Bảo tồn - Bảo Tàng

Bảo tàng Hà Nội: Đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng hoạt động

Trong những năm qua, trước những yêu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội, hoạt động của các bảo tàng cũng từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đó chính là mục tiêu mà Bảo tàng Hà Nội luôn hướng đến. Đặc biệt là trong công tác trưng bày nhằm giới thiệu đến công chúng những giá trị văn hóa cốt lõi của Thủ đô trên cơ sở những sưu tập tài liệu, hiện vật mà Bảo tàng đang lưu giữ.

Năm 2023, năm mà các hoạt động bắt đầu sôi động trở lại sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hoạt động của Bảo tàng Hà Nội đã bắt nhịp nhanh chóng, trở thành điểm thu hút giới trẻ đến tham quan, trải nghiệm, “check-in”. Bảo tàng Hà Nội được nhắc tới trong hàng loạt các hội nhóm Facebook, trên mạng xã hội TikTok như một địa điểm không thể bỏ lỡ khi tới Thủ đô. Trung bình mỗi tháng Bảo tàng Hà Nội đón khoảng gần 12.000 lượt khách tham quan.

Bảo tàng Hà Nội trở thành điểm thu hút giới trẻ đến tham quan, trải nghiệm, “check-in”.

Nhằm đổi mới hoạt động trưng bày, năm 2023, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức và phối hợp tổ chức thực hiện gần 20 trưng bày, triển lãm. Nhiều trưng bày đã tạo sự tương tác cao đối với khách tham quan như trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội” và Không gian nghệ thuật sen thư pháp; triển lãm “Những mảnh vụn”; trưng bày “Nếp xưa”… Một số đã sử dụng công nghệ triển lãm nghe nhìn đa phương tiện, công nghệ mapping 3D hấp dẫn khách tham quan, đưa đến cho công chúng một trải nghiệm triển lãm tương tác hoàn toàn mới mẻ. Ngoài việc mở cửa phục vụ khách tham qua, Bảo tàng Hà Nội còn đảm nhận vai trò là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện của quốc gia và thành phố, nơi diễn ra nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cùng các đại biểu tham quan trưng bày “Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội”.

Cùng với đó, công tác sưu tầm, kiểm kê và bảo quản hiện vật cũng luôn được Bảo tàng chú trọng quan tâm. Năm 2023, Bảo tàng đã sưu tầm, tiếp nhận 400 hiện vật gia đình ông Phạm Thắng – đội viên đội Tình báo Bát sắt; 90 tài liệu, hiện vật hai nhà máy Cao su Sao vàng và nhà máy Dệt 10/10; 160 hiện vật công cụ nông nghiệp của 3 huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng; 21 tài liệu, hiện vật làng nghề cốm Mễ Trì; 50 hiện vật ngói cổ Hưng Ký (17 Tôn Thất Thiệp, Ba Đình). Duy trì công tác quản thủ, quản lý hiện vật theo chất liệu trong các kho cơ sở đảm bảo an toàn, tránh hư hỏng. Quản lý môi trường, nhiệt độ trong kho và trên trưng bày, theo dõi tình trạng hiện vật, thực hiện bảo quản phòng ngừa, chống xuống cấp kịp thời, kéo dài tuổi thọ cho hiện vật. Ngoài ra, Bảo tàng đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác bảo quản, gắn chắp hiện vật tượng Tổng đốc Hoàng Trọng Phu; bảo quản hiện vật bộ xương rùa.

Triển lãm “Những mảnh vụn” với những hoạt động tương tác, trải nghiệm.

Công tác giáo dục và phổ biến tri thức là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Bảo tàng Hà Nội. Trong năm 2023, Bảo tàng đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, trải nghiệm cho gần 2000 học sinh về các nội dung: Tìm hiều cách mạng tháng Tám ở Hà Nội, làm tranh ghép vải, nón lá, đôi dép cao su Bác Hồ, tranh dân gian, thư pháp, học viện khám phá… Phối hợp với Nhà hát Kịch Hà Nội triển khai thực hiện Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030” cho gần 3.000 học sinh.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa, Trưởng phòng Trưng bày – Tuyên truyền, Bảo tàng Hà Nội cho biết: Công tác giáo dục của Bảo tàng được thực hiện thông qua hình thức trực quan với các hiện vật gốc và hình ảnh sinh động. Bảo tàng Hà Nội đã phối hợp với các cơ sở giáo dục để xây dựng những nội dung chuyên đề phù hợp, đưa bảo tàng thành lớp học thực tế cho học sinh để giúp cho các chương trình giáo dục được đổi mới và đạt hiệu quả tốt hơn. Bên cạnh đó tăng cường cho học sinh tiếp xúc với các tài liệu ngoài sách giáo khoa, đặc biệt là với hiện vật – là bằng chứng về các sự kiện lịch sử, góp phần rèn luyện cho học sinh nâng cao khả năng quan sát, tưởng tượng, tư duy lịch sử. Những năm qua, công tác giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng thông qua các hoạt động ngoại khóa ở Bảo tàng Hà Nội đã góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng tư tưởng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước cho các em học sinh.

Hoạt động giáo dục, trải nghiệm tại Bảo tàng Hà Nội.

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cũng cho biết, trong thời gian tới, Bảo tàng Hà Nội sẽ cố gắng hoàn thiện hơn nữa các trưng bày, hứa hẹn có thêm nhiều trưng bày chuyên đề hấp dẫn phục vụ công chúng trong và ngoài nước. Bảo tàng cũng đặt quyết tâm hoàn thiện trưng bày thường xuyên để đón tiếp khách tham quan vào cuối năm 2024. Từng bước đưa Bảo tàng Hà Nội trở thành một không gian sáng tạo văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, hiện thực hóa các cam kết, sáng kiến của mình, đưa hoạt động sáng tạo vào mọi mặt trong đời sống.

Vy Vy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *