Sau khi được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại chưa bao lâu, ca trù lại đối mặt với nguy cơ thất truyền bởi sự mai một trong thực hành.
Việc công bố công trình nghiên cứu, phục dựng trình thức hát cửa đình (hát thờ) trong dự án bảo tồn ca trù ở Hà Nội theo phương pháp tiếp cận mới; thực hành nhuần nhuyễn hát, điểm chầu theo đúng lề lối cổ truyền của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và các cộng sự, vừa tổ chức tại Hà Nội, đã đem đến nhiều tín hiệu vui cho công tác bảo vệ, gìn giữ di sản.
Nhiều thể cách để ca trù sống dậy
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ, từ trước tới nay, đào, kép ở giáo phường ca trù thường chỉ học bài bản qua truyền nghề, truyền khẩu. Qua nhiều năm bị “bỏ rơi”, việc truyền dạy ca trù cũng có hạn chế nhất định. Đào kép bây giờ có thể học nghệ nhân, nhưng sau đó tự đi đàn hát, việc cảm nhận âm luật dần dần mai một.
Từ thực tế ấy, cùng cái duyên với ca trù, ý tưởng về tổng kết các cách đánh đàn, hát, gõ phách, trống của nhiều nghệ nhân ca trù tài danh khi xưa, để đưa ra quy luật, ứng dụng vào thực hành đã manh nha và nhanh chóng được triển khai.
Năm 2014, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã tự mày mò nghiên cứu âm luật nhạc ả đào cùng nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ – kép đàn nhà nghề cuối cùng của thế kỷ 20. Sau thời gian miệt mài nghiên cứu, trình thức hát cửa đình của ca trù đã chính thức sống dậy sau 60 năm vắng bóng.
Từ những thành công đầu tiên ấy, ông Bùi Trọng Hiền tiếp tục dấn thân trong việc sưu tầm, phục chế nhiều tư liệu vô cùng quý hiếm về ca trù, như băng thu thanh của ả đào nổi tiếng ở Khâm Thiên những năm 1920-1930 với các đào nương Nguyễn Thị Cúc, Đinh Thị Bản, Đinh Thị Nghĩa và kép đàn Đinh Khắc Ban… Đây là những bậc tài danh của dòng họ ả đào nổi tiếng ở giáo phường thuộc Vĩnh Phúc xưa kia.
Đầu năm 2017, dự án chính thức khởi động khi ê kíp lấy nhóm ca trù Phú Thị làm đối tượng thực hành hệ thống lý thuyết mới nghiên cứu, học nhạc kèm theo âm luật. Bên cạnh tư liệu phục chế, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và nhóm Phú Thị căn cứ vào vốn bài bản học từ cụ nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, cho ra mắt album Hát cửa đình, bao gồm một số bài bản đại diện có tính hệ thống cổ điển. Trong đó, có những thể cách được phục dựng sau hàng chục năm ngủ yên trong những cuốn băng cũ nát như: giáo nhạc (hát giai, giáo hương), phú Kiều, hát lót, hãm cửa đình…
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ, phải chạy đua với thời gian, bởi lẽ các nghệ nhân, người nắm giữ những vốn liếng quý giá về di sản, giờ chỉ còn cụ Nguyễn Phú Đẹ là đủ minh mẫn. Kết quả không phụ lòng trông mong của các nhà nghiên cứu, họ đã thành công trong việc tổng kết tư liệu về ca trù của cả một thế kỷ để đúc kết thành lý thuyết cơ bản, từ đó hiểu rõ về loại nhạc này.
Bước tiến mới trong bảo tồn ca trù
Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, một người nặng lòng với di sản âm nhạc dân tộc đã thốt lên rằng: “Bùi Trọng Hiền đã kiên nhẫn nghiên cứu, tìm tòi, đưa ra được quy luật âm nhạc ca trù, bước đầu góp phần mô hình hóa để việc truyền dạy nhanh hơn, đúng hơn.
Thông qua đó, việc giữ gìn di sản ca trù sẽ không chỉ dừng lại trên từng bài hát như trước, mà căn cứ trên quy luật khoa học”. Theo Giáo sư Tô Ngọc Thanh, việc làm của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và các cộng sự là sự phát hiện mới trong nghiên cứu khoa học xã hội.
Khi nghe các nghệ nhân nhóm ca trù Phú Thị trình diễn ca trù theo phương pháp tiếp cận mới, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cũng cho rằng, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã rất thành công khi tổng kết các cách đánh đàn, hát, gõ phách, trống của nhiều nghệ nhân ca trù tài danh khi xưa để đưa ra quy luật, ứng dụng vào thực hành.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Loan khẳng định, việc tìm ra một phương pháp học và truyền thụ ca trù không làm mất đi sự phong phú, cá tính sáng tạo của di sản âm nhạc này. Bởi theo ông, khi học được trọn vẹn, thành thạo các ngón đàn, hát, phách của nghệ nhân đúng theo chuẩn mực cổ truyền thì chính sự tự do, phóng khoáng của ca trù sẽ tạo cho mỗi đào nương một phong cách riêng biệt…
Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc kỳ vọng, thành quả trong việc tìm chuẩn mực trong ca trù cửa đình sẽ mở ra nhiều bước tiến mới trong việc bảo vệ, giữ gìn, phát triển di sản ca trù trong đời sống đương đại.
Theo sggp.org.vn