Mùa Xuân là mùa của chồi non, lộc biếc, mùa của sự sum họp yêu thương và là mùa của những thú chơi rất đặc trưng của người Hà Nội. Chơi chữ, xin chữ là một trong những thú chơi như vậy. Đó là một cách thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc và qua đó, cũng gửi gắm những mong muốn của con người về sự may mắn, bình an, về những điều tốt lành.
Chơi chữ thư pháp (chữ Hán hoặc chữ Việt) là một phong tục đẹp của người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng. Trải qua những biến động của lịch sử, những thay đổi của đời sống xã hội, việc xin chữ đã có nhiều thay đổi nhưng tên gọi của nó không thay đổi. Từ xưa, việc xin chữ được coi là việc linh thiêng, quan trọng, thường do người đàn ông trong nhà đảm nhiệm. Họ tìm đến những ông đồ để xin câu đối hay con chữ như ý, đem về nhà treo vào nơi trang trọng, dễ thấy, để cầu nguyện sự thành đạt cho cuộc sống nói chung và cho việc học hành thi cử của con trẻ nói riêng. Nhiều năm nay, vào những ngày đầu Xuân, đến với các ông đồ, người ta bỏ tiền ra để đặt các ông đồ viết chữ mà mình mong muốn. Người đi xin chữ là bất cứ thành viên nào trong gia đình. Mất tiền để có chữ về treo trong nhà nhưng người ta vẫn gọi là đi “xin chữ”, chứ không nói “mua chữ”. Phải chăng, đó cũng là một nét thanh tao mà người Hà Nội dành cho thú chơi hướng con người về các giá trị của Chân – Thiện – Mỹ này. Cách gọi “Xin chữ” phải chăng cũng là dụng ý nhằm bày tỏ sự đề cao, sự kính trọng đối với những con chữ.
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua…”
Không hiểu sao, mỗi lần đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một địa chỉ tin cậy của người Hà Nội trong thú chơi chữ, tôi lại cứ bâng khuâng, nghĩ đến những câu thơ quen thuộc của nhà thơ Vũ Đình Liên. Ông đồ hôm nay đã khác với ông đồ của ngày xưa. Họ không phải là ông đồ quanh năm chỉ có mỗi việc “gõ đầu trẻ” mà có thể làm nhiều ngành nghề, ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng điểm chung là họ yêu chữ thư pháp và đạt được trình độ nhất định về thư pháp.
Những bức thư pháp dù được viết bằng chữ Hán hay chữ Việt đều gửi gắm những mong ước của người xin chữ, đồng thời thể hiện đức – tài của ông đồ. Mỗi chữ đều chứa đựng những ngữ, nghĩa riêng, phải hiểu được ngữ, nghĩa mới xin về treo trong nhà. Thường những người yêu thư pháp trước khi đến với phố ông đồ đều đã định sẵn cho mình chữ cần xin. Có người cầu kỳ, đi dạo một vòng để lựa chọn ông đồ ưng ý mới xin chữ. Cũng có người, khi du Xuân, vì xúc cảm với giấy điều, mực tàu… mới nảy sinh ý định xin chữ.
Dù là có định trước hay những cảm xúc bất chợt thì vào dịp đầu năm, người ta thường xin những chữ chứa đựng sự may mắn, tốt lành: Phúc, Lộc, Đức, Thọ, An, Nhẫn, Tài, Tâm, Đỗ đạt, Thuận…Có chữ được viết bằng mực tàu trên giấy điều (hoặc in sẵn) nhưng cũng có những chữ được chạm khắc trên đồng, làm bằng vàng, bạc, đá quý… rất công phu và đắt đỏ. Tuy nhiên, chơi chữ, thì dù là chữ gì, trước nhất mỗi người cần có cái tâm trong sáng. Bởi như người xưa đã dạy “Khi tâm sáng thì mọi việc tất thành”.
Trong nhịp sống hối hả hôm nay, xin chữ, cho chữ là nét đẹp văn hóa rất cần giữ gìn, phát huy. Những nét chữ bay bổng, uốn lượn chứa đựng cả cái Tài, cái Tâm, cái Đức của người viết và những ước mong về những điều tốt đẹp của người nhận. Mong rằng, việc xin chữ – cho chữ luôn được giữ gìn, phát huy những nét đẹp thiêng liêng, trong sáng như thuở ban đầu.
Nguyễn Tâm