trở thành một điểm đến không thể thiếu tại Hà Nội.
Khu trưng bày các hiện vật, mô hình mô phỏng sinh hoạt của các dân tộc Việt Nam.Nguồn: mobileworld.vn
|
Trong khu trưng bày Đông Nam Á giới thiệu hiện vật, hình ảnh về nghệ thuật nói chung của Đông Nam Á. Nguồn ảnh: NDĐT |
Khu trưng bày ngoài trời. Nguồn: vme |
Theo Cinet