Sân khấu

Cải lương Hà Nội công diễn vở cải lương “Ai đo được lòng người”

Vở cải lương “Ai đo được lòng người” được Nhà hát Cải lương Hà Nội chính thức công diễn rộng rãi phục vụ khán giả Thủ đô từ ngày 19/4/2018 tại sân khấu hồ Thiền Quang, Hà Nội.

Ai đo được lòng người có tên ban đầu là Không thấy trời cao, là kịch bản của tác giả Lê Chí Trung và được chuyển thể cải lương bởi NSƯT Ngọc Chi, đạo diễn NSƯT Trần Quang Hùng dàn dựng. Ai đo được lòng người đã được Nhà hát Cải lương Hà Nội hoàn thành và ra mắt khán giả từ tháng 1/2018.

Ai đo được lòng người kể câu chuyện về cuộc đời Nguyễn Hữu Chỉnh, danh tướng dưới thời hậu Lê và Tây Sơn thế kỷ 18, người bị xem là “gian hùng thời loạn”. Thông minh và toàn tài nhưng Nguyễn Hữu Chỉnh bị xem là con người đầy “âm mưu và xảo trá”, lòng dạ bất trung, tráo trở, có lẽ vì vậy mà cuộc đời ông đã phải đối mặt với cái kết đau thương nhất.

Nguyễn Hữu Chỉnh thi đỗ Hương cống năm 16 tuổi và đỗ Tam trường năm 18 tuổi, là người có cơ trí và có tài biện bác, giỏi thơ ca, 9 tuổi Nguyễn Hữu Chỉnh đã ứng khẩu làm bài thơ “Vịnh cái pháo” . Nguyễn Hữu Chỉnh từng theo Quận Việp Hoàng Ngũ Phúc đánh chúa Nguyễn ở Thuận Hóa. Sau khi Hoàng Ngũ Phúc chết, ông dựa vào con nuôi của Phúc là Quận Huy Hoàng Đình Bảo nhưng rồi Bảo bị kiêu binh nổi loạn giết, Nguyễn Hữu Chỉnh đã đem theo vợ con chạy vào Nghệ An, sau đó vào đàng trong theo Tây Sơn. Chính Nguyễn Hữu Chỉnh là người có công lớn trong việc thúc đẩy, tiên phong giúp Nguyễn Huệ đánh chiếm Phú Xuân và đem quân ra Bắc “phò Lê diệt Trịnh”. Đặc biệt Nguyễn Hữu Chỉnh là người có công lớn trong việc gây dựng cuộc hôn nhân giữa Nguyễn Huệ và công chúa Lê Ngọc Hân trong lịch sử Việt Nam.

Sau khi biết tin anh em Nguyễn Huệ bất hòa, Nguyễn Hữu Chỉnh có ý chống đối lại Tây Sơn, mưu đồ lập thế lực riêng như Chúa Trịnh trước đây. Muốn mở rộng ảnh hưởng vào Nam, Nguyễn Hữu Chỉnh đã câu kết với Nguyễn Duệ chiếm đất Nghệ An, sửa lũy Hoành Sơn, lấy Linh Giang (sông Gianh) làm giới hạn với Thuận Hóa. Khi có thế lực ông xin vua Lê đòi Tây Sơn trả đất Nghệ An và xúi giục Nguyễn Văn Duệ chống lại Tây Sơn. Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm kéo quân ra đánh, Nguyễn Hữu Chỉnh thất bại và bị bắt. Vũ Văn Nhậm kể tội Chỉnh và cho tứ mã phanh thây ông ở trước cổng thành.

Ai đo được lòng người mở đầu với cảnh một ca nương khóc than dưới nấm mộ của Nguyễn Hữu Chỉnh, và rồi từ đây, những lát cắt cơ bản trong cuộc đời của Nguyễn Hữu Chỉnh được kể lại trên sân khấu một cách khái quát nhất. Lúc là một con người hào hoa, phong nhã với tài năng và đam mê thơ ca, âm nhạc, lúc là một quân sư đầy mưu lược, khôn ngoan, lúc lại là vị tướng chỉ huy với đầy chiến thuật… Và cho dù thế nào, ở Nguyễn Hữu Chỉnh luôn toát lên một sự ung dung tự tại của một kẻ sĩ Bắc Hà toàn tài khiến cho người xem có cảm giác ông đã đoán biết trước được hết mọi việc, ngay cả trước khi ông đón nhận cái chết đáng sợ nhất là tứ mã phanh thây. Ở cảnh này, đạo diễn NSƯT Trần Quang Hùng sử dụng sân khấu như một cái gông lớn đến cổ với 4 tấm ghép, khiến cho màn xử tử được xử lý khéo léo, chân thực…

Có thể nói, Ai đo được lòng người là một trong số những tác phẩm sân khấu hiếm hoi đề cập đến nhân vật chính mang màu sắc “phản diện” như Nguyễn Hữu Chỉnh. Cho đến nay, cũng có nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu lịch sử đã phân tích, nhận định và đánh giá về “công” và “tội” của Nguyễn Hữu Chỉnh. Trong đó có nhiều ý kiến đồng cảm với ông và coi những gì ông đã làm là cách “ứng xử tình thế”. Sinh ra vào thời loạn lạc, cuộc đời Nguyễn Hữu Chỉnh đã thể hiện những tính cách, những tư tưởng tự do, vượt qua những ràng buộc, những tiêu chí thông thường để tìm kiếm mọi con đường giải phóng năng năng lực và tham vọng của bản thân mình.

Ai đo được lòng người với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Cải lương Hà Nội: NSƯT Trần Quang Hùng, NS Quang Thuyết, Minh Đức, Thy Nhung… Theo kế hoạch, Ai đo được lòng người được công diễn tại sân khấu Hồ Thiền Quang, Hà Nội vào tối 19/4/2018; Tại Đông Anh vào hai tối 24 và 25/4/2018.

Lan Hương

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *