Việc xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh không trừu tượng, không quá khó nếu mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng có ý thức tự giác điều chỉnh thái độ, hành vi ứng xử từ các mối quan hệ giao tiếp, các sinh hoạt thường ngày. Thành công bước đầu của quận […]
Việc xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh không trừu tượng, không quá khó nếu mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng có ý thức tự giác điều chỉnh thái độ, hành vi ứng xử từ các mối quan hệ giao tiếp, các sinh hoạt thường ngày. Thành công bước đầu của quận Hoàn Kiếm khi triển khai Đề án “Xây dựng một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ” từ cuối năm 2008 đến nay đã chứng minh điều đó.
Thay đổi nếp ứng xử
Ngày 17/12/2008, UBND quận Hoàn Kiếm đã phê duyệt Đề án số 378 về “Xây dựng một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ” với mục tiêu xuyên suốt là góp phần định hướng, xây dựng quan hệ giao tiếp, ứng xử, tạo thành thói quen trong cuộc sống hằng ngày của người dân khu phố cổ. Nội dung Đề án chỉ “gói gọn” trong 5 tiêu chí cơ bản, giúp người dân dễ triển khai, đó là: Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; giao tiếp, ứng xử có văn hóa; có ý thức giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; trang phục gọn gàng, lịch sự; kinh doanh văn minh thương mại. Trong bối cảnh còn một bộ phận người dân sinh sống tại khu vực phố cổ những năm về trước kinh doanh theo lối thực dụng, chiếm dụng vỉa hè, vứt rác ngoài đường phố, ứng xử thiếu văn minh, thì Đề án với những tiêu chí đưa ra như vậy vừa hợp lý, vừa có tình và hoàn toàn có thể trở thành quy ước văn hóa người dân nơi đây.
Thực hiện “quy ước” này, các hội, ban, ngành, đoàn thể của quận Hoàn Kiếm đồng bộ vào cuộc với nhiều phong trào như “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo” của MTTQ; thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà, trung hậu, văn minh, thanh lịch, đảm đang” của Hội Phụ nữ; “Xây dựng nét đẹp của thanh, thiếu nhi quận Hoàn Kiếm”, “Nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch” của thanh niên, học sinh… Các phong trào diễn ra sôi động trong cùng một thời điểm, tạo thành “chuỗi” tuyên truyền hiệu quả, tác động đến mọi người, mọi đối tượng. Cùng với đó, các ngành, đoàn thể và Đảng ủy, UBND các phường nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá những vấn đề còn tồn tại và đưa ra giải pháp khắc phục.
Thanh niên Thủ đô tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực hồ Gươm
Hiệu quả rõ nét trên thực tế, 36 phố phường buôn bán tấp nập, lắng sâu trong đó là những bước chuyển rất đáng ghi nhận từ tư duy và nhận thức của người dân nơi đây. Hiện tượng cãi vã, nói thách giữa người bán hàng với khách ít khi xảy ra; hàng xóm, láng giềng gần gũi, quan tâm đến nhau nhiều hơn. Người dân phố cổ tích cực hơn trong các hoạt động cộng đồng như tham gia tổng vệ sinh môi trường, bóc xóa quảng cáo rao vặt không đúng quy định. Đáng nói hơn, không gian văn hóa trong khu phố cổ ngày càng mở rộng với các tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân, Hàng Buồm – Mã Mây – Hàng Giầy – Lương Ngọc Quyến – Tạ Hiện – Đào Duy Từ, với nhiều di tích lịch sử văn hóa được tu bổ, tôn tạo…, trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn ở Thủ đô.
Lan tỏa nét văn hóa
Trong 5 tiêu chí Đề án đưa ra, giai đoạn đầu quận Hoàn Kiếm tập trung thực hiện hai tiêu chí cốt yếu là giao tiếp, ứng xử có văn hóa và giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường để giải quyết các vấn đề bức xúc, sau đó mới từng bước triển khai sâu rộng tất cả các tiêu chí. Cùng với công tác tuyên truyền, quận giao cho các phường thành lập Đội chuyên trách về trật tự đô thị và Đội tự quản 02, vừa kiểm tra, nhắc nhở, vừa góp phần phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường… Và những việc tưởng chừng rất nhỏ như bố trí thùng đựng rác, tổ chức thu gom rác đúng giờ để người dân không vứt rác bừa bãi cũng được quận lưu tâm.
Để duy trì nếp sống văn minh, nhiều giải pháp đã được đưa ra, ví như các hộ, các khu dân cư vi phạm quy định về vệ sinh môi trường trên địa bàn phường Hàng Buồm không chỉ “được” nhắc nhở trực tiếp, mà còn “được” thông báo trên hệ thống loa truyền thanh. Trong kinh doanh thương mại, phường Hàng Buồm yêu cầu các hộ kinh doanh không bán hàng giả, hàng nhái, không nói thách, chèo kéo khách; các hộ kinh doanh trên 6 tuyến phố đi bộ: Hàng Buồm, Mã Mây, Tạ Hiện, Đào Duy Từ, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy phải trang trí mặt tiền theo quy chuẩn, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường… Đây cũng là cách làm của nhiều phường khác trên địa bàn quận Hoàn Kiếm khi triển khai Đề án văn hóa ứng xử.
Đi bộ ở khu phố cổ Hà Nội thực sự là một hoạt động thư giãn cuối tuần thú vị
Tuy vẫn còn những hình ảnh chưa đẹp, còn những hộ gia đình chưa tự giác giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, kinh doanh văn hóa, nhưng rõ ràng nếp sống thanh lịch, văn minh, lối ứng xử có văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã rõ nét hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Mô hình xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh bắt đầu từ sự thay đổi trong cách ứng xử của quận Hoàn Kiếm đang lan tỏa.
Hà Hiền