Sáng 19/12, gia đình Thiếu tướng Trần Tử Bình – Cựu tù chính trị tổ chức thành công cuộc vượt ngục của hơn 100 tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò và gia đình Đại tá Nguyễn Minh Vân – Cựu tù chính trị Trại giam Chín Hầm (Huế) đến tham quan Trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt” tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
Trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt” được Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò ra mắt vào ngày 12/12 nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024).
Các gia đình dâng hương tưởng nhớ chiến sĩ yêu nước, cách mạng Việt Nam hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò
Trưng bày gồm 3 nội dung: “Những dấu mốc lịch sử”, “Bền gan vững chí” và “Ký ức không phai”. Trưng bày gồm những tư liệu, hình ảnh, hiện vật giới thiệu những dấu mốc lịch sử của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam trên chặng đường 80 năm hình thành và phát triển. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc có sự đóng góp của các chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt, giam trong các nhà tù. Sau khi thoát khỏi các nhà tù thực dân, trải qua những năm tháng rèn luyện, chiến đấu gian khổ, nhiều đồng chí đã trở thành vị tướng của lòng dân.
Trong khuôn khổ Trưng bày đã giới thiệu thân thế, sự nghiệp của 9 vị tướng tài năng, đức độ, có đóng góp công lao to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, gồm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013); Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 – 1967); Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917 – 2002); Thượng tướng Đinh Đức Thiện (1914 – 1987); Thượng tướng Song Hào (1917 – 2004); Trung tướng Vương Thừa Vũ (1910 – 1980); Trung tướng Vũ Xuân Chiêm (1923 – 2012); Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907 – 1967); Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (1920).
Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907 – 1967), còn gọi là Phạm Văn Phu, sinh tại xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Năm 1930, đồng chí tham gia phong trào đấu tranh đòi quyền sống của 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng (Bình Phước), làm nên “Phú Riềng Đỏ” lịch sử. Đồng chí bị thực dân Pháp bắt, giam gần 8 năm ở các nhà tù: Côn Đảo, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hỏa Lò.
Các gia đình tham quan Trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”
Khi bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò, đồng chí được anh em tin tưởng bầu làm Trưởng ban sinh hoạt, tổ chức các hoạt động công khai của tù chính trị. Ngày 9/3/1945, nhân cơ hội Nhật đảo chính Pháp cướp quyền quản lý Nhà tù Hỏa Lò, tối ngày 12/3/1945, đồng chí Trần Tử Bình cùng một số tù chính trị khác tổ chức vượt ngục bằng cách chui theo đường cống ngầm. Những ngày sau, hơn 100 tù chính trị đã vượt ngục thành công.
Là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19/8/1945 ở Hà Nội và một số tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ.
Năm 1946 – 1958, đồng chí giữ các chức vụ: Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Thanh tra Quân đội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ kiêm Tổng Thanh tra Quân đội. Năm 1959, đồng chí làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc kiêm Đại sứ tại Mông Cổ. Trong đợt sắc phong quân hàm đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1948), đồng chí Trần Tử Bình được thụ cấp hàm Thiếu tướng.
Ông Vũ Thế Khôi xem lại hình ảnh cống ngầm vượt ngục
Ông Vũ Thế Khôi, bạn của ông Trần Việt Trung – con trai Thiếu tướng Trần Tử Bình cảm nhận: “Lần đầu tiên tôi được vào tham quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Tôi rất xúc động khi các chiến sĩ cách mạng, các liệt sĩ đã vì dân, vì nước mà đi tù ở đây, nhiều người đã hy sinh. Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò và gia đình Thiếu tướng Trần Tử Bình đã tổ chức buổi tham quan rất có ý nghĩa. Các chiến sĩ suốt đời chiến đấu, hy sinh, tìm mọi cách để cứu nước, cứu dân, bị giặc giam ở đây nhưng ý chí sắt đá của họ chiến thắng tất cả. Đặc biệt tôi rất xúc động về Thiếu tướng Trần Tử Bình trong những ngày sinh tử của dân tộc đã tổ chức thành công cuộc vượt ngục qua đường cống ngầm với số lượng lớn tù chính trị. Tôi mong rằng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò nghiên cứu kỹ hơn về thời gian Thiếu tướng Trần Tử Bình ờ trong Nhà tù này đã chuẩn bị những gì cho cuộc vượt ngục để thành công như vậy. Thế hệ trẻ nên vào đây tham quan, tìm hiểu để biết cha ông ta đã chiến đấu, hy sinh như thế nào, từ đó noi theo những tấm gương ấy cống hiến cho đất nước, cho dân tộc nhiều hơn”.
Ông Nguyễn Quốc Hùng xúc động khi xem những tư liệu, hình ảnh được Trưng bày
Ông Nguyễn Quốc Hùng, con trai Đại tá Nguyễn Minh Vân – Cựu tù chính trị Trại giam Chín Hầm (Huế) chia sẻ: “Gia đình tôi vào tham quan Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, được thăm lại nơi thế hệ cha ông bị tù đày năm xưa, khiến cảm xúc dâng trào. Nhớ lại thời kỳ bố tôi cũng bị bắt giam ở Huế, chịu biết bao gian lao, tôi thấy khâm phục, kính trọng bố. Bố tôi khi đi theo cách mạng, bị tù đày nhưng vẫn kiên cường vượt qua. Tôi rất tự hào về bố tôi và các vị tiền bối. Chính tinh thần vượt qua khó khăn gian khổ trong lao tù của cha ông như thế mới có được hòa bình, độc lập, tự do như hôm nay. Thế hệ trẻ hãy biết trân trọng, giữ gìn”.
Trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt” diễn ra từ ngày 12/12/2024 đến hết ngày 28/2/2025 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)./.
Thảo Nhi