Đó là nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chỉ đạo Chương trình 04 – Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hoá – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đặt ra tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2018 được tổ chức vào ngày 12/10/2018.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc – Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình chủ trì cuộc họp – Ảnh: HNMCuộc họp được chủ trì bởi đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, , Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-Ctr/TU cùng sự tham gia của các đồng chí trong Ban Chỉ đạo: Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị… Cuộc họp được Ban Chỉ đạo tổ chức nhằm đánh giá những công việc thực hiện trong 9 tháng qua và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2018.
Lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều chuyển biến rõ nét
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, ông Tô Văn Động, 9 tháng đầu năm 2018 công tác chỉ đạo, điều hành Chương trình 04 được triển khai chủ động, quyết liệt, bám sát thực tế, chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo, điều hành, kết luận của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tạo chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực văn hóa- xã hội.
Việc triển khai 2 quy tắc ứng xử đã thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, sáng tạo bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú tạo chuyển biến tích cực về văn hóa ứng xử trong các cơ quan và nơi công cộng. Công tác tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng; sự phối hợp tốt giữa Sở Văn hóa và Thể thao với các cấp, các ngành và UBND các quận, huyện, thị xã. Thành phố Hà Nội là địa phương được Bộ VH,TT&DL biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao về những chuyển biến, kết quả đạt được trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018.
Trong lĩnh vực thể thao: Thể thao chuyên nghiệp Hà Nội tiếp tục đạt thành tích cao tại các giải thi đấu quốc tế và trong nước. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài phục vụ tổ chức, thi đấu và điều hành tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 được tiến hành chủ động, tích cực, cơ bản đã đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra.
Trong lĩnh vực giáo dục, những trường học đạt chuẩn quốc gia đã được nâng cao số lượng và chất lượng; mạng lưới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn Hà Nội được điều chỉnh tương đối hợp lý về cơ cấu nghề đào tạo và mở rộng theo hướng phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, giáo dục của cả nước và thành phố Hà Nội; đào tạo nghề đã góp phần bước đầu vào phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học nghề…
Bên cạnh những việc đã làm được, báo cáo cũng đánh giá việc thực hiện Chương trình 04 thời gian qua vẫn còn gặp một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đồng đều, thiếu đồng bộ, có nơi vẫn còn biểu hiện hình thức; hoạt động quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật quần chúng trên đường phố; hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa (karaoke)… vi phạm có giảm so với năm trước nhưng vẫn còn tồn tại; một số nội dung, nhiệm vụ thực hiện chưa đảm bảo tiến độ và yêu cầu của UBND thành phố như: Dự án trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội; triển khai các nội dung về việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô …; quản lý, khai thác và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao cũng còn những hạn chế; kinh phí đầu tư cho việc xây dựng trường chuẩn quốc gia các huyện ngoại thành có nhiều khó khăn…
Cần tăng cường công tác tuyên truyền theo chuyên đề
Tại cuộc họp, các thành viên trong Ban Chỉ đạo Chương trình 04 đều đánh giá cao và ghi nhận kết quả mà các sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện được trong 9 tháng qua. Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Nguyễn Lan Hương cho rằng: Nhiều phần việc đã nhìn rõ kết quả và một trong những công việc có kết quả rõ nét là công tác tuyên truyền nội dung hai Bộ quy tắc ứng xử tại các quận, huyện với nhiều hình thức phong phú, sôi nổi. Trưởng ban Dân vận Thành ủy đề nghị công tác này cần được tập trung đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cũng đánh giá cao công tác tuyên truyền của hệ thống báo chí Thủ đô thời gian qua khi thực hiện nhiều chương trình, loạt bài viết chất lượng. Thời gian tới, công tác tuyên truyền cần tập trung vào những vấn đề, chủ đề chuyên sâu như phòng, chống bạo lực trong gia đình, nhà trường, xã hội; xây dựng văn hoá, nếp sống trong chung cư; xây dựng nông thôn mới của Hà Nội… Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, từ nay đến cuối năm, công tác tuyên truyền cần được tăng cường hơn, cần kêu gọi cả hệ thống báo chí trung ương vào cuộc để cùng góp phần giúp người dân ý thức hơn trong việc xây dựng nếp sống mới, ứng xử văn minh tại công sở và nơi công cộng.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đề xuất một số phần việc trong thời gian tới. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh việc đề nghị triển khai mô hình văn hoá cơ sở, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng tại nhà trường, phấn đấu để năm 2019 các trường không còn nhà vệ sinh kém chất lượng; việc triển khai nội dung quy tắc ứng xử trong trường học cần phải được bổ sung thêm vào giáo trình dạy nếp sống thanh lịch, văn minh của học sinh; nâng cao chất lượng cơ sở y tế ở các địa phương…
Nhiệm vụ trọng điểm của 3 tháng cuối năm 2018
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04 Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao những công việc của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra. Theo đó, công tác an sinh xã hội tiếp tục bảo đảm; các hoạt động văn hoá diễn ra trên địa bàn thành phố về cơ bản thực hiện đúng tiêu chí, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thể thao đạt thành tích đáng khen ngợi; lĩnh vực giáo dục đã bảo đảm cung cấp đủ số lượng trường học theo tiêu chuẩn khi năm học vừa qua đã tăng hơn 200 trường… Đặc biệt, điểm nhấn của Chương trình 04 trong 9 tháng qua là việc triển khai hai Bộ quy tắc ứng xử đã có sự chuyển biến nhanh. Việc đẩy mạnh hiệu quả trong tuyên truyền thời gian qua đã giúp cho văn hoá ứng xử của công chức, viên chức và người dân thay đổi rõ rệt.
Về phương hướng nhiệm vụ cần làm trong thời gian tới, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04 nhấn mạnh: các sở, ngành, đơn vị phải hoàn thành các kế hoạch được giao, tiến hành rà soát các công việc cụ thể để các chỉ tiêu đề ra phải thực hiện đúng tiến độ. Việc này sẽ được đưa vào chấm thi đua cuối năm, đơn vị nào chậm trễ trong hoàn thành chỉ tiêu sẽ bị hạ thi đua. Một số việc đang được dư luận quan tâm, ví dụ như vấn đề sữa học đường, các ngành liên quan sẽ phải thực hiện sao cho công khai, minh bạch, bảo đảm chất lượng cung cấp sữa tốt và cần tiến hành tuyên truyền để người dân hiểu và an tâm.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đề nghị các đơn vị, sở, ngành cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, trong đó đề án nào không cần thiết có thể đề nghị bỏ, nhưng đề án còn lại sẽ phải thực hiện đến nơi đến chốn…
Song song đó, các cơ quan, đơn vị của Hà Nội phải chăm lo đời sống của nhân dân, đặc biệt là dịp Tết 2019, sao cho người dân có đời sống vật chất và tinh thần tốt nhất.
Về vấn đề thực hiện hai Bộ quy tắc ứng xử, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng cần phải đẩy mạnh, nâng cao công tác tuyên truyền, đi vào chiều sâu với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả để bảo đảm nội dung quy tắc ứng xử phải đến được từng hộ dân. Công tác này cần phải được tập trung lồng ghép trong các hoạt động của đoàn thanh niên, khối các cơ quan, đoàn thể và trong sinh hoạt của người dân ở tổ dân phố, khu dân cư… có như vậy những quy tắc này mới thực sự đi vào đời sống, xã hội, trở thành nét đẹp văn hóa ứng xử của người dân Thủ đô.
Khánh Trung (t/h)
Theo MaskOnline