Văn hóa

Bảo tồn nét đẹp văn hóa Tràng An

Trước những lo lắng văn hóa Tràng An đang có phần mai một, thời gian qua, có những người con Hà Nội vẫn đang bền bỉ nỗ lực, góp phần nhỏ bé gìn giữ nét đẹp văn hóa Tràng An. “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Giữa […]

Trước những lo lắng văn hóa Tràng An đang có phần mai một, thời gian qua, có những người con Hà Nội vẫn đang bền bỉ nỗ lực, góp phần nhỏ bé gìn giữ nét đẹp văn hóa Tràng An.

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Giữa ồn ã của cuộc sống hiện đại, trước những lo lắng văn hóa Tràng An đang có phần mai một, thời gian qua, có những người con Hà Nội vẫn đang bền bỉ nỗ lực, góp phần nhỏ bé gìn giữ nét thanh lịch, văn minh, nét văn hóa truyền thống của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Dạy nét đẹp văn hóa bắt đầu từ chủ nhân Thủ đô tương lai 
Hơn 25 năm đứng lớp, cô giáo Trần Thị Quyến, giáo viên môn Giáo dục công dân (GDCD) trường THPT Kim Liên, Hà Nội chưa bao giờ thôi yêu nghề. Hơn thế, cô còn luôn ý thức được trách nhiệm của mình là truyền thụ bài học làm người, nét đẹp trong ứng xử, lời ăn tiếng nói của người Hà Nội cho những chủ nhân Thủ đô tương lai.
Tốt nghiệp ngành Giáo dục chính trị, trường ĐH Sư phạm I năm 1995, cô Quyến có 6 năm dạy môn GDCD tại nhiều trường THPT ngoài công lập trước khi chính thức về công tác tại trường THPT Kim Liên. Vì thế, cô có điều kiện trải nghiệm nhiều môi trường giáo dục, tiếp xúc với các đối tượng học sinh với năng lực học, tính cách, gia cảnh khác nhau. Có năm học, cô chủ nhiệm một lớp với đa phần các học sinh có hoàn cảnh éo le, bỏ học nhiều lần, cách ăn nói, ứng xử thiếu chuẩn mực…
Dù vậy, trong mắt cô, không có học sinh nào là hư hỏng. Ngược lại, cô luôn nhìn thấy những phần thiện trong học sinh để yêu thương, cảm hóa các em. Cô sử dụng facebook, zalo, tham gia nhiều hội nhóm của học sinh để biết suy nghĩ, hành động của trò và kịp thời bảo ban các em khi cần. Cô giúp các học sinh hiểu về sống đẹp là sống lành mạnh, ứng xử có văn hóa, có trách nhiện với bản thân và với xã hội. Nhờ đó, nhiều học sinh có cá tính mạnh của cô sau này đã lớn lên, trở thành công dân hữu ích của xã hội.
Cô Trần Thị Quyến rất tâm huyết với từng bài giảng dạy làm người cho các thế hệ công dân Thủ đô tương lai
Trên bục giảng, cô Quyến luôn thổi hồn vào từng bài giảng GDCD. Để rồi, cảnh tượng thường thấy trong các tiết dạy của cô là học sinh chăm chú nuốt từng lời cô, thậm chí đôi mắt đỏ hoe vì xúc động. Cô kể cho học sinh nghe các câu chuyện trong cuốn Hạt giống tâm hồn, các tấm gương về lòng hiếu thảo. Nhiều học sinh ở tuổi trăng tròn của cô Quyến đến tuổi thích làm đẹp, cô không cấm cản vì làm đẹp là nhu cầu của con người. Nhưng, cô lại giáo dục các em hiểu về cách cảm nhận cái đẹp của người Hà Nội, không khoa trương mà nền nã, trang phục không cần đắt tiền nhưng vẫn lịch lãm…
Cô cũng để ý rèn lời ăn, tiếng nói chuẩn mực cho học sinh mọi lúc mọi nơi như trong giờ ra chơi, khi đi thăm quan… chứ không đợi tới giờ lên lớp. Dần dà, những bài học ấy đã ngấm vào các học trò, giúp các em hoàn thiện nhân cách, nhiều em đã cảm thấy ngại ngùng khi nói lời không hay, hành động chưa đẹp. Còn cô, cũng luôn cố gắng làm gương trước học sinh về tác phong, ứng xử sư phạm chuẩn mực. Từng đó năm đi dạy, cô Quyến có nguyên tắc không bao giờ nặng lời làm tổn thương học trò. Chỉ riêng cách cô luôn lịch sự, tươi cười đáp lại từng lời chào của học trò cũng cho thấy cô rất tôn trọng các em.
Năm 2009, cô Quyến đã được mời tham gia biên soạn cuốn tài liệu dành cho HS lớp 10, thuộc bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức dành cho HS cả 3 cấp học. Căn cứ mục tiêu giáo dục, đặc điểm tâm lý phát triển học sinh, bộ tài liệu được thiết kế xuyên xuốt qua 3 cấp từ tiểu học tới THPT theo hình thức đồng tâm tịnh tiến, nâng cao dần về độ khó xoay quanh các vấn đề cơ bản như: Khái niệm thanh lịch, văn minh; Phong cách thanh lịch, văn minh; Giao tiếp thanh lịch, văn minh; Ứng xử thanh lịch, văn minh nơi công cộng; Ứng xử thanh lịch, văn minh với thiên nhiên môi trường. Suốt gần 1 năm sau đó, cô và các đồng nghiệp đã dồn toàn bộ tâm huyết lên khung chương trình, chọn lọc từng nội dung để đưa vào cuốn tài liệu sao cho thầy giáo dễ dạy, học sinh dễ tiếp thu nhất…
Cô Quyến chia sẻ, điều cô rất vui là bộ tài liệu của Hà Nội đã được áp dụng hiệu quả tại tất cả các trường học qua 6 năm, góp phần giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch, cao hơn khơi dậy niềm tự hào được là công dân Hà Nội trong đông đảo học sinh.  “Năm 2017, tôi được dự tiết dạy Nếp sống văn minh thanh lịch tại một trường THCS ở ngoại thành Hà Nội. Khi dạy về tiếng nói người Hà Nội, cô giáo đã mở cho các học sinh nghe đoạn băng: “Đây là Đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước CHXHCN Việt Nam”. Phía dưới, nhiều HS đã khóc và chia sẻ, các em rất mong muốn và đang cố gắng giữ gìn sự trong sáng, chuẩn mực của tiếng nói Hà Nội, bắt đầu từ việc như phát âm tròn vành rõ tiếng, không nói tục, nói ngọng… Lại có học sinh trước đây, có thể ngồi lên xe máy của bố mẹ khi tham gia giao thông mà không đội mũ bảo hiểm. Nhưng, từ ngày được học về nếp sống văn minh, thanh lịch, em còn nhắc bố mẹ phải đội mũ bảo hiểm, tuân thủ Luật ATGT.
Hiện nay, cô Quyến là giáo viên dạy GDCD duy nhất của Thành phố Hà Nội có học sinh giỏi Quốc gia trong nghiên cứu khoa học với đề tài “Bạo lực học đường – Thực trạng và giải pháp” cũng như là giáo viên dạy bộ môn duy nhất được nhận Bằng sáng tạo của Thủ đô.
Vì một Hà Nội đẹp trong quá khứ, hiện tại và tương lai 
My Hanoi, một tổ chức phi lợi nhuận ra đời từ năm 2006 từ sáng kiến của một  nhóm bạn trẻ người Hà Nội, cũng đang có nhiều đóng góp gìn giữ, xây dựng Hà Nội văn hóa, văn hiến. Là một trong những CLB đầu tiên hướng giới trẻ tìm về với lịch sử, văn hóa Hà Nội, My Hanoi đã phát động và thực hiện nhiều chương trình liên quan đến việc gìn giữ và phát triển những giá trị, nét đẹp văn hóa của Hà Nội; giúp cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ hiểu rõ hơn về một Thủ đô có ngàn năm văn hiến.
Nguyễn Thúy Hằng, một cô gái cũng sinh ra tại Hà Nội, hiện là Chủ tịch My Hanoi thế hệ thứ 12 cho biết: Không phải tất cả thành viên trong nhóm đều là người Hà Nội. Nhưng, từ tình yêu Hà Nội của người Hà Nội, chúng tôi đã quy tụ được cộng đồng lớn những người yêu Hà Nội đến từ nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước cùng mong muốn làm tất cả vì một Hà Nội đẹp trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì thế, mặc dù tên là “My Hanoi” (Hà Nội của tôi) nhưng nhóm là dành cho tất cả mọi người (Hà Nội của chúng ta)”.
12 năm qua, nhóm My Hanoi đã có nhiều hoạt động ý nghĩa như: Thực hiện dự án “Thư viện thông tin trực tuyến về Hà Nội” nâng cao hiểu biết cho cộng đồng về Hà Nội; Đề án nghiên cứu, khảo sát và tìm hiểu thông tin về Lễ hội truyền thống tại các làng thuộc khu vực Hồ Tây; Tham gia biên soạn nội dung tập 17 “Phong tục – Lễ hội” trong bộ Bách khoa thư Hà Nội của UBND thành phố Hà Nội; Hoạt động “Câu chuyện nghệ nhân” quảng bá nét đẹp văn hóa làng nghề truyền thống thông qua các buổi giới thiệu và hướng dẫn làm đồ thủ công truyền thống cho người Việt Nam và nước ngoài; Tour trải nghiệm tại các làng nghề, lớp học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài… Khi Hà Nội tổ chức phố đi bộ ở quanh Hồ Hoàn Kiếm, My Hanoi đã tiên phong lập Khu trò chơi/đồ chơi dân gian như ô ăn quan, kéo co, nhảy dây, nhảy sạp, chuyền chắt, tò he, chuồn chuồn tre… cho cộng đồng tại đây.
Các bạn trẻ trong xóm My Hanoi hướng dẫn trẻ em làm đèn Trung thu trong đêm hội Thắp lửa Trung thu xưa
Ngoài gìn giữ văn hóa truyền thống, nhóm cũng ủng hộ cả những sáng tạo mới về văn hóa – nghệ thuật – giáo dục như hàng tháng tổ chức Chuỗi đêm nhạc Acoustic kết nối với nhiều nghệ sĩ để mang đến cho khán giả không gian âm nhạc đầy ắp xúc cảm; Không gian giao lưu văn hóa Hà Nội 1010 để tổ chức các sự kiện về văn hóa, nghệ thuật, giáo dục giới thiệu khách nước ngoài… Mỗi sự kiện, hoạt động của nhóm đều thu hút đông khán giả đến từ nhiều quốc gia, với nhiều lứa tuổi khác nhau tham gia.
Hằng chia sẻ: Hà Nội được xem là chốn “Ngàn năm văn vật đất Thăng Long”. Để có thể khơi dậy những nét đẹp truyền thống mà bao thế hệ người Hà Nội đã dày công vun đắp, các thành viên trong nhóm (phần lớn đều là người trẻ) đã phải tìm đọc nhiều tài liệu văn hóa, lịch sử Hà Nội, gặp gỡ những cao niên Hà Nội, các nghệ nhân… để lắng nghe câu chuyện của họ.
Ban đầu My Hanoi muốn thực hiện các hoạt động hướng tới cộng đồng nhưng rồi, chính những nét đẹp về con người, mảnh đất Hà Nội đã tác động trở lại khiến các bạn càng thấy yêu và tự hào về Hà Nội hơn. Đó là tình yêu nghề truyền thống vượt thời gian của các thợ thủ công nơi phố cổ, là nếp nhà hòa thuận, thanh lịch của những gia đình Hà Nội tam tứ đại đồng đường, là những chuyên gia Hà Nội phố sẵn sàng bỏ thời gian, tâm sức giúp các bạn tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa ý nghĩa, là những góc phố thâm trầm, mùi hoa sữa thơm đặc trưng của Hà Nội…
Qua đó, các bạn hiểu rằng dù cuộc sống có hiện đại tới bao nhiêu, thì bản sắc văn hóa của Hà Nội từ ngàn xưa vẫn sẽ luôn được giữ gìn. Hà Nội tự hào vì có trầm tích bề dày lịch sử, tiếp thu mọi tài hoa và chắt lọc, phát triển thành nét đẹp truyền thống của mình.
Theo baophunuthudo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *