Ngày 14/8, Đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố tiếp tục kiểm tra việc triển khai thực hiện các bộ quy tắc ứng xử (QTƯX) tại các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và thị xã Sơn Tây nhằm đánh giá hiệu quả việc thực hiện QTƯX trong đời sống.
Cần nhân rộng mô hình chợ văn minh – an toàn – hiệu quả
Theo ghi nhận của Đoàn, tại các điểm chợ, bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng đều được niêm yết đầy đủ. Tại chợ Xuân Đỉnh, bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng và tiêu chí Mô hình chợ văn minh – an toàn – hiệu quả được niêm yết ngay gần cổng ra vào, các quầy hàng được sắp xếp gọn gàng, lối đi rộng rãi, thông thoáng; người dân đã có ý thức sử dụng làn nhựa nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi nilon; một số quầy hàng bán đồ tươi sống, đồ ăn, chủ hàng đã có ý thức sử dụng găng tay, mang mũ trùm tóc…
Theo đại diện phòng Văn hóa – Thông tin quận Bắc Từ Liêm Phan Thị Thanh Huyền, Mô hình tuyên truyền “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” được triển khai tại các chợ trên địa bàn quận. Tính đến nay, UBND Quận đã thực hiện cấp phát 4600 bản cam kết tham gia thực hiện mô hình đến 100% tiểu thương ở các chợ. Thiết kế và niêm yết Bảng tiêu chí mô hình Chợ hình “Chợ văn minh – an toàn – hiệu quả” với 12 tiêu chí văn minh và 7 tiêu chí an toàn, hiệu quả. Tuyên truyền, vận động hỗ trợ cài đặt phần mềm thanh toán và cấp mã QR tới từng gian hàng giúp người dân và tiểu thương giao dịch mua bán được thuận tiện, văn minh; xây dựng mô hình “Ngôi nhà xanh” trong chợ nhằm hưởng ứng phong trào “phòng chống rác thải nhựa”, bảo vệ môi trường nâng cao công tác vệ sinh môi trường. Tuyên truyền đến các tiểu thương về việc hàng hóa phải được bày bán ngăn nắp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; tiểu thương có thái độ đúng mực, lịch thiệp với khách hàng.
Tại chợ Nghệ (thị xã Sơn Tây), Bộ quy tắc ứng xử của Thành phố được niêm yết song song với Bộ quy tắc ứng xử và tiêu chí phục vụ tại Ban quản lý chợ với 2 mục dành cho Cán bộ, nhân viên Ban quản lý chợ và Hộ kinh doanh và nhân dân. Mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” cũng đã được thị xã triển khai, tuy nhiên theo đánh giá vẫn chưa thật đi sâu và chưa được nhân rộng hiệu quả.
Đưa các di tích trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn
Đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm) là di tích có lịch sử hơn 2.000 năm, trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, mới có diện mạo đẹp và hoàn thiện như ngày nay. Khác với phần lớn ngôi đình ở Việt Nam, đây là ngôi đình hiếm hoi quay mặt hướng Bắc. Không chỉ mang những giá trị văn hóa lịch sử, tín ngưỡng tâm linh, đình Chèm còn được biết đến với thiết kế độc đáo, được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chắc chắn và công phu. Với vẻ đẹp, sự độc đáo, ngôi đình là nơi thu hút nhiều người dân về chiêm bái. Năm 2024, đình Chèm đã triển khai mô hình “Di tích lịch sử văn hoá – Điểm đến an toàn, hấp dẫn”.
Theo Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin quận Bắc Từ Liêm, với mô hình “Di tích lịch sử văn hóa – Điểm đến an toàn, hấp dẫn”, năm 2022, quận Bắc Từ Liêm là đơn vị đầu tiên trên địa bàn Thành phố Hà Nội triển khai điểm mô hình “Di tích lịch sử văn hóa – Điểm đến an toàn, hấp dẫn” tại di tích quốc gia Đình Đăm, phường Tây Tựu. Năm 2024, tiếp tục triển khai mô hình “Di tích lịch sử văn hoá – Điểm đến an toàn, hấp dẫn” tại di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm, phường Thụy Phương và nhân rộng mô hình đến các di tích lịch sử trên địa bàn quận. Thông qua đó nhằm đưa quy tắc ứng xử trở thành nền nếp trong mọi tầng lớp Nhân dân bằng các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú.
Khác với đình Chèm nằm độc lập bên bờ sông Hồng, chùa Mía nằm trên địa bàn xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây – trung tâm của vùng văn hóa xứ Đoài. Nói đến du lịch Sơn Tây, những địa danh thường được nhiều người ưa thích là thành cổ Sơn Tây, đền Và, làng cổ Đường Lâm… Tuy nhiên, còn một địa danh “không thể không đến” chính là Sùng Nghiêm Tự (còn có tên nôm là chùa Mía). Đến với chùa Mía, khách du lịch được trở về với không gian của làng quê Việt.
Theo ni sư Thích Đàm Thanh (quản lý chùa Mía), chùa Mía là điểm tâm linh lớn trên địa bàn thị xã Sơn Tây, lại nằm trong khu vực làng cổ Đường Lâm – nơi đón rất nhiều du khách thập phương trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch. Chính vì vậy, ni sư mong muốn tuyên truyền đến người dân và du khách, trong du lịch làng cổ Đường Lâm có du lịch tâm linh để mọi người biết đến cũng như có sự chuẩn bị về trang phục phù hợp khi đến chùa.
Xây dựng bộ phận 1 cửa văn minh, thân thiện, hiện đại
Tại trụ sở UBND phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm), phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm), phường Sơn Lộc (thị xã Sơn Tây), Đoàn ghi nhận các trụ sở đều khang trang, bộ phận 1 cửa rộng rãi, được trang bị các thiết bị hiện đại giúp các cá nhân, tổ chức đến liên hệ làm việc được thuận lợi, nhanh chóng.
Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1 Trịnh Văn Quế cho biết, việc triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử được xác định là việc làm thường xuyên, được phường rất quan tâm, nhất là vấn đề văn hóa ứng xử. Vào các buổi giao ban, chào cờ thứ 2 đầu tuần, các bộ quy tắc ứng xử đều được quán triệt đến toàn thể cán bộ, người lao động trong toàn phường. Đối với bộ phận 1 cửa, trước nhu cầu của các cá nhân, tổ chức đến liên hệ làm việc, phường đặt vấn đề phục vụ Nhân dân lên hàng đầu. Chính vì vậy, phường đã vận động xã hội hoá hơn 300 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị cho bộ phận 1 cửa, xây dựng bộ phận 1 cửa văn minh, hiện đại. Tại đây có máy giám sát tất cả các công chức bộ phận 1 cửa, người dân có thể kết nối trực tiếp đến lãnh đạo phường để phản ánh nếu không hài lòng. Bên cạnh đó, phường cũng tiếp tục đưa ra các mô hình phục vụ người dân được tốt hơn, nhanh gọn hơn như trong thời gian sắp tới đây, bộ phận 1 cửa sẽ triển khai thực hiện 2 ngày không giấy hẹn vào thứ 4 và thứ 6 hàng tuần.
Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin quận Nam Từ Liêm Lê Thị Năm cũng cho biết thêm, quận tiếp tục thực hiện mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong thực thi nhiệm vụ, có phong cách ứng xử văn minh “Chuyên nghiệp, trách nhiệm, thân thiện”. Đặc biệt, duy trì thực hiện gửi “Thư xin lỗi” đối với các tổ chức, cá nhân khi có hồ sơ giải quyết không đúng hẹn; thực hiện gửi “Thư cảm ơn”, “Thư chúc mừng”, “Thư chia buồn” để thể hiện sự quan tâm của chính quyền, cơ quan đối với công việc của tổ chức, cá nhân và điều này được Nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Đánh giá cao việc triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử cũng như việc xây dựng các mô hình tại các địa phương, Đoàn kiểm tra cho rằng, sau hơn 7 năm Thành phố ban hành các quy tắc ứng xử và đi vào triển khai thực hiện đã tạo được hiệu quả khá rõ nét tại các địa phương. Cán bộ, người lao động thân thiện, niềm nở, người dân được phục vụ nhiệt tình, chu đáo, tạo sự hài lòng cao trong Nhân dân. Các khu chợ khang trang, sạch sẽ… Tuy nhiên, để việc thực hiện các quy tắc ứng xử đạt hiệu quả cao hơn nữa, Đoàn cũng lưu ý các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền 2 quy tắc ứng xử với sự vào cuộc của đầy đủ các ban, ngành, đoàn thể; tuyên truyền với lưu lượng thường xuyên, liên tục hơn nữa. Nội dung tuyên truyền có thể lựa chọn phù hợp cho từng địa điểm, đối tượng tập trung trọng tâm trọng điểm. Chú ý hơn tại các chợ cần đảm bảo hơn nữa công tác vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, sắp xếp gọn gàng khu vực bãi gửi xe; tăng cường thêm các bảng, biển chỉ dẫn nhóm ngành hàng, bảng biển tuyên truyền Vệ sinh An toàn thực phẩm, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Xây dựng người Hà Nội thanh lịch – văn minh… tạo dựng môi trường văn minh lan toả trong Nhân dân.
Anh Thư