Di sản – Bảo tồn

Bộ VHTTDL thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ, tôn tạo đình Cống Xuyên

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 328/BVHTTDL-DSVH gửi UBND thành phố Hà Nội về việc thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích đình Cống Xuyên, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín.

Vẻ đẹp đình Cống Xuyên. Ảnh: Internet.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận Báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích đình Cống Xuyên, với các nội dung: Tu bổ, chống xuống cấp mái (không hạ giải toàn bộ) Nghi môn, Phương đình, Đại bái (Tiền tế), Hậu cung, Tả mạc (thay thế 20% ngói); tu bổ Hữu mạc (tu sửa mái, thay thế một số cấu kiện xuống cấp, thay chân tảng xi măng bằng đá xanh, lát lại nền khu vực xung quanh chân cột).
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý: Cần bao che, bảo vệ an toàn cho các cấu kiện hiện trạng, hiện vật nội thất của các hạng mục trong suốt quá trình thi công. Việc tu bổ Hữu mạc cần kiểm tra, đánh giá sau khi hạ giải để bảo đảm giữ gìn tối đa cấu kiện cổ, cũ và cấu kiện còn khả năng sử dụng của công trình.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến, đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích trước nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.

Ảnh: Internet.

Đình Cống Xuyên tọa lạc trên khu đất cao ở giữa làng gồm nghi môn, hai dãy tả mạc, hữu mạc, nhà phương đình, nhà đại bái và hậu cung. Ngôi đại bái là công trình kiến trúc chính của khu di tích, được xây dựng từ thời Lê, đến nay, đình còn lưu giữ một tấm biển gỗ (mộc biển), khắc dòng chữ Hán năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718) xây dựng đình làng Cống Xuyên. Dưới triều nhà Nguyễn, đình làng nhiều lần được tu bổ. Lần tu bổ lớn nhất vào năm 1876, niên hiệu Tự Đức thứ 29. Đến nay, trên thân các cột đình còn lưu giữ tên và chức vụ của những người cung tiến được khắc trên cột để lưu danh công đức. Ngôi nhà đại bái mặt bằng hình chữ Nhất, gồm năm gian hai chái, tường xây gạch, mái chảy lợp ngói mũi. Kiến trúc bộ khung nhà gỗ kết cấu trên bốn hàng cột, dưới kê chân tảng có hoa văn. Bốn cột ở gian chính giữa gọi là tứ trụ, có chu vi rất lớn, to 1,82m đến 1,88m. Bộ vì đặt trên hệ thống đầu cột có kiến trúc theo kiểu thức thượng giá chiêng chồng rường con nhị; vì hạ kết cấu theo kiểu thức chồng rường bẩy hiên.
Ngôi nhà hậu cung đấu chữ Đinh vào nhà đại bái kéo dài về phía sau, chia làm ba gian, về kiến trúc của hậu cung cũng làm theo kiểu của nhà đại bái nhưng quy mô nhỏ hơn. Hậu cung là nơi đặt bàn thờ Thành hoàng làng và lưu giữ các đồ thờ tự, hoành phi, câu đối, bát hương, kiệu bát cống, sắc phong, thần phả và những văn bản khác viết về nghi lễ thờ phụng ở đình.
Đình Cống Xuyên thờ nhiều vị thần trong đó gồm: Ba vị thiên thần, tổ nghề nề và Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320) là danh tướng thời nhà Trần. Với những giá trị của mình, đình Cống Xuyên được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1993.

Quốc Khánh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *