Văn hoá đời sống

Cầu Long Biên – biểu trưng mang giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội

Hơn một thế kỷ trôi qua, những giá trị từ quá khứ oai hùng của Hà Nội vẫn lắng đọng trên từng nhịp cầu. Cầu Long Biên trở thành “chứng nhân lịch sử”  gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô và mãi đẹp trong tâm thức người Hà Nội. 

Cầu Long Biên – cây cầu huyết mạch nối đôi bờ sông Hồng, trải qua bao thăng trầm vẫn sừng sững, hiên ngang, trở thành một trong những biểu tượng đặc trưng độc đáo về lịch sử, văn hóa của Hà Nội.

Cầu Long Biên trở thành “chứng nhân lịch sử” đồng hành cùng Thủ đô hơn 100 năm qua.

 Ảnh minh họa

Khi tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ Nhất ở Việt Nam, Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer đã lên ý tưởng xây một cây cầu lớn bằng thép bắc qua sông Hồng nối liền giao thông từ Hà Nội đi Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai và các tỉnh phía Bắc. Sau 3 năm xây dựng (1899-1902), cây cầu hoàn thành có chiều dài 2.290m qua sông và 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ, trông như “con rồng xanh bắc ngang qua dòng nước, như dải cầu vồng đỡ lấy bầu trời”. Cầu có một làn đường sắt chạy ở giữa và hai bên là hai làn đường bộ.  Vào thời điểm đó, cây cầu là niềm tự hào của cả xứ Đông Dương thuộc địa. Cùng với việc khánh thành cầu, Toàn quyền Đông Dương đã cho phép tuyến đường sắt từ Hà Nội đi biên giới Việt – Trung, đoạn Hà Nội – Gia Lâm được đưa vào khai thác từ ngày 8/4/1902. Ban đầu, cầu mang tên Paul Doumer nhưng Nhân dân ta thường gọi là cầu sông Cái hoặc cầu sông Hồng. Khi cả Hà Nội mới có duy nhất cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, mọi phương tiện ôtô, tàu hỏa, xe máy, xe thô sơ, khách bộ hành đều đi chung trên cây cầu này.

Hình ảnh cầu Long Biên mãi đẹp trong tâm thức người Hà Nội.

 Ảnh minh họa

Cầu Long Biên trở thành huyết mạch chiến lược giao thông oằn mình chịu đựng những tàn phá của chiến tranh. Cầu từng bị nghiêng vì những dòng chiến xa của thực dân Pháp điều quân từ trong thành phố sang sân bay Gia Lâm tăng cường cho chiến trường Điện Biên Phủ. Năm 1954, cầu Long Biên tiếp tục chứng kiến đoàn quân viễn chinh Pháp rút khỏi Hà Nội; đồng thời đón bộ đội ta hùng dũng tiến vào tiếp quản Thủ đô trong không khí hân hoan chào đón của hàng vạn đồng bào. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ, cầu Long Biên là cây cầu duy nhất trong hành trình chở hàng hóa bằng đường bộ, đường sắt từ cảng Hải Phòng, từ biên giới phía Bắc về Hà Nội và tỏa ra các nẻo đường lớn, nhỏ chi viện cho chiến trường miền Nam. Vì thế, từ năm 1965 – 1972, máy bay Mỹ đã 14 lần ném bom hòng phá hủy cây cầu. Bộ đội công binh, phòng không Việt Nam và dân quân tự vệ Hà Nội đã xây dựng nhiều trận địa pháo phòng không, ngày đêm túc trực chờ máy bay Mỹ bổ nhào là nhả đạn, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng và trận địa để bảo vệ cây cầu. Cầu Long Biên không chỉ là biểu tượng kiên cường của giao thông Việt Nam mà còn tượng trưng cho sự hiên ngang, dũng cảm của Thủ đô Hà Nội trong những năm tháng chống Mỹ. Hòa bình lập lại, chiếc cầu già nua đầy mình thương tích tiếp tục chịu sức nặng ngày càng tăng cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước đến khi hai cây cầu mới là Thăng Long và Chương Dương hoàn thành. Do thời gian sử dụng đã lâu và hàng ngày phải “gồng gánh” hàng nghìn lượt phương tiện qua lại nên cầu bị xuống cấp nghiêm trọng. Cây cầu vẫn đang trong quá trình sửa chữa, nâng cấp theo dự án bảo trì, nâng cấp sửa chữa cầu đến năm 2025.

Hơn một thế kỷ trôi qua, những giá trị từ quá khứ oai hùng của Hà Nội vẫn lắng đọng trên từng nhịp cầu. Cầu Long Biên trở thành “chứng nhân lịch sử”  gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô và mãi đẹp trong tâm thức người Hà Nội.

Mai Chi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *