Văn hóa cơ sở

Cát Quế nơi mạch nguồn văn hóa không ngừng chảy

Nhắc đến xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, người ta nghĩ đến một vùng đất ven sông Đáy với truyền thống văn hóa đặc sắc và đặc sản nông nghiệp. Từ trung tâm Hà Nội, đi về hướng Tây chừng hơn chục kilômét là tới xã Cát Quế. Cát Quế được đặt tên bằng cách […]

Nhắc đến xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, người ta nghĩ đến một vùng đất ven sông Đáy với truyền thống văn hóa đặc sắc và đặc sản nông nghiệp.

Từ trung tâm Hà Nội, đi về hướng Tây chừng hơn chục kilômét là tới xã Cát Quế. Cát Quế được đặt tên bằng cách ghép tên hai làng Cát Ngòi và Quế Dương. Nơi đây có di chỉ khảo cổ Vinh Quang nổi tiếng từ thời văn hóa Phùng Nguyên cách nay trên 3000 năm. Ở Cát Quế, cụ thể là làng Quế Dương có nét đặc trưng văn hóa mà không làng nào có được, đó là ở mỗi xóm có đều có một cái Điếm. Điếm dùng làm nơi thờ cúng và hội họp, vui chơi của nhân dân. Xã có các di tích văn hóa, lịch sử đã được xếp hạng như quán Vật, đền Mẫu, chùa Đại Bi, chùa Vĩnh Phúc…Chùa Đại Bi tên nôm là chùa Bái nằm ở phía bắc xã, hiện có một bệ tam thế bằng đá từ thời Trần năm 1374, một trong ba bệ cổ nhất Việt Nam trong hệ thống bảy bệ đá trên toàn quốc. Ngoài ra có một quả chuông thời Tây Sơn năm 1798, một khánh đồng đúc năm 1816. Phía hậu điện của chùa có hai tòa Tái Động miêu tả cảnh các tầng địa ngục vô cùng sinh động và độc đáo. Phía nam của xã có chùa Vĩnh Phúc tên Nôm là chùa Vắng, nếu chùa Đại bi nổi danh với bệ đá thời Trần thì chùa Vĩnh Phúc lại nổi tiếng với bệ thờ Đất nung thời Mạc hiếm hoi còn sót lại ở Việt Nam. Trong khuôn viên các di tích đều ngự trị những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Năm 2013, UBND xã Cát Quế đã tổ chức Lễ vinh danh cho 4 cây cổ thụ của địa phương được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận Cây Di sản Việt Nam: Cây Đại hơn 700 năm ở chùa Đại Bi, cây Đa rừng gần 1000 năm ở cổng làng Cát Ngòi, cây Đa lông hơn 400 năm ở đền Mẫu, và cây Nhãn hơn 150 năm ở đền Vật. Từ đó đến nay, địa phương luôn quan tâm tới việc bảo vệ cảnh quan môi trường, chăm sóc, giữ gìn những cây cổ thụ nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ biết ơn các bậc tiền nhân, tự hào về truyền thống của quê hương mình.

Trong xã có các lễ hội truyền thống mang đậm nét dân gian như hội Đền Mẫu thờ công chúa Liễu Hạnh diễn ra từ ngày 1- 3/3 âm lịch. Lễ hội này chỉ có thiếu nữ và các cụ bà tham gia. Ngoài ra, 5 năm Cát Quế lại tổ chức đại đám hội đền Vật (hay còn gọi là quán Vật, đình Đấu ) diễn ra từ 14-16/1 âm lịch các năm có số cuối là 0 hoặc 5.Tương truyền khi tướng quân Phạm Tu (một tướng của Lý Nam Đế, do có công dẹp giặc nên được ưu ái mang họ cuả vua, gọi là Lý Phục Man) theo Lý Bí dẹp giặc. Ông chọn khu đất này làm nơi luyện tập võ nghệ cho quân sĩ. Rất nhiều môn võ được truyền dạy ở nơi đây nhưng đến nay chỉ còn lưu lại môn vật. Vào mỗi dịp Cát Quế tổ chức hội vật, đô vật các nơi nô nức về tranh tài. Câu ca:  “Đông Anh, Thạch Thất đã tài /Vẫn thua Cát Quế một vài anh đô”. Từ cái nôi này, đã có biết bao đô vật đủ mọi lứa tuổi góp mặt trên các đấu trường, mang danh thơm về cho “đất vật”. Cát Quế đã đào tạo, rèn luyện nhiều vận động viên vật nổi tiếng, giành nhiều Huy chương hạng cao trong nước và Quốc tế như VĐV Lê Duy Hợi, VĐV Lê Tiến, VĐV Nguyễn Doãn Nam… Đặc biệt, VĐV Nguyễn Huy Hà  giành 3 Huy chương Vàng hạng cân 54kg tại 3 kỳ Seagame 25 (năm 2009), Seagame 26 (năm 2011) và Seagame 27 (năm 2013).

Không chỉ là vùng quê có truyền thống văn hóa đặc sắc, người dân Cát Quế càng thêm tự hào khi được thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất trù phú làm nên thương hiệu bưởi đường Quế Dương. Theo các cụ cao niên kể lại thì bưởi đường này ngày xưa quả rất to (khoảng 1-1,5kg) được dùng để “Tiến Vua” và được các vị vua chúa rất yêu thích. Từ một cây bưởi “tổ” tuổi thọ hơn 70 năm của cụ Nguyễn Thị Minh ở thôn Tam Hợp, đến nay giống bưởi quý Quế Dương được nhân rộng hàng chục ha, được coi là loại cây mũi nhọn siêu lợi nhuận. Bưởi Quế Dương có đặc điểm ưu việt là quả to, mọng nước, khi chín vỏ vàng rất đẹp, tôm ráo, vị ngọt vừa nên được nhiều người ưa chuộng. Năm 2010, Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học Nông Nghiệp Việt Nam) phối hợp với Hội Nông dân huyện Hoài Đức triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn gen bưởi chín sớm vùng lũ sông Đáy, huyện Hoài Đức trên địa bàn xã Cát Quế. Năm 2014, bưởi đường Quế Dương được công nhận “Nhãn hiệu tập thể”.

Cát Quế hôm nay đang trên đà phát triển, nhưng mạch nguồn văn hóa đặc sắc của địa phương vẫn được người dân gìn giữ, phát huy.

1

                              Hội đền Vật luôn thu hút  đô vật các nơi về tranh tài

Tuấn Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *