Văn hóa

Bình xét các danh hiệu văn hóa: Cần đi vào thực chất

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 122/2018/NĐ-CP ngày 17-9-2018 quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” (có hiệu lực thi hành từ ngày 5-11-2018). Với những quy định chặt chẽ, cụ thể, Nghị […]

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 122/2018/NĐ-CP ngày 17-9-2018 quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” (có hiệu lực thi hành từ ngày 5-11-2018). Với những quy định chặt chẽ, cụ thể, Nghị định được kỳ vọng là nhân tố quan trọng đưa việc bình xét các danh hiệu văn hóa đi vào thực chất, đẩy lùi căn bệnh hình thức, thiếu chiều sâu tồn tại trong nhiều năm qua.
Xây dựng gia đình văn hóa là nền tảng quan trọng phát triển xã hội văn minh.
Ngăn chặn tình trạng “phổ cập” danh hiệu

Sau 18 năm kể từ khi phát động, đến nay, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã mang lại nhiều đổi thay tích cực cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân trên cả nước. Qua đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, những giá trị, chuẩn mực mới được phát huy, ý thức giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường… được nêu cao với sự xuất hiện ngày càng nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả được phổ biến, nhân rộng.

Đến nay, trên cả nước đã có 19 triệu gia đình, 69 nghìn làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa; gần 85 nghìn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa…

Tuy nhiên, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng bộc lộ một số tồn tại cần khắc phục. Trong đó, nổi cộm là những hạn chế về cách thức xét tặng danh hiệu văn hóa chưa chặt chẽ, thiếu dân chủ, chưa bám sát các tiêu chuẩn cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhận xét: Thay vì khích lệ nỗ lực của từng gia đình, từng khu dân cư để cộng đồng chung tay phấn đấu xây dựng đời sống văn hóa, nhiều nơi tổ chức bình xét một cách đại khái, chạy theo thành tích, “phổ cập” danh hiệu bằng việc “làm đẹp” các con số hay báo cáo không khách quan, đầy đủ, làm ảnh hưởng tới chất lượng phong trào.

Đồng quan điểm trên, đại diện Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở nhiều tỉnh, thành phố đã chỉ ra những khó khăn, bất cập, trong đó có việc triển khai thực hiện công tác xét tặng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở.

Đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Phú Thọ Phạm Nga Việt nêu: Nhiều tiêu chí xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” trong Thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL) còn chung chung, chưa cụ thể nên khó đánh giá, khó thực hiện. Nhiều nơi nhận thức về mục đích, ý nghĩa phong trào còn chưa đầy đủ, sâu sắc, dẫn đến việc triển khai thực hiện qua loa, đại khái. Trong thực tế, có nhiều hộ gia đình không đăng ký thi đua nhưng vẫn được cấp giấy công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền nhìn nhận, tỷ lệ đạt danh hiệu văn hóa khá cao nhưng hành vi phản cảm trong xã hội như nói tục, chửi bậy, tiểu tiện, xả rác bừa bãi… vẫn dễ thấy. Nhiều làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa vẫn có tình trạng khiếu kiện hay tệ nạn xã hội. Nghịch lý này cần phải được xem xét kỹ lưỡng.

Hạn chế tối đa tính hình thức

Để khắc phục những hạn chế nói trên, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 122/2018/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Nghị định có nhiều điểm mới, như bổ sung tiêu chí bình xét; thực hiện bình xét theo thang điểm phù hợp với từng vùng, miền, khu vực; quy định chi tiết hình thức tôn vinh, khen thưởng; quy định các nhóm trường hợp không được xét tặng danh hiệu…

Với những quy định bổ sung quan trọng trên, Nghị định 122/2018/NĐ-CP được kỳ vọng tạo cơ sở đẩy lùi bệnh hình thức, trao tặng danh hiệu tràn lan, bình xét “đại khái” ở cơ sở như trong thời gian qua. Thạc sĩ Nguyễn Thu Hà (Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận xét: Nghị định 122/2018/NĐ-CP sát thực tế hơn so với Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL. Các tiêu chí có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, phản ánh đầy đủ các yếu tố văn hóa chủ đạo trong đời sống xã hội, giúp cơ sở dễ định tính, định lượng khi bình xét.
“Việc quy định cụ thể những nhóm trường hợp không được bình xét giúp cho việc thực hiện quy trình, thủ tục được thuận lợi, hạn chế tối đa tính hình thức. Việc phân thang điểm đối với từng khu vực nông thôn và thành thị cũng phù hợp với điều kiện của mỗi vùng, miền, tránh tình trạng cào bằng, thiếu bình đẳng trong xét tặng” – Thạc sĩ Nguyễn Thu Hà phân tích.
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Nghị định 122/2018/NĐ-CP quy định rõ khung pháp lý, thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp, ngành từ trung ương tới cơ sở, khẳng định rõ yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa, siết chặt kỷ cương trong việc bình xét, trao tặng các danh hiệu văn hóa. Nghị định cũng cho thấy xây dựng đời sống văn hóa không phải là nhiệm vụ riêng của ngành Văn hóa, mà là trách nhiệm của toàn xã hội.
Giờ đây, khi Nghị định đã được ban hành, điều quan trọng là đưa ra các giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả, phát huy vai trò, trách nhiệm, tinh thần chủ động, sáng tạo của các ban, ngành cũng như chính quyền các cấp trong tổ chức phong trào, bình xét các danh hiệu văn hóa.

Theo Hànộimới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *