Đó là chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn trong buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao vừa qua.
Sáng 23/3, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn chủ trì làm việc với Đảng ủy, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Sở thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ thời gian tới. Cùng dự buổi làm việc có Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao, trong 3 tháng đầu năm, Đảng ủy Sở đã bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố, 8 chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy. Ngành Văn hóa và Thể thao cơ bản hoàn thành những nhiệm vụ chính trị, kế hoạch công tác đề ra như: Các nội dung, nhiệm vụ thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017”, Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020” được ngành tập trung chỉ đạo triển khai nghiêm túc, đảm bảo tiến độ, kế hoạch. Công tác tham mưu xây dựng, triển khai các văn bản trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao được chú trọng: Hoàn thiện, chỉnh sửa Quy chế quản lý, tổ chức hoạt động của Nhà Văn hóa – Thể thao thôn và tương đương trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030… trình UBND Thành phố.
Đặc biệt, ngành đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 và Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 10/3/2017 về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Triển khai tới các phòng, ban, đơn vị trực thuộc về về việc ký cam kết và tổ chức thực hiện Quy tắc ứng xử tại đơn vị.
Công tác tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội trên địa bàn thành phố đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và UBND quận, huyện, thị xã; Các sự kiện văn hóa, hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức an toàn, hiệu quả, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia. Các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế được tổ chức tốt góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh, nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội và đất nước…
Về những khó khăn vướng mắc của ngành, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động cho biết mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa chưa đủ sức răn đe; một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cố tình vi phạm các quy định trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, điển hình là vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo; thực hiện hoạt động kinh doanh karaoke khi chưa được cấp giấy phép hoạt động… gây ra những khó khăn cho công tác quản lý nhà nước của ngành. Số lượng nghệ sỹ, vận động viên đông, trình độ, nhận thức khác nhau, tư tưởng gặp những khó khăn; năng lực, nghiệp vụ, chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở cũng còn hạn chế.
Bên cạnh đó, Sở VH&TT cũng kiến nghị lãnh đạo Thành ủy quan tâm, chỉ đạo tăng cường nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với sự nghiệp quản lý, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa; tạo điều kiện thực hiện hoàn thành các đề án, dự án trong Chương trình 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”; đầu tư, quy hoạch, hoàn thiện các chỉ tiêu văn hóa cơ sở; giữ các thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến quận, huyện…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn nhấn mạnh: Hà Nội với vị thế là Thủ đô, trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục lớn của cả nước, chính vì thế, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính ngành văn hóa rất lớn và quan trọng. Thực tế, liên tục trong những nhiệm kỳ qua, Thành ủy đều có những Nghị quyết, chương trình riêng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Kết quả, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong lĩnh vực văn hóa – thể thao; nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của Hà Nội được bảo tồn, tôn vinh.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với ngành Văn hóa chính là sự sa sút trong văn hóa ứng xử; tình hình tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; việc phát huy, khai thác các cơ sở văn hóa đã được đầu tư còn hạn chế. Cùng với đó là chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; công tác quản lý nhà nước, kết quả xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa còn chưa đáp ứng yêu cầu…
Đồng chí Đào Đức Toàn đề nghị, trong thời gian tới, Sở cần chủ động, đổi mới, sáng tạo trong công tác tham mưu với Thành phố những chủ trương nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa – thể thao. Đặc biệt, với gần 6 nghìn di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn, đây là nguồn lực vô cùng to lớn và quý giá, Sở cần tham mưu để phát huy tốt hơn giá trị của các di tích này, góp phần phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh Thủ đô. Cùng với đó, quan tâm phát huy các hoạt động văn hóa, nhất là ở cấp cơ sở, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa từ Thành phố đến cơ sở đã được đầu tư, để từ đó xây dựng đời sống văn hóa văn minh, lành mạnh, trước hết là trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Đồng chí Đào Đức Toàn cũng lưu ý Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, chủ động quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận, tránh bị hẫng hụt cán bộ cũng như phai nhạt nhiệt huyết, quyết tâm và trách nhiệm với nghề. Đồng thời đồng chí cũng nhấn mạnh, những người làm công tác văn hóa, thể thao có sức tác động lớn đến cộng đồng, chính vì thế, cần phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị cũng như nơi công cộng vừa được Thành phố ban hành để tạo sự lan tỏa, đồng thuận trong xã hội.
PV
Ảnh: Internet
Theo MaskOnline