Hà Nội đang khuyến khích các trung tâm văn hóa, thể thao hoạt động tự chủ hơn
Hà Nội đang khuyến khích các trung tâm văn hóa, thể thao hoạt động tự chủ hơn, tạo cơ hội cho các trung tâm chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động của mình để các thiết chế văn hóa thể thao phát huy được hiệu quả trong quá trình hoạt động.
Chưa đa dạng trong tổ chức các hoạt động
Đối với thiết chế văn hóa, thể thao ở cấp quận, huyện, thị xã, theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Thành phố hiện có 26 đơn vị Văn hóa Thể thao thuộc quản lý của UBND Thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành, đoàn thể. Cấp huyện có 26/30 quận, huyện, thị xã có đủ thiết chế văn hóa, thể thao. Còn 3 huyện Ứng Hòa, Quốc Oai, Chương Mỹ chưa có Trung tâm văn hóa; quận Nam Từ Liêm còn thiếu cả Trung tâm văn hóa và Trung tâm thể dục thể thao.
Nhược điểm lớn nhất của các Trung tâm văn hóa (TTVH) quận, huyện là được xây dựng theo mô hình cũ, thường chỉ có một hội trường lớn, một khu hành chính và một số phòng họp nhỏ. Hội trường lớn không được sử dụng thường xuyên nhưng lại thiếu những phòng sử dụng cho các hoạt động chuyên đề, thiếu phương tiện cho những hoạt động nghệ thuật mang tính chuyên môn cao hơn. Có rất ít các TTVH quận, huyện có khu hoạt động ngoài trời. Cơ sở vật chất yếu kém, nơi làm việc chưa bảo đảm vì thế khó để thực hiện các hoạt động dịch vụ văn hóa khác.
Chính vì vậy dẫn đến thực tế là TTVH nào được đầu tư tốt, vị trí đẹp, nằm trong khu vực dân cư có điều kiện kinh tế phát triển, trung tâm đó sẽ dễ tổ chức các hoạt động hơn. Hoạt động của TTVH vẫn còn phụ thuộc nhiều vào kế hoạch, nhiệm vụ và kinh phí từ các cấp, ban ngành, nhiều hoạt động chỉ mang tính hình thức, thực hiện theo kế hoạch, thiếu tính sáng tạo nên chưa thực sự bổ ích, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng sống và đời sống văn hóa của cộng đồng.
Ngoài ra, hoạt động của các TTVH chủ yếu gói gọn trong hai mảng chính là thông tin tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị và hoạt động thư viện. Nhưng các hoạt động này cũng rất thụ động chủ yếu thực hiện theo nhiệm vụ và kế hoạch của quận, huyện. Hoạt động văn hóa văn nghệ cũng chỉ là kỳ cuộc, phục vụ các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn, mà ít nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa của cộng đồng nên sức lôi cuốn đối với người dân chưa cao.
Còn đối với các hoạt động của Trung tâm thể dục thể thao (TDTT), phần lớn mới theo kế hoạch, nhiệm vụ được giao, khá máy móc, ít tính sáng tạo, chủ yếu là thực hiện việc xây dựng, huấn luyện, bồi dưỡng phát triển các môn TDTT cho thi đấu, mở các lớp thể thao cơ bản cho các đối tượng nghiệp dư, đào tạo hướng dẫn viên thể thao và hỗ trợ về chuyên môn cho các hoạt động TDTT cơ sở trên địa bàn. Chính vì vậy, nhiều Trung tâm có cơ sở vật chất tốt, cán bộ trẻ, năng động nhưng chưa khai thác được hết nguồn nội lực này cho các hoạt động, một mặt đáp ứng nhu cầu TDTT của người dân, mặt khác tạo nguồn thu chính đáng cho trung tâm.
Khuyến khích đa dạng hoạt động phục vụ thị trường
Hiện nay, việc quy hoạch xây dựng, tiêu chí, yêu cầu về cơ sở vật chất được thống nhất từ cấp thành phố, nhưng việc triển khai thực hiện là do mỗi quận, huyện nên vấn đề đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao không đồng đều. Tùy điều kiện kinh tế, mức độ quan của mỗi quận, huyện mà vấn đề đầu tư khác nhau. Có nơi diện tích lớn nhưng chưa có kinh phí đủ để xây dựng; có nơi có kinh phí đầu tư xây dựng nhưng lại chưa đủ để hoàn thiện; có nơi đủ kinh phí hoàn thiện cái vỏ thì lại không có kinh phí đầu tư trang thiết bị bên trong….
Ngoài ra, sự khác biệt về nhu cầu và thói quen sinh hoạt văn hoá của các nhóm xã hội giữa nội thành và ngoại thành là một trong những yếu tố quan trọng nhất chi phối nội dung, phương thức và hiệu quả hoạt động của các TTVH quận, huyện. Việc đầu tư cơ sở vật chất tốt là một điều kiện thuận lợi cho TTVH quận, huyện hoạt động nhưng việc định hướng tổ chức các hoạt động gì lại phải phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và thói quen của người dân trên mỗi địa bàn.
Với những huyện ngoại thành, văn hoá truyền thống còn được duy trì khá tốt, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng tại các TTVH vào các kỳ cuộc cụ thể vẫn có khả năng thu hút người dân đến tham gia, nhưng nếu tổ chức các hoạt động thường nhật tại đây thì sẽ khó khăn. Ở các quận nội thành, kinh tế dịch vụ rất phát triển, tính cộng động đang giảm mạnh, nhu cầu hưởng thụ cao hơn, các hoạt động thường kỳ dễ thu hút người dân hơn, nhưng các chương trình kỷ niệm, văn nghệ quần chúng theo kỳ cuộc hay các hoạt động vận động tuyên truyền ít được người dân nội thành hồ hởi tham gia.
Các TTVH hiện nay hoàn toàn dựa vào nguồn ngân sách của quận/huyện, các trung tâm thể thao bên cạnh nguồn ngân sách được cấp, một số Trung tâm cũng đã từng bước xã hội hóa bằng việc cho thuê sân vận động, nhà thi đấu để tập luyện, thi đấu, đã bước đầu có sự kết hợp giữa phong trào TDTT của Trung tâm với các doanh nghiệp để huy động kinh phí tổ chức các hoạt động, đồng thời cũng bắt đầu có các hoạt động quảng bá các loại hình dịch vụ thể theo để thu hút người dân.
Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội hiện đang hoàn thiện đề án: “Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từ thành phố đến cơ sở” để tổng hợp lại thực trạng hệ thống thiết chế văn hoá của Thành phố, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao trên địa bàn Hà Nội cho đến năm 2020.
Đề án sẽ xác định các giải pháp để phát huy được tối đa công năng, nhiệm vụ của mình các thiết chế văn hóa, thể thao, nâng cao chất lượng các hoạt động làm sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, đáp ứng được nhu cầu văn hóa của cộng đồng. Trong đó, cần phải có những kế hoạch hoạt động hết sức năng động để thu hút người dân, các tầng lớp cư dân khác nhau, các độ tuổi, các giới đến với các thiết chế văn hóa, thể thao, một mặt thỏa mãn nhu cầu nhân dân, một mặt tăng thêm nguồn kinh phí để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong quá trình hoạt động.
Theo thanglong.chinhphu.vn