Gia đình

Bữa cơm gia đình xưa và nay

Bữa cơm có đầy đủ các thành viên, luôn ấm cúng, thân mật cũng là minh chứng cho một gia đình hòa thuận, hạnh phúc

Bữa cơm là thời gian các thành viên trong gia đình được họp mặt, quây quần bên nhau, cùng nhau thưởng thức các món ăn ngon. Một bữa cơm có đầy đủ các thành viên, luôn ấm cúng, thân mật cũng là minh chứng cho một gia đình hòa thuận, hạnh phúc.

Family Around Dinner Table
Từ xưa đến nay, bữa cơm trong quan niệm của người Việt là vô cùng quan trọng. Với các gia đình xưa, bữa cơm luôn được chú trọng. Trong giai đoạn đói kém, nhiều nhà chỉ ăn một bữa cơm, nhưng tất cả các thành viên đều có mặt đông đủ, để chia sẻ và gặp mặt nhau sau một ngày làm việc. Nhiều người lớn tuổi chưa quên được cảnh một gia đình thôn quê khoảng nhá nhem tối, trải chiếu ra ngoài hiên, quây quần bên mâm cơm, trò chuyện và tận hưởng không gian thoáng đãng cuối ngày. Trong gia đình xưa của người Việt Nam chúng ta, thường có rất đông thành viên và có thể có cả 4- 5 thế hệ hiện diện trong một mâm cơm. Do đó, vai trò của phụ nữ trong việc bếp núc là rất quan trọng. Bữa cơm cũng hàm chứa ý nghĩa to lớn, phải theo đúng nghi thức, theo đúng cái trật tự, nền nếp của truyền thống “Tứ đại đồng đường”, “ngũ đại đồng đường”. Trung tâm của mâm cơm chính là ông bà, cha mẹ; con cháu phải thể hiện được lòng tôn kính, sự hiếu thảo ngay từ khi chưa bước vào mâm cơm.

Nhiều người cao tuổi kể lại rằng: “Khi những phụ nữ nấu xong bữa cơm thì những đứa cháu phải lau sạch từng chiếc bát, đôi đũa và dọn mâm. Đầu tiên là phải bưng mâm cơm nhỏ lên cúng trên bàn thờ, thắp tàn cây nhang mới dọn xuống. Sau đó, phải khoanh tay thưa từng người lớn vào ăn cơm. Sau khi ông bà, cha mẹ gắp đồ ăn, trẻ nhỏ mới được quyền ăn. Món nào ngon nhất, phải nhường cho người lớn”. Trong một bữa ăn, chúng ta thấy thể hiện rất nhiều vấn đề trong đó. Đó là sự tưởng nhớ tổ tiên qua việc dâng cúng mâm cơm lên bàn thờ, cũng là để tỏ lòng tri ân đối với hạt gạo và đất đai; đồng thời, thể hiện sự tôn kính, lòng hiếu thảo đối với những bậc sinh thành.

bữa cơm gđ xưa nay 1

Có một điều rất hay là ngày xưa những điều người lớn dạy trẻ con trên mâm cơm, nó thể hiện nếp văn hóa rất cao, cho dù đó là những gia đình bình dân vẫn phải giữ đúng nếp nhà. Đó là những điều cấm kỵ như: ăn không được ngậm đũa, không được quơ đũa trên dĩa thức ăn hay xóc bới thức ăn, không được dọng đũa xuống mâm cơm, không được gõ muỗng đũa vào miệng chén hay miệng nồi… Có rất nhiều thứ được người lớn dạy dỗ trẻ con qua bữa ăn, mà sau này mới biết đó là văn hóa cao trong ẩm thực.

Một người cao tuổi bày tỏ: “Đối với gia đình tôi thì đọc sách báo, xem đài là món ăn tinh thần không thể thiếu. Còn bữa cơm là nuôi sống con người, nhưng bữa cơm cũng không đơn thuần là vật chất. Trên mâm cơm, các thành viên trong gia đình phải luôn vui vẻ, thể hiện tình cảm với nhau, đồng thời trao đổi những tâm tư, những điều thắc mắc thường ngày”. Trong những lần công tác về nông thôn, chúng tôi nhớ lại người Việt Nam chúng ta có bữa ăn gia đình rất đặc biệt, đó là những bữa cơm vợ chồng, con cái xúm xít nhau ngay bên bờ ruộng, góc rẫy hay trong chòi canh. Những bữa cơm đúng nghĩa “chia ngọt, sẻ bùi”, thấm đẫm mồ hôi nhọc nhằn, nhưng chứa chan biết bao yêu thương, gắn bó để cùng nhau vượt qua vất vả, gian nan. Những bữa cơm gia đình như thế này thường là những bữa ăn “mở”, vì đôi lúc có cả những bà con hàng xóm cùng ngồi chung mâm. Thương lắm những bữa cơm gia đình của nông dân Việt Nam chúng ta!

bữa cơm gđ xưa nay 3

Ý nghĩa, vai trò của bữa cơm gia đình Việt Nam vẫn không bao giờ thay đổi, dù xã hội luôn tiến bộ và phát triển ngày càng nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng ta thấy trong cái tất bật của công việc, trong cuộc mưu sinh, thì việc quây quần đầy đủ các thành viên trong bữa cơm ngày càng thưa dần đi, đã có nhiều gia đình “ăn ngoài” thường xuyên hơn. Đặc biệt là đối với những gia đình trẻ.

Cuộc sống của một gia đình hiện đại ngày nay là sáng đưa con đến lớp, bố mẹ đi làm, chiều về đón con rồi đi chợ nấu cơm. Tuy nhiên, bữa cơm tối duy nhất của cả nhà đôi khi không có mặt đông đủ các thành viên. Khi thì bố hoặc mẹ bận làm thêm giờ, lúc thì con phải đi học thêm… Bữa cơm thường được ăn nhanh chóng để mỗi người một việc, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày hôm sau, khoảng thời gian tận hưởng và chia sẻ cùng nhau dường như cũng ít đi.

Một số bà mẹ trẻ bận rộn bây giờ còn ngại cơm nước, vừa mệt, vừa mất thời gian nên có khi gọi điện đặt luôn các đồ ăn bán sẵn trên mạng internet. Không ít gia đình có nhà riêng, đồ đạc trong nhà đầy đủ, bếp ăn đàng hoàng nhưng gian bếp lại rất ít khi đỏ lửa. Tuần có 7 ngày thì đến 6 ngày đi ra ngoài ăn hàng, nhất là những gia đình vợ chồng mới cưới, chỉ có 2 người nên lại càng ngại nấu nướng. Thậm chí, thời gian mọi người ngồi ăn chung mâm cơm cũng không còn, cứ ai rảnh thì tự ăn trước, hoặc lấy riêng phần ăn của mình ngồi một chỗ xem tivi, hoặc làm việc. Chỉ nhà nào còn sống chung với ông bà thì may ra còn giữ được cái nếp sinh hoạt từ thời các cụ để lại.

bữa cơm gđ xưa nay 2
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một phần nhỏ trong xã hội hiện nay, ở các gia đình truyền thống mà đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội, nhiều gia đình làm ăn buôn bán hay kinh doanh dù tất bật đến đâu vẫn luôn giữ cho gia đình mình nề nếp của một bữa ăn gia đình. Có rất nhiều người, luôn sắp xếp thời gian dành cho bữa cơm gia đình vì đơn giản, họ đã thấm nhuần sự giáo dục của gia đình và muốn truyền lại cho các thế hệ sau.

Sự thay đổi trong lối sống và nề nếp của các gia đình hiện nay có lẽ là một xu hướng tất yếu theo sau sự phát triển của toàn xã hội. Nhưng dù đổi thay đến đâu, gia đình vẫn luôn nắm giữ những giá trị cốt lõi, là nơi để mỗi người hướng về, tìm sự thanh thản, ấm cúng cho tâm hồn. Cho dù xã hội có “công nghiệp hóa”, dù ai đó có làm nghề gì đi nữa, có bận rộn thế nào đi chăng nữa, thì không thể nào “từ bỏ” những bữa cơm gia đình. Đó là nơi gắn kết và san sẻ tình cảm của những thành viên trong gia đình. Đó cũng là nơi làm cho mọi người chúng ta, mỗi khi đi đâu cũng đều muốn quay nhanh về nhà, vì ở đó có những người thân yêu đang đợi chờ mình bên mâm cơm đầy ắp tình cảm yêu thương.

Trang Anh ( Văn hóa Gia đình Việt Nam)

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *