Nhiếp ảnh

Bức tranh 40 năm tuổi treo ở góc phố đẹp nhất Thủ đô

Gần 40 năm qua, du khách đến thăm Hà Nội, khi đi qua ngã tư Tràng Tiền – Đinh Tiên Hoàng đều dừng lại ngắm nhìn một bức tranh.

Bức tranh có giá trị về mặt lịch sử này được treo trên nóc nhà thông tin TP, số 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. Bức tranh vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ôm một em bé được bố cục ở chính giữa, trên nền trắng hình Chim Câu đang ngậm vành ô liu, đường lượn theo chim câu mầu xanh chính là hình chữ S biểu tượng của bản đồ Việt Nam thống nhất. Mắt chim bồ câu là vầng sao sáng dẫn đường, chính là trái tim của cả nước – Thủ đô Hà Nội với màu cờ Tổ quốc.


Bức tranh Bác Hồ với cháu thiếu nhi được treo trang trọng ở ngã tư Tràng Tiền – Đinh Tiên Hoàng


Họa sĩ Trần Từ Thành với một trong những bản vẽ phác thảo đầu tiên

Tác giả cuả bức tranh này chính là họa sĩ Trần Từ Thành ( Nguyên phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp HN) vẽ  năm 1975, ngay sau ngày đất nước thống nhất, thời điểm đó, Bộ Văn hóa – Thông tin và Hội Mỹ thuật Việt Nam mở cuộc thi sáng tác tranh và tượng chào mừng ngày giải phóng, đất nước hoàn toàn độc lập.
Gia đình ông đã sống qua hai thời kỳ chiến tranh chống Pháp, rồi chống Mỹ,  bản thân ông rất thấm thía được cái giá của việc đấu tranh giành độc lập dân tộc, của hòa bình. Họa sĩ Trần Từ Thành đã coi đây chính là dịp để bày tỏ ao ước bấy lâu về chủ đề đất nước hòa bình. Lựa chọn, cân nhắc, cuối cùng ông quyết định chọn hình thức tranh cổ động, dễ hiểu, phổ biến trong cuộc sống.
“Ý nghĩa bức tranh được ấp ủ bao năm nay có dịp thể hiện, nhưng loay hoay cả tháng trong phòng vẽ tôi vẫn chưa nghĩ ra được nên vẽ gì”, ông Thành nhớ lại.
Khi sắp nản vì “bí” đề tài thì một đêm ông nghe được bài thơ “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu từ tiếng đài phát thanh của nhà hàng xóm “Lòng ta chung cụ Hồ/Lòng ta chung Thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam”.

Bản vẽ tay đầu tiên của bức tranh

Những dòng thơ đã mang đến cảm hứng cho ông sáng tác, “hình tượng của Bác đây rồi, tư tưởng của Bác luôn mong muốn đất nước thống nhất, tôi liền lấy đó làm chất liệu cho bức tranh của mình”, ông chia sẻ. Sau một tuần, từ những nét vẽ, bản thảo đầu tiên đã hoàn thành.
Ngày 20/4/1976, bức tranh của ông và tác phẩm của các họa sĩ khắp 3 miền được trưng bày tại trung tâm triển lãm Vân Hồ (Hà Nội) và ông đoạt giải nhì.

Ông kể: ” Cũng năm đó, để chào mừng tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung sau khi thống nhất đất nước, xưởng tranh cổ động TƯ đã cho in bức tranh này thành hàng vạn bản, phát hành trên cả nước và đề nghị tôi đưa câu khẩu hiệu ‘Độc lập Thống nhất, Hòa bình Hạnh phúc’ vào tranh”.Lúc đó, đi khắp đường phố Hà Nội đâu đâu cũng dán tranh của ông, 5 năm sau, Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội phóng to bức tranh lên kích cỡ 4 mét vuông để treo lên nóc nhà thông tin TP.
Hiện nay, bức tranh dự thi của ông được lưu giữ tại bảo tàng Hồ Chí Minh và một số bảo tàng khác.


Bản gốc của bức tranh được nhiều nhà sưu tập dạm mua nhưng ông nhất quyết không bán

Năm 1990, khi đi thăm bảo tàng Lênin (Mátxcơva, Nga), ông đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy bức tranh của mình được treo trang trọng trong phòng phong trào Cộng sản Quốc tế. Ông cũng cho biết, bảo tàng La Habana (Cuba) và nhiều sách báo nước ngoài cũng đang lưu giữ bức tranh này với nhiều phiên bản, kích cỡ khác nhau.
Đã có nhà sưu tầm người Thái Lan, Singapore…sang tận nơi tìm gặp họa sĩ Trần Từ Thành để mua bức tranh với giá cao, nhưng ông đều từ chối. “Với tôi, đó là kỷ vật vô giá”, họa sĩ chia sẻ.

Trần Thường/Vietnamnet

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *