Di sản

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch trong quá trình hội nhập quốc tế

Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 24/5/2021 về Kế hoạch Hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với lĩnh vực văn hoá là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch của Thủ đô.

Du khách tham quan Văn Miếu -Quốc Tử Giám – Ảnh minh hoạ – Nguồn: Internet

Kế hoạch nêu rõ: Trong quá trình hội nhập quốc tế giai đoạn 2021-2025, ngành văn hoá Thủ đô cần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước. Chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh văn hoá, đồng thời nâng cao giá trị văn hoá và tạo ra các sản phẩm văn hoá đặc trưng, tiêu biểu gắn với phát triển kinh tế du lịch. Đẩy mạnh việc giao lưu và hợp tác về văn hoá. Lồng ghép các hoạt động hội nhập quốc tế trong quá trình xây dựng và triển khai chiến lược bảo tồn, phát huy và quảng bá văn hoá Thủ đô. Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức các chương trình văn hoá nghệ thuật Hà Nội hoặc tổ chức các chương trình văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao của Thủ đô tại nước ngoài nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Thủ đô.

Cũng theo kế hoạch, để thực hiện được các nhiệm vụ đặt ra trong quá trình hội nhập quốc tế của Hà Nội giai đoạn 2021-2025 cần chú trọng đến các nội dung:

Phát triển hài hoà giữa kinh tế và văn hoá; khai thác hiệu quả khía cạnh kinh tế của văn hoá, nâng cao giá trị văn hoá trong các sản phẩm mang đặc trưng, đặc sắc của Thủ đô. Tăng cường cơ chế, biện pháp quản lý, bảo tồn và phát huy các công trình, giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của Thủ đô. Xây dựng một số địa điểm hoạt động văn hoá biểu diễn nghệ thuật truyền thống và giới thiệu sản phẩm làng nghề phục vụ khách du lịch.

Đẩy mạnh các chương trình hợp tác về văn hoá. Lồng ghép các hoạt động hội nhập quốc tế trong quá trình xây dựng và triển khai chiến lược bảo tồn, phát huy và quảng bá văn hoá Thủ đô. Chủ động nâng cao hiệu quả quản lý nội dung sản phẩm văn hoá, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn sự xâm nhập của những sản phẩm văn hoá không lành mạnh từ bên ngoài, đặc biệt là trên mạng Internet.

Tăng cường phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan tham gia tổ chức các ngày văn hoá Thủ đô tại các địa bàn các nước trọng điểm khi dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và khu vực được kiểm soát và điều kiện cho phép. Tiếp tục hỗ trợ các đại sứ quán nước, đại diện, cơ quan tổ chức quốc tế tại Việt Nam tổ chức thành công các sự kiện quảng bá văn hoá du lịch tại Thủ đô Hà Nội.

Tiếp tục phối hợp với Bộ ngoại giao Việt Nam, với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, cùng các đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài thông qua các kênh khác nhau tăng cường quảng bá, xúc tiến các di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng như loại hình nghệ thuật chèo, ca trù, hát văn và trình diễn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt ra quốc tế.

Du khách tham quan đền Ngọc Sơn – Ảnh minh hoạ – Nguồn: Internet

Kế hoạch Hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 cũng đặt ra nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở phát huy những giá trị di sản văn hoá của Thủ đô. Đó là:

Phát triển du lịch bền vững, cơ cấu lại ngành du lịch cả về hạ tầng du lịch, môi trường du lịch, doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch để khai thác có hiệu quả các giá trị vật thể và phi vật thể nhằm phát triển du lịch Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Chú trọng thiết kế và khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch mới, sáng tạo, đẳng cấp mang đặc trưng Hà Nội, khẳng định năng lực cạnh tranh cao và thương hiệu du lịch Thủ đô. Phát huy hiệu quả vai trò trung tâm điều phối du lịch lớn nhất của khu vực phía Bắc, gắn kết chặt chẽ với các chuỗi sản phẩm du lịch trong vùng, cả nước và quốc tế.

Kết hợp phát triển du lịch với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử của Thủ đô và của dân tộc, với bảo vệ thiên nhiên và môi trường, bảo đảm quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô theo hướng bền vững, xây dựng Hà Nội là điểm đến: “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn”; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô.

Phát triển du lịch chất lượng cao, theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hoá, lấy du lịch văn hoá làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác.

Tour đêm của di tích Nhà tù Hoả Lò thu hút sự quan tâm của du khách – Ảnh: NTHL

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch là một trong những định hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với Thủ đô Hà Nội – mảnh đất giàu di sản thì đây sẽ là lợi thế, tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hoá. Đó cũng là cơ sở để Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hoá; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đặt ra mục tiêu cho du lịch Hà Nội: Số lượt khách du lịch đón và phục vụ đạt từ 35-39 triệu lượt khách, trong đó có từ 8-9 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

Huyền Chi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *