Trong kho tàng di sản văn hóa – nghệ thuật của dân tộc Việt Nam, tranh dân gian có vị trí rất quan trọng do tính chất lâu đời và phổ biến của nó. Và khi nhắc đến các dòng tranh dân gian Việt Nam không thể không kể đến dòng tranh dân gian Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội) được hình thành vào nửa sau thế kỷ XVIII.
Về cơ bản, với thứ ngôn ngữ đặc thù của mình, tranh dân gian đã trở thành những tư liệu vật chất, cụ thể hoá những ý niệm triết học về vũ trụ quan, về nhân sinh quan và quan niệm về cái đẹp của nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp người, chủ yếu là nông dân và thị dân, ở mọi địa bàn miền xuôi cũng như miền núi.
Tranh dân gian Việt Nam cho dù có một lịch sử rất lâu đời, tuy nhiên, trong cuộc sống đương đại ngày nay, nó đã ít nhiều bị mai một, đặc biệt là sự hiểu biết về tranh dân gian Việt Nam trong giới trẻ không nhiều. Câu hỏi trăn trở với những người yêu nghệ thuật tranh dân gian Việt nam là làm thế nào để nó có thể sống được trong cuộc sống đương đại ngày nay. Xuất phát từ trăn trở đó, Ban tổ chức đã tổ chức các cuộc thi thiết kế thời trang giành cho các em thiếu nhi lấy ý tưởng từ tranh dân gian Kim Hoàng.
Nghệ thuật tranh dân gian Kim Hoàng trong khoảng từ 3 đến 5 năm nay đã được một nhóm các nhà nghiên cứu, các nhà yêu nghệ thuật dân gian tìm hiểu, nghiên cứu và khôi phục được vài chục mẫu tranh Kim Hoàng. Những tác phẩm tranh như thế rất cần được biết đến trong dòng chảy của tranh dân gian Việt Nam để tranh Kim Hoàng có được chỗ đứng như tranh Đông Hồ, hay tranh Hàng Trống… Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo từ tranh dân gian Kim Hoàng” ra đời với chính mục đích đó, nhằm giúp cho các bạn nhỏ có thể tìm hiểu về tranh dân gian Kim Hoàng, về lịch sử của các dòng tranh dân gian. Và từ những hình ảnh, những biểu tượng trên tranh dân gian Kim Hoàng các bạn nhỏ đã lấy cảm hứng, sự hiểu biết của mình để sáng tạo nên các bộ trang phục của riêng mình.
Lấy ý tưởng từ các họa tiết dân gian trên tranh Kim Hoàng, các bạn nhỏ của trường tiểu học Thực Nghiệm đã mang tới bộ sưu tập thời trang thân thiện với môi trường bao gồm 13 bộ trang phục với chủ đề “Về cội” sử dụng các chất liệu tái chế đa dạng như giấy, nỉ, vải, túi ni lon…
Dưới sự dẫn dắt của cô giáo Dương Thị Thu Thương, các bạn nhỏ lớp 6 và lớp 7 trường THCS Đoàn Thị Điểm đã mang tới cuộc thi 10 bộ thời được lấy ý tưởng từ các chi tiết và những hình tượng đắt giá như hình tượng gà thần, lợn độc, phượng, sen và cây mai trong dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Thông qua phương pháp vẽ màu Acrylic trên vải đũi truyền thống đã tạo nên các bộ trang phục rực rỡ.
Khoa Mỹ thuật Cung thiếu nhi là đơn vị nhiều năm đã có những hoạt động sáng tạo và khơi nguồn sáng tạo cho học sinh Thủ đô. Trong cuộc thi Ý tưởng sáng tạo từ tranh dân gian Kim Hoàng lần này, các bạn nhỏ tham gia CLB thời trang mang tới 5 bộ trang phục lấy cảm hứng từ hình tượng Thần Kê trong tranh dân gian Kim Hoàng đã được lọt vào vòng chung kết cuộc thi.
Thông điệp của những bộ trang phục được các em nhỏ mang tới với mong muốn gìn giữ và phát triển mạnh mẽ nét truyền thống trong dòng tranh dân gian Kim Hoàng trong dòng chảy cuộc sống đương đại ngày nay.
Đây là một hoạt động nằm trong Triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng” đang diễn ra tại nhà Thái Học (thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám). Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 10/11/2018.
Bảo Hân
Theo MaskOnline