Ngày 18/4, tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ diễn ra khai mạc trưng bày “Chân trần chí thép” nhân kỷ niệm 43 Ngày Giải phóng miền Nam 30/4/1975 – 30/4/2018
Theo đó, nhân kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2018); 64 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2018); 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề: “Chân trần chí thép”.
Trưng bày là dịp để người dân Việt Nam được sống lại những phút giây hào hùng của lịch sử dân tộc; được trở về cuộc sống đầy khốc liệt của chiến tranh. Với những câu chuyện đầy cảm xúc về ý chí sắt đá, lòng quả cảm của những người con ưu tú đã quyết tâm đi theo lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Trưng bày được chia thành 4 nội dung: Theo dấu chân Người, Từ trong tù ngục, Chân trần chí thép và Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Với phần nội dung được biên tập công phu, cùng những giải pháp trưng bày mới, với tông màu của thời gian như những thước phim tư liệu quay chậm, gợi cảm giác xưa cũ sẽ mang lại sự hấp dẫn cho người xem.
Bên cạnh đó, hai tổ hợp “Mốc son Điên Biên Phủ – 1954” và “Sử vàng đại thắng – 1975” là điểm nhấn chính trong trưng bày. “Mốc son Điên Biên Phủ – 1954” là khí thế sục sôi của lực lượng dân quân biến xe đạp thồ trở thành phương tiện vận chuyển vũ khí, lương thực, nhu yếu phẩm tiếp tế cho các chiến sỹ ở chiến trường. Trong khi đó, tổ hợp “Sử vàng đại thắng – 1975” lại tái hiện một trạm giao liên – nơi dừng chân trên đường hành quân vượt Trường Sơn của hàng triệu người lính. Qua hai tổ hợp, những người lính Điện Biên Phủ và những người lính vượt Trường Sơn sẽ gặp lại hình ảnh của mình trên chặng đường hành quân ra trận; được ngắm nhìn những vật dụng quen thuộc như chiếc võng, ba lô, mũ cối, bi đông… cùng cây đàn ghi-ta đã theo chân những người lính ra trận.
Tại buổi khai mạc trưng bày chuyên đề “Chân trần chí thép”, mọi người sẽ được gặp lại thân nhân của các vị tướng Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Trần Tử Bình,… Chứng kiến Lễ trao tặng hiện vật cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò của Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương; Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Minh và việc ký kết Biên Bản ghi nhớ về công tác giáo dục và tuyên truyền giữa Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò với Trung đoàn 375, Bộ tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an.
Thông qua hơn 250 hình ảnh, hiện vật… được trưng bày, những câu chuyện thời chiến càng thêm chi tiết, sống động giúp chúng ta thêm thấu hiểu sự gian khổ, khốc liệt của chiến tranh; bồi đắp hơn nữa niềm tự hào dân tộc, tôi luyện cho mình thêm ý chí, hoài bão để cùng nhau góp sức đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trà My
Theo MaskOnline