Chiều 27/12, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác văn hóa, thể thao Hà Nội năm 2023. Tới dự và chủ trì Hội nghị có: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại 4 điểm cầu: Trụ sở UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các phường, xã, thị trấn.
Toàn cảnh Hội nghị
Năm 2022, bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại các chương trình, nghị quyết, kế hoạch công tác, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phát huy hiệu quả vai trò tham mưu, lãnh đạo, điều hành toàn ngành đổi mới phương thức quản lý, chủ động sáng tạo, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thuộc lĩnh vực phụ trách theo thẩm quyền, đạt kết quả nổi bật.
Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu ban hành và thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển Công nghiệp văn hóa; thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; Nghị quyết Số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô; Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐND về đầu tư công giai đoạn 2021-2025; thực hiện các cam kết với UNESCO khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức sâu, rộng từ thành phố đến cơ sở (các cuộc thi, liên hoan, các giải thi đấu thể thao) đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; Công tác bảo và phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục mang về nhiều kết quả nổi bật, với 33 di tích được đề nghị các cấp xem xét, xếp hạng; 579 di tích xuống cấp được đưa vào chương trình đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; 6 di sản văn hóa phi vật thể được thu thập, tổng hợp thông tin; hàng trăm sự kiện, hoạt động quảng bá di sản được tổ chức, góp phần thu hút trên 600 nghìn lượt khách tham quan, giúp doanh thu tại các điểm đến di sản vượt 94% kế hoạch được giao. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ghi dấu ấn với 88% gia đình, 63% thôn và 72% tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Sự tham gia đông đảo của lực lượng văn nghệ sĩ, vận động viên Hà Nội đã tạo nên các đợt sinh hoạt sôi nổi, làm tăng sức hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của công chúng qua các phương tiện truyền thông, góp phần tạo nên các sản phẩm văn hóa, thể thao mang thương hiệu của Thủ đô, hướng tới mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hoá.
Phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, các hoạt động văn hóa cơ sở, công tác gia đình, thể dục thể thao được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo thực hiện hiệu quả hướng về cơ sở. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trọng tâm là xây dựng các mô hình văn hóa, 2 quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố bước đầu đã có kết quả, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh…
Công tác quản lý, phát triển hoạt động thể dục thể thao được quan tâm chú trọng, hoàn thành nhiệm vụ tham mưu tổ chức thực hiện Lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31 và nhiều giải thể thao quy mô quốc tế và khu vực. Tạo điều kiện cho các Hội, Liên đoàn thể thao, các CLB thể thao phát huy được tiềm năng thế mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ luyện tập thi đấu, nâng cao thành tích. Tại các giải thi đấu quốc tế, đặc biệt là SEA Games 31, thể thao Hà Nội luôn đóng góp khoảng 30% số lượng cán bộ, HLV, VĐV tham gia và giành hơn 30% tổng số Huy chương vàng của Đoàn thể thao Việt Nam, góp phần giữ vững vị trí Top 3 Đông Nam Á trong những kỳ SEA Games gần đây. Tháng 12/2022, tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, thể thao Hà Nội đã giành được vị trí Nhất toàn đoàn trên 63 tỉnh, thành phố.
Năm 2023, Ngành văn hóa thể thao Hà Nội đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Phát huy cao độ những giá trị văn hóa, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. Xây dựng phát triển toàn diện và đồng bộ trên các lĩnh vực văn hóa. Nâng cao thể lực, tầm vóc của các tầng lớp nhân dân trong tổ chức các phong trào rèn luyện thể thao; tập trung phát triển các môn thể thao thành tích cao; huy động tối đa mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh của toàn ngành để xây dựng sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Cũng tại hội nghị, đại diện các quận huyện đã nêu lên những kết quả nổi bật trong hoạt động văn hoá và thể thao như vấn đề về phát huy giá trị các không gian công cộng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; Phát huy giá trị nguồn lực văn hoá của Sơn Tây – Xứ Đoài; Kinh nghiệm của huyện Đông Anh trong công tác đầu tư, quản lý và phát huy các thiết chế văn hoá, thể thao góp phần xây dựng môi trường văn hoá cơ sở; phát triển nhanh, bền vững thể thao thành tích cao của Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị.
Tới dự và phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh dịch Covid-19, ngành văn hoá thể thao Hà Nội đã nỗ lực vượt khó vươn lên, đạt được nhiều kết quả khích lệ, trong đó có 5 điểm sáng”, đó là dấu ấn sâu đậm từ việc thay đổi tư duy và cách tiếp cận trong công tác quản lý Nhà nước về văn hóa; kết quả từ triển khai công nghiệp văn hóa trên địa bàn; bước tiến của thể thao thành tích cao cùng sức lan tỏa của thể thao quần chúng; kết quả trong đầu tư nâng cấp thiết chế văn hóa, tu bổ di tích… Với kết quả nêu trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị, trong thời gian tới, ngành văn hóa Thủ đô với tiền đề là Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” vừa được tổ chức, sẽ khẩn trương phối hợp, nghiên cứu, làm rõ hơn những vấn đề về nội hàm, đặc trưng văn hóa, con người của Thủ đô, từ đó, xây dựng những quy tắc, quy chế phù hợp, có định hướng để tuyên truyền, vận động lan tỏa trong xã hội.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị