Điện ảnh

Chiếu phim miễn phí tại chuỗi hoạt động “Điện ảnh như một Di sản văn hoá”

Giới thiệu các khả năng về công nghệ và thực hành làm phim xung quanh các tư liệu lưu trữ, Hội đồng Anh phối hợp với Viện Phim Việt Nam mang đến cho chông chúng 4 buổi chiếu phim miễn phí tại rạp Quốc gia (Hà Nội).

    Trích đoạn phim ‘Đến hẹn lại lên’ (1974), Đạo diễn Trần Vũ – Viện Phim Việt Nam.

Dù thường không được chính thức nhìn nhận như một di sản văn hóa phi vật thể nhưng phim, video và các dạng thức hình ảnh động khác đóng vai trò như một phương tiện quan trọng của cuộc sống thường ngày, đóng góp vào các nỗ lực của chúng ta trong việc ghi lại và diễn giải lịch sử – của cộng đồng cũng như của cá nhân. Việc bảo tồn và lan tỏa các tư liệu lịch sử này phụ thuộc nhiều vào các quy trình lưu trữ, phục chế và quảng bá phim và video. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều các hoạt động và đầu tư cho các công việc này. Cũng như các quốc gia khác trong khu vực và quốc tế, một mối quan tâm mới cho lịch sử điện ảnh địa phương đã xuất hiện ở Việt Nam. Với nhiều người, phim như một cỗ máy thời gian, đưa đến cơ hội để nhìn lại các ký ức và quá khứ tái hiện trên màn ảnh rộng, qua đó có một cái nhìn thú vị vào tương lai.

Đóng góp vào mục tiêu chung của dự án Di sản kết nối, Hội đồng Anh tại Việt Nam phối hợp cùng Viện Phim Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động ‘Điện ảnh như một Di sản văn hóa’ bao gồm các hoạt động hội thảo, workshop chuyên môn và các buổi chiếu phim dành cho công chúng. Các buổi chiếu phim sẽ diễn ra vào 19h30 từ 15/01/2019 đến 18/01/2019 tại Phòng chiếu 2, Trung tâm Chiếu phim Quốc Gia, 87 Láng Hạ, Hà Nội, bao gồm hai bộ phim kinh điển của Việt Nam là ‘Đến hẹn lại lên’ (1974, đạo diễn Trần Vũ) và ‘Mùa ổi’ (2000, đạo diễn Đặng Nhật Minh) với bản phim chất lượng 2K do Viện Phim Việt Nam số hóa. Ngoài ra là ‘Scotland thân thương’ (2014, đạo diễn Virginia Heath – phim tài liệu về cuộc sống tại Scotland được thực hiện hoàn toàn dựa trên các tư liệu lưu trữ) và bộ phim kinh điển Shiraz: ‘Trường ca Ấn Độ’ (1928, đạo diễn Franz Osten, bản phục chế do Viện Phim Anh thực hiện).

Mùa ổi (2000), Đạo diễn Đặng Nhật Minh – Viện Phim Việt Nam.

Là một tác phẩm nổi tiếng của Điện ảnh Việt Nam những năm 70, ‘Đến hẹn lại lên’ là câu chuyện đầy cảm động quanh số phận một người con gái miền quê quan họ, cô Nết, ở quãng thời gian đầy biến động ngay trước cuộc Cách mạng tháng Tám bùng nổ.

Được dựng hoàn toàn từ các tư liệu hình ảnh quay tại Scotland, bộ phim ‘Scotland thân thương’ do nhà làm phim Virginia Heath thực hiện với phần nhạc phim xúc động của nhạc sỹ, nhà soạn nhạc người Scotland King Creosote. Như một hành trình về quá khứ, bộ phim xoay quanh các chủ đề quen thuộc về tình yêu và cuộc sống.

‘Trường ca Ấn Độ’ dựa trên mối tình lãng mạn giữa quốc vương Shah Jahan và nữ hoàng của ông trong triều đại Mughal thế kỷ 17, bộ phim câm này cũng là sử thi hùng tráng xoay quanh đằng sau quá trình hình thành của một trong những công trình kiến trúc biểu tượng nhất thế giới: Taj Mahal.

‘Mùa ổi’ (2000) lần theo những đổi thay của Việt Nam qua đôi mắt của một chàng trai hiền lành tử tế, Hòa (Bùi Bài Bình). Một tai nạn thời thơ ấu đã khiến đầu óc Hòa trở nên không bình thường, anh được chị mình (Lan Hương) chăm sóc hơn 30 năm. Luôn đắm chìm trong những hồi ức đẹp, Hòa bị thu hút và tìm về căn nhà cũ của cha anh, nay thuộc quyền sở hữu của con gái một doanh nhân. Họ đã vun đắp một tình bạn thầm lặng cùng nhau, song luôn gặp khó khăn bởi những hiểu nhầm của những người xung quanh.

PV

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *