Nếu chợ trời, chợ phiên mang đến nét đẹp cổ truyền cho thủ đô văn hiến thì sự xuất hiện của chợ Tây Hà Nội như mới mẻ, độc đáo và hấp dẫn hơn.
Hà Nội không thiếu siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, kể cả chợ phiên…, nhưng sự xuất hiện của chợ Tây khiến không ít người thích thú. Gọi là chợ nhưng thực ra khu trao đổi, buôn bán này chỉ là hai mảnh sân nhỏ, nằm đối diện nhau, lọt thỏm trong con ngõ trên đường Tô Ngọc Vân, Hà Nội.
Các loại rau ở chợ đều được đảm bảo về chất lượng và xuất xứ. Ảnh: dothi |
Chợ hội tụ đủ các yếu tố để được gọi là “Tây” như do người nước ngoài sáng lập, người bán kẻ mua chủ yếu là Tây. Chợ còn thường xuyên mở những bản nhạc cổ điển du dương để tạo bầu không khí gần gũi. Tuy nhiên khi đến đây, bạn cũng sẽ thấy thấp thoáng hình ảnh chợ của làng quê Việt, như họp theo phiên, một tuần một lần, vào sáng thứ bảy và chỉ mở từ 9h đến 12h.
Khi mới sơ khai chợ chỉ có vài ba gian hàng, đến nay sau 4 năm hoạt động, chợ đã có gần 30 gian hàng, được xếp gọn gàng, bắt mắt để tiện tìm mua. Các sản phẩm khá đa dạng từ thực phẩm như bánh mì, mứt, rau củ, mật ong, trứng gà đến các loại đồ uống như rượu, trà, nước hoa quả.
Điểm đặc biệt là các mặt hàng đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Khách đến mua có thể yên tâm về những quả trứng và thịt gia cầm không tồn dư chất kháng sinh, hay rau sạch từ Thanh Xuân, Sóc Sơn, Đà Lạt. Được ưa chuộng nhất ở chợ Tây là mật ong Mèo Vạc do chất lượng hảo hạng và được kiểm soát từ khâu nuôi ong đến trồng hoa, lấy mật.
Chủ hàng luôn niềm nở tiếp khách bằng nụ cười thân thiện. Ảnh: Hải Ninh |
Không chỉ hấp dẫn bởi những sản phẩm sạch, tự nhiên, du khách đến chợ còn bị thu hút bởi sản phẩm thủ công độc đáo. Các bạn gái yêu thích sự phá cách có thể sắm cho mình những chiếc túi không đụng hàng làm từ chất liệu tự nhiên. Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn các loại tinh dầu và nước hoa rất Việt Nam khi được pha trộn với công thức riêng, độc đáo.
Cùng với rau quả và hàng handmade, sách cũng được bày bán ở đây, nhiều nhất vẫn là ấn phẩm bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Rất thú vị khi sách ở chợ Tây bán theo từng chủ đề, nếu tuần này là sách thiếu nhi thì tuần sau sẽ là sách về văn hóa. Nhờ vậy mà du khách đến chợ không cảm thấy nhàm chán và lúc nào cũng thấy những điều tươi mới ở đây.
Đến với phiên chợ này bạn không phải mặc cả vì giá được niêm yết để bán chứ không nói thách như các chợ khác. Thái độ phục vụ nhiệt tình và chu đáo của các chủ gian hàng ở chợ Tây cũng là điểm khiến nhiều người ấn tượng. Họ đến từ nhiều quốc gia, có người nói được tiếng Việt, có người không. Nhưng lối nói chuyện dí dỏm và thân thiện là điểm chung ở họ.
Đi chợ Tây cuối tuần còn là dịp để các gia đình có trẻ nhỏ vui chơi. Ảnh: dothi |
Bởi thế nhiều người đến chợ không đơn thuần chỉ để mua sắm mà còn để trò chuyện, giao lưu. Nếu những phiên chợ truyền thống người đi chợ chủ yếu là chị em thì ở phiên chợ Tây, bạn sẽ thấy có cả những gia đình cùng nhau đi chợ, như một cách để thư giãn và gắn bó với nhau hơn.
Đến với chợ cũng là dịp để bạn trau dồi thêm ngoại ngữ. Ở đây có những chủ hàng sống ở Việt Nam cả chục năm, nên ngoài tiếng bản địa họ còn rất thành thạo tiếng Việt. Chỉ cần bạn hỏi họ đôi điều về thành phần, công dụng của mặt hàng, bạn sẽ thu về được kha khá kiến thức, cùng với kỹ năng nghe nói tiếng Anh. Đừng ngần ngại với vốn từ hạn chế vì các “anh Tây” ở đây sẵn sàng chia sẻ và giải thích tận tình.
Thêm vào đó, đến với chợ Tây bạn còn có cơ hội chung tay góp sức với cộng đồng, bằng cách mua hàng trong một quầy bán đặc biệt, của nhóm phụ nữ nước ngoài. Họ bán không phải để thu lời mà nhằm quyên góp ủng hộ cho các trẻ em khuyết tật và mồ côi, với sản phẩm chủ yếu là quần áo cũ và một số đồ dùng khác do chính khách hàng quen mang đến góp chung.
Vy An