Tin tức - Sự kiện

Bảo tồn phát triển làng nghề Hà Nội: Cơ hội và thách thức

Số lượng làng nghề của Hà Nội chiếm gần 1/3 của cả nước. Tuy nhiên xuất phát điểm của các làng nghề đều thấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, công nghệ lạc hậu. Bảo tồn và phát triển làng nghề trong bối cảnh của cuộc […]

Số lượng làng nghề của Hà Nội chiếm gần 1/3 của cả nước. Tuy nhiên xuất phát điểm của các làng nghề đều thấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, công nghệ lạc hậu. Bảo tồn và phát triển làng nghề trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra không ít cơ hội và thách thức.

Nhiều thách thức

Thành phố Hà Nội hiện có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số 1.350 làng nghề và làng có nghề, đến nay, thành phố có 305 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, như: Sản phẩm may mặc, gốm sứ, dệt và thêu ren, đồ gỗ, cơ khí và chế biến nông sản thực phẩm… Theo tính toán, tổng doanh thu trung bình một năm của 305 làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên 20.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề ở mức 4-5 triệu đồng/lao động/tháng.

Những đóng góp của làng nghề vào phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nội, nhất là khu vực nông thôn là rất lớn, có lẽ không cần phải bàn thêm. Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thì công tác phát triển nghề và làng nghề vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Hầu hết doanh nghiệp làng nghề trên địa bàn đều có hoạt động ở quy mô nhỏ, tự phát và gặp phải không ít những khó khăn, như: Thiếu mặt bằng để sản xuất tập trung, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Khả năng cạnh tranh của làng nghề thấp, nguồn nguyên liệu không ổn định, chưa tạo nhiều thương hiệu hàng hoá, sức tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Trong khi, một số sản phẩm truyền thống bị mai một, suy giảm. Ngoài ra, qua nhiều năm phát triển, kết cấu hạ tầng các làng nghề, nhất là đường giao thông đã xuống cấp, hoặc chưa đồng bộ, môi trường làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, chưa có biện pháp khắc phục… Điều này đã và đang trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển của các làng nghề truyền thống nói chung, đến việc phát triển, bảo tồn làng nghề truyền thống, di tích văn hóa gắn với du lịch nói riêng.

Mặt khác, các làng nghề truyền thống của Hà Nội hiện nay vẫn chưa có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, như: Công trình phục vụ khách du lịch đến tham quan, mua sắm sản phẩm; các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe, bãi thu gom rác thải, nhà hàng, khách sạn, hệ thống đường giao thông, chiếu sáng, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các làng nghề cũng chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, chuyên môn và ngoại ngữ. Các cơ sở sản xuất chủ yếu là hộ kinh doanh gia đình, vì vậy, cũng ít quan tâm tới việc tổ chức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của nghề và làng nghề dẫn tới khả năng cạnh tranh không cao. Đặc biệt là chưa gây được ấn tượng sâu sắc và thu hút khách trở lại tham quan du lịch.

Mặc dù, sau gần 6 năm, UBND thành phố phê duyệt Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã chỉ ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, trong đó có 17 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch. Nhưng đến nay, mới có 2/17 làng nghề truyền thống áp dụng mô hình phát triển làng nghề truyền thống, di tích văn hóa gắn với du lịch nổi tiếng và thành công, gồm làng nghề gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc, còn lại 15 làng nghề truyền thống chưa thực hiện…

Tìm hướng đi phù hợp

Từ thực trạng, Hà Nội đã xác định có 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; 10 làng nghề thuộc danh mục làng nghề kết hợp du lịch cần bảo tồn và phát triển lâu dài; 17 làng nghề truyền thống cần bảo tồn lâu dài. Nhiều ý kiến cho rằng với tiềm năng, thế mạnh của mình, nhất là trong xu thế toàn cầu hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 được hy vọng sẽ giúp Hà Nội bảo tồn, phát triển làng nghề tốt hơn. Theo đó, cùng với việc rà soát chính sách khuyến khích phát triển nghề, làng nghề đã ban hành để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với thực tế, thành phố tiến hành cần khảo sát tình hình hoạt động tại các làng nghề. Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tại các làng nghề; xác định những làng nghề đã mai một, thất truyền và khó có khả năng phát triển trong tương lai. Đồng thời, thành phố xác định số làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt; số làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; số làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; số làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống… để đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề.

Mới đây, tại Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với làng nghề trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến đã đưa ra giải pháp giúp Hà Nội tận dụng triệt để những cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại trong bảo tồn và phát triển làng nghề của Hà Nội. Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cần phải đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền tầm quan trọng của công tác phát triển, bảo tồn làng nghề truyền thống. Còn nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Công ty TNHH Dola Việt Nam (thị xã Sơn Tây) đề xuất, nên tập trung phát triển thương hiệu, quảng bá, thị trường tiềm năng của làng nghề… Ở góc độ nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho hay, Hà Nội nên tập trung phát triển nguồn nhân lực của làng nghề, tổ chức các lớp đào tạo nhằm nâng cao trình độ tay nghề, khả năng sáng tạo, kiến thức tổ chức sản xuất… cho người lao động và cơ sở sản xuất.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề xuất thành phố có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các làng nghề được công nhận theo tiêu chuẩn về vốn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề; hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách để phát triển một số sản phẩm đặc trưng của làng nghề; hỗ trợ vốn đầu tư cho phát triển các làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch; khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề. Bên cạnh đó, thành phố có chương trình quảng bá sản phẩm, hỗ trợ kinh phí cho làng nghề, các loại hình sản xuất trong làng nghề đăng ký tham gia hội trợ triển lãm, tổ chức các tuyến du lịch làng nghề; tăng cường kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, đề án, mô hình hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.

Theo Cổng GTĐT TP

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *