Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa. Ngày 10-12, tại Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp UBND quận Đống Đa tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy […]
Ngày 10-12, tại Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp UBND quận Đống Đa tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa”, với sự tham gia của nhiều thành viên Hội đồng Di sản quốc gia.
Mang nhiều giá trị lịch sử – văn hóa
Gò Đống Đa là nơi ghi dấu chiến thắng vang dội của quân Tây Sơn trong sáng sớm ngày mùng 5 Tết Nguyên đán năm Kỷ Dậu (1789). Trong mạch chiến thắng, trận Ngọc Hồi – Đống Đa có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược, ghi thêm một võ công oai hùng trong lịch sử dân tộc, được xem là một trong những biểu tượng tiêu biểu cho truyền thống yêu nước của tinh thần, khí phách chống ngoại xâm. Trận Ngọc Hồi – Đống Đa cũng thể hiện tập trung cách đánh thần tốc, táo bạo, bất ngờ, mãnh liệt, nhanh chóng giành thắng lợi – là một đặc trưng nổi trội của thiên tài quân sự Quang Trung, đóng góp không nhỏ vào kho tàng nghệ thuật quân sự của dân tộc.
Chiến thắng Khương Thượng – Đống Đa có sự giúp sức hiệu quả của người dân Thăng Long nói chung, người dân khu vực Khương Thượng – Đống Đa nói riêng. Đây là chiến thắng của sự nghiệp kháng chiến chính nghĩa, đánh đuổi kẻ thù xâm lược nên đã huy động được đông đảo nhân dân tham gia góp công, góp sức, biểu thị rõ nét tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, quyết chiến thắng kẻ thù xâm lược. Trong trận Đống Đa – Khương Thượng, người dân các thôn làng chung quanh đã bện rơm thành những cuộn dài và lớn để thiêu đốt quân giặc, tạo nên một trận “rồng lửa” vang dội mà người đời sau có thơ ca ngợi: “Hỏa long nhất trận tặc phi mị” (Một trận rồng lửa giặc tan tành). Sau chiến thắng Quang Trung đã sai lập đàn cúng tế, soạn văn tế những người đã chết trận thể hiện truyền thống nhân văn của dân tộc. Trên Gò Đống Đa ngày nay còn dấu tích một ngôi miếu thờ, tam quan đề ba chữ Trung liệt miếu – thờ những người anh hùng trung liệt. Nhiều anh hùng hy sinh oanh liệt vì Hà Nội đã được tưởng niệm ở đây: Cha con Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, Tổng đốc Hoàng Diệu, Trương Quốc Dụng, Đoàn Thọ, Nguyễn Cao… Ngày mùng 5 Tết Nguyên đán hằng năm, trong niềm kính tưởng, người dân lại nô nức “trảy hội Đống Đa” như một nét đẹp du xuân. Lễ hội Gò Đống Đa cũng là lễ hội đầu tiên, mở đầu cho một mùa lễ hội của Hà Nội.
Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, ngày 24-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định xếp hạng di tích lịch sử Gò Đống Đa là Di tích quốc gia đặc biệt, khẳng định tầm vóc, ý nghĩa và vị trí to lớn của Khu di tích Đống Đa trong kho tàng di sản văn hóa của đất nước.
Tượng đài và đền thờ Quang Trung trong Công viên văn hóa Đống Đa.
Để Gò Đống Đa trở thành một điểm du lịch hấp dẫn
Hơn 230 năm đã trôi qua nhưng Gò Đống Đa vẫn được lưu giữ gần như nguyên vẹn, trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và trở thành một trong những địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội và cả nước. Quần thể di dích Gò Đống Đa có diện tích hơn 6.000m2, nay nằm trong địa giới phường Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội).
Trở thành di tích quốc gia đặc biệt, Di tích lịch sử Gò Đống Đa cần phải có một tầm nhìn mới về quy hoạch, về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị trong bối cảnh ngành du lịch cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đang phát triển mạnh mẽ. Gò Đống Đa cần được khai thác, phát huy giá trị nhiều mặt của một di tích quốc gia đặc biệt. Không chỉ tổ chức lễ hội truyền thống hằng năm uy nghiêm, trang trọng, hào hùng, nơi đây còn cần phải trở thành một không gian “ký ức lịch sử’, trong đó lịch sử được diễn giải một cách sáng tạo – có thể qua các hoạt cảnh “Rồng lửa Thăng Long xung trận”, “Cuộc hành binh thần tốc giải phóng Thăng Long”… qua chiếu phim lịch sử, biểu diễn trống trận Tây Sơn, biểu diễn võ thuật Tây Sơn – Bình Định…. Di tích còn phải là nơi giáo dục kiến thức và truyền cảm tình yêu lịch sử cho học sinh, sinh viên, có thể là nơi tổ chức các cuộc nói chuyện, tọa đàm, dạy học lịch sử địa phương tại di tích hoặc là nơi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, v.v.
Tuy nhiên, muốn khu di tích Gò Đống Đa trở thành một điểm đến hấp dẫn, bên cạnh những giá trị hiện hữu, còn nhiều công việc phải tiếp tục hoàn thiện: Nghiên cứu, xúc tiến đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng và các dịch vụ du lịch; Nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các sản phẩm lưu niệm đặc trưng; Kết nối lộ trình tham quan từ Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Gò Đống Đa – Chùa Bộc… Bên cạnh việc đẩy mạnh, đa dạng các hình thức thông tin, truyền thông còn cần liên kết tổ chức các hoạt động, sự kiện tại khu di tích. Một số chuyên gia đưa ra ý kiến: Có thể nghiên cứu, phục dựng lại miếu Trung Liệt để nơi đây trở thành nơi tôn vinh võ công hiển hách của dân tộc, là nơi tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh anh dũng cho đất nước, cho Thăng Long – Hà Nội.
Ông Võ Nguyên Phong, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết: “Trong thời gian tới quận Đống Đa sẽ tích cực xây dựng quy hoạch chi tiết khu di tích. Các ngành chức năng của quận sẽ tiếp tục cùng với các nhà khoa học, các chuyên gia bảo tàng nghiên cứu sưu tầm tư liệu và hiện vật để hoàn thiện nhà trưng bày về chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa cùng với việc trang bị thêm các trang thiết bị hiện đại: phòng chiếu phim 3D, hội trường đa năng để mở rộng hoạt động và gia tăng sự hấp dẫn cho di tích Gò Đống Đa, trong tổng thể khu Công viên văn hóa Đống Đa – như một điểm nhấn du lịch văn hóa – lịch sử của quận và cả thành phố”.