Đó là một trong những yêu cầu được đặt ra của Kế hoạch số 306/KH-UBND được UBND TP Hà Nội ban hành ngày 27/12/2021 về việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025.
Theo Kế hoạch, yêu cầu đặt ra là việc tổ chức triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng cần được duy trì thành nền nếp, thường xuyên, liên tục và phù hợp với tình hình thực tế của các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan, tại nơi công cộng. Mục đích từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố phù hợp với chuẩn mực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Tăng thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 10/3/2017 của UBND thành phố với các hình thức phù hợp. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Tuyên truyền lưu động, tuyên truyền thông qua việc tổ chức các hội thi, hội diễn, trại sáng tác, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt dưới cờ, tuyên truyền trong hệ thống trường học, thông qua các hội thi “Tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Niêm yết quy tắc ứng xử tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố, các điểm di tích, nơi công cộng theo mẫu thống nhất toàn thành phố, thay thế các bảng tuyên truyền cũ, bạc màu. Phân loại đối tượng để đưa ra các giải pháp tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng. Đặc biệt là nêu cao vai trò của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, những người cao tuổi, những người có uy tín, ảnh hưởng ở khu dân cư gương mẫu thực hiện quy tắc ứng xử. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền vào nơi tập trung đông người, dễ xảy ra các vi phạm như: Các khu chợ, trung tâm thương mại, nhà văn hóa, bến xe, vườn hoa, công viên, không gian văn hóa, thể thao tại cộng đồng, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa, ứng xử của người dân khi tham gia giao thông.
Nâng cao chất lượng thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện quy ước, hương ước. Cụ thể, rà soát quy ước, hương ước, bổ sung nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng vào quy ước, hương ước của từng thôn, làng, tổ dân phố để công khai thực hiện có hiệu quả ở từng đơn vị. Đồng thời, chú trọng chất lượng trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội truyền thống ở địa phương, bảo đảm thực hiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cùng với đó là gắn việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng với việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố, nhất là sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, nhân rộng mô hình ứng xử văn hóa trong gia đình: “Gia đình an toàn Covid-19”, “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” đến các gia đình, tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn.
PV