Hà Nội đẹp

Cần bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của cổng làng trên đại bàn Thủ đô

Cổng làng giản dị, đơn sơ mà mang đậm hồn cốt của mỗi làng quê và là niềm tự hào, thân thương với mỗi người

Cổng làng là kí ức không thể quên đối với mỗi người. Nó giản dị, đơn sơ mà mang đậm hồn cốt của mỗi làng quê và là niềm tự hào, thân thương của mỗi người. Nhà có nóc, làng có cổng, chân lý ấy luôn ăn sâu trong tâm thức mỗi người: Cổng làng tiễn chân ta đi khắp mọi miền, rồi lại rộng mở đón ta trở về với gia đình, với quê hương.

Xưa kia, cổng làng là công trình kiến trúc mang tính phòng thủ, ngày nay, cổng làng được xây dựng nên tuy chỉ là tượng trưng, nhưng vẫn rất gần gũi với mỗi người. Có những nơi, cổng làng còn là nơi họp chợ, giao thương, như ở Kiêu Kị – Gia Lâm, ở Duyên Yết – Phú Xuyên…

Hà Nội hiện có hơn 1.300 làng, phố, và hầu như làng, phố nào cũng có cổng.

Có làng xây cổng 1 tầng với chính môn, 2 tầng là “Thượng gia hạ môn” hoặc “Vọng lâu”, cổng làng một cửa gọi là “nhất môn”, cổng làng có 3 cửa, gọi là tam quan hay tam môn. Trên trán cổng thường ghi chữ đại tự tên làng…

Có thể kể ra đây 1 số cổng làng tiêu biểu của Hà Nội, như:  Cổng làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây được xây dựng đã mấy trăm năm nay. Bao quanh cổng là một không gian rộng và thoáng. Cổng làng được làm theo kiểu “thượng gia hạ môn” (trên là mái nhà, dưới là cổng), đầu hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói ri, bờ nóc, bờ chảy đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc là hai đấu đinh. Cổng gắn liền với cảnh quan của làng, với lịch sử của làng, trong một quần thể không gian đắc địa và hấp dẫn, nên cổng làng Mông Phụ nổi tiếng khắp trong và ngoài nước.

Cổng làng Dục Tú có 1 tam quan. Chính môn có vọng lâu, 2 bên cổng có cột đồng trụ với các câu đối thể hiện truyền thống văn hóa của làng.

Cổng làng Cổ Loa, nơi kinh đô xưa của An Dương Vương và Tiền Ngô Vương (Ngô Quyền), được mệnh danh là “Đệ Nhất Thiên Cổ” môn. Cổng tam quan với một vọng lâu 8 mái, rất trang trọng, cổ kính.

Cổng làng Cựu,  xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên chỉ có một chính môn trên là vọng lâu, mái vọng lâu xếp thành 8 mái với 2 tầng “đao” uốn lượn, có “lưỡng long chầu nguyệt” và “tứ linh”. Hai bên mang cổng là hai đôi cột đồng trụ một cao và một thấp…Cổng được giới tổ chức du lịch đánh giá là cổng làng đẹp nhất nước. Làng Cựu được đánh giá là một trong 3 làng ở Hà Nội đẹp nhất Việt Nam.

Làng Cựu

Sau cổng làng là cộng đồng làng xã, gia đình, là không gian làng quê Việt. Vì thế cổng làng có vị trí quan trọng trong đời sống thực và đời sống tâm linh của người dân Việt. Thế nên, cổng làng được xem là bộ mặt, là biểu tượng cho nếp sống, cốt cách của người dân sống trong làng đó.

Xưa kia, buổi sáng cổng làng mở, dân làng đi chợ, đi làm, đến tối, cổng làng đóng lại, kết hợp với hệ thống hàng rào, lũy tre làng đã trở thành một thế giới riêng, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Một số cổng làng

Hà Nội không chỉ có cổng làng ở các vùng quê, mà Hà Nội còn đặc biệt với các cổng làng trong phố, lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của Thăng Long xưa. Đó là cổng làng Yên Thái, trên treo bức đại tự “Mỹ Tục Khả Phong”, do vua Tự Đức ban tặng. Cổng làng Đông Xã ở Thụy Khuê từng có 5 bậc lên xuống, trên cổng vẫn còn nguyên vẹn dòng chữ “An Đông chính lộ”, ghi dấu nét đẹp văn hóa của làng xưa.

Cổng làng còn mang những giá trị nghệ thuật kiến trúc đặc sắc từ các loại vật liệu xây dựng phổ biến, như: Đá ong, gạch ngói, sỏi đá, vôi vữa.

Cổng làng là nơi  lưu giữ hồn cốt làng quê, là nơi gắn liền với quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của làng. Bởi phía sau cánh cổng làng  là tình thân gia đình, dòng họ, xóm giềng, là sự kết nối cộng đồng, làng xã, phong tục, tập quán, văn hoá mỗi làng. Với quan niệm đó, nhiều địa phương đã khôi phục lại cổng làng.

Thanh Quy (T.h)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *