Mỗi người một môn, một thời kỳ, nhưng điểm chung của họ là đều sở hữu những tài năng, thành tích đặc biệt để trở thành biểu tượng của Thể thao Hà Nội nói riêng và Thể thao Việt Nam nói chung trong mỗi thời kỳ. Cổng thông tin Sở VHTT xin trân trọng giới thiệu đến độc giả – 5 người “nữ tướng” ấy…
1. Nguyễn Thị Mai (bóng bàn)
Sinh năm 1948 và đến với bóng bàn năm hơn 10 tuổi chỉ vì tại nơi ở – Khu tập thể Bộ Tài chính có cái bàn bóng để mọi người đánh phong trào. Chính từ cái bàn bóng “giải khuây” ấy, một trong những ngôi sao sáng nhất của làng bóng bàn Việt Nam đã tỏa sáng. Năm 1964, tức mới chỉ 16 tuổi, Nguyễn Thị Mai đã được tham dự giải mời ở Bắc Kinh (Trung Quốc) và giành giải nhất nhóm dưới sau khi hạ các cao thủ đến từ CHDCND Triều Tiên, Ấn Độ, Malaysia. Thành tích quốc tế đáng kể nhất của chị là lọt vào nhóm 16 tay vợt mạnh nhất tại giải vô địch châu Á lần thứ nhất năm 1982 và cũng trong năm đó, Nguyễn Thị Mai còn cùng đồng đội giành hạng 6 ASIAD ở New Dehli (Ấn Độ).
Đạt tới đẳng cấp châu lục, dĩ nhiên, ở đấu trường trong nước Nguyễn Thị Mai cũng không có đối thủ xứng tầm mà bằng chứng là 15 chức vô địch trong 18 lần dự giải miền Bắc và giải vô địch toàn quốc sau ngày đất nước thống nhất. Gác vợt từ năm 1984, Nguyễn Thị Mai lại miệt mài với công tác huấn luyện mà theo chị là để kéo dài niềm đam mê với trái bóng nhựa của mình.
2. Ngô Ngân Hà (bắn súng)
Nếu Nguyễn Thị Mai là 1 trong những gương mặt xuất sắc nhất vào thập niên 60-70, thì Ngô Ngân Hà xứng đáng là đại diện tiêu biểu cho giai đoạn thể thao nước nhà ở thời kỳ bắt đầu trở lại, hội nhập với đấu trường quốc tế.
Cũng đến với thể thao từ phong trào rồi sự nghiệp thể thao sớm bùng nổ khi gắn nghiệp với cây súng. Trước khi cùng đoàn Thể thao Việt Nam lần đầu tham dự SEA Games 1898, Ngô Ngân Hà đã là kỷ lục gia ở 2 nội dung sở trường là: Súng trường tiêu chuẩn nữ nằm bắn và ba tư thế. Năm 1984, chị lần đầu có mặt trong danh sách VĐV tiêu biểu toàn quốc khi bắn chỉ kém kỷ lục thế giới có 7 điểm tại nội dung súng trường tiêu chuẩn nữ nằm bắn trong cuộc thi quốc tế tổ chức ở Moscow (Liên Xô cũ).
Và ngay ở kỳ SEA Games đầu tiên đó, nữ xạ thủ đất Hà Thành đã đi vào lịch sử thể thao nước nhà khi giành tấm HCV cá nhân duy nhất cho đoàn Thể thao Việt Nam cùng 1 HCV đồng đội nữ. Tiếp tục là trụ cột của phân đội súng trường nữ, sự nghiệp thi đấu quốc tế của Ngô Ngân Hà còn kéo dài đến tận SEA Games 19 tại Indonesia vào năm 1997 (5 kỳ SEA Games liên tiếp). Và với tổng cộng 6 HCV, chị là VĐV giàu thành tích nhất của TTVN tính đến trước khi bị kình ngư trẻ Ánh Viên vừa phá tại SEA Games 2015 với kỳ tích 8 HCV.
3. Nguyễn Thúy Hiền (Wushu)
Bằng phương thức “đi tắt đón đầu” vào thập niên 90, Thể thao Hà Nội không chỉ vươn lên chiếm lĩnh vị trí số 1 trên bản đồ thể thao quốc gia mà còn góp phần quan trọng giúp Thể thao Việt Nam tạo nhiều kỳ tích mới trên đấu trường quốc tế. Và một trong những kỳ tích đó mang tên Nguyễn Thúy Hiền.
Đó là vào năm 1993, Nguyễn Thúy Hiền đã mang về chức vô địch thế giới đầu tiên cho thể thao nước nhà khi giành tấm HCV ở nội dung Đao thuật. Theo thống kê, ngoại trừ lần tay trắng ở ASIAD 1994, tổng cộng Thúy Hiền đã giành được 7 HCV thế giới, 2 HCV châu Á, 2 HCV Đông Nam Á, và 8 HCV ở các kỳ SEA Games đã tham dự.
6 lần được bầu chọn là VĐV tiêu biểu cùng đủ bộ Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba – Cùng với xạ thủ huyền thoại Trần Oanh đại diện cho nam, Thúy Hiền được bầu chọn làm “VĐV nữ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ XX”. Hiện cô là đang là và trọng tài môn Wushu cho Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội.
4. Vũ Bích Hường (điền kinh)
Nếu phải tìm một tấm gương về nghị lực sống và cống hiến cho thể thao, thì đó hẳn phải là Vũ Bích Hường – người mà cho đến lúc này vẫn gọi chị là “con linh dương” không bao giờ gục ngã trước những rào cản cả trên đường chạy, lẫn đường đời.
Với những tố chất trời cho, không khó để Bích Hường tỏa sáng trên đường chạy rào nữ khi chỉ vào năm 18 tuổi chị đã phá vỡ kỷ lục quốc gia cự ly 100m rào nữ. Khó khăn trong cuộc sống khiến Bích Hường phải nghỉ, tưởng chừng như dứt nghiệp, nhưng rồi khi trở lại, chị lại chiếm ngôi số 1 và thực sự bùng nổ tại SEA Games 1995 (tại Chiang Mai, Thái Lan) khi đánh bại Elma Muros của Philippines, người được coi là “độc cô cầu bại” ở khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ, để viết lên trang sử mới cho điền kinh nước nhà bằng tấm HCV đầu tiên.
Vậy mà gian khó dường như vẫn bủa vây lấy chị, các kỳ SEA Games sau, Bích Hường không thể thắng nổi Trecia Robert, một VĐV Mỹ nhập quốc tịch Thái Lan. Rồi ngay cả khi giã nghiệp, tai ương vẫn ập xuống, chồng mất, con bệnh, nợ nần… bản thân chị cũng bị tai nạn phải tập đi lần dò từng bước. Nhưng không bao giờ gục ngã, không nửa lời than trách, Bích Hường vẫn mạnh mẽ bước đi với bao niềm hy vọng lại được đặt vào cậu con trai Ngọc Quang cũng theo nghiệp chạy rào của mẹ.
5. Đỗ Thị Ngân Thương (Thể dục dụng cụ)
Là một “sản phẩm” hoàn hảo của quá trình đào tạo chuyên nghiệp khi theo Thể dục dụng cụ chuyên nghiệp từ năm 6 tuổi. Và những tháng ngày dài “không tuổi thơ” với các chuyến tập huấn, thi đấu, Ngân Thương đã trở thành tượng đài mới của Thể thao nước nhà với 7 tấm HCV qua 3 kỳ SEA Games tham dự cùng rất nhiều thành tích khác.
Nhưng câu chuyện đáng nói nhất của cô gái được mệnh danh là Búp bê thể dục này không phải là vậy. Năm 2008, sự cố do-ping do thiếu kiến thức trong việc dùng thuốc đã khiến Ngân Thương bị loại khỏi Olympic Bắc Kinh và bị cấm thi đấu 1 năm. Những tưởng sự cố đó sẽ là dấu chấm hết, nhưng bằng nghị lực của mình, Ngân Thương đã đứng lên đúng ở chỗ đã ngã khi tiếp tục giành quyền tham dự chính thức Olympic London 2012.
Chia tay sự nghiệp thi đấu năm 2013 để chuyển qua làm công tác huấn luyện, nhưng tình yêu mà Ngân Thương giành cho Thể dục thì vẫn còn nguyên vẹn. Và đó là lý do cô búp bê nhỏ tạo nên cơn sốt thực sự khi tham gia thi đấu tại giải vô địch Aerobic châu Á 2015 tại TP HCM dù chỉ với phần thi Aerobic Dance.
Ngọc Minh