Chùa Chòng tọa lạc tại làng Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa. Với vị trí là Trung tâm của ATK Xứ ủy Bắc Kỳ, chứng tích đặc biệt quan trọng của lịch sử, năm 2000, chùa Chòng chính thức được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia với tên gọi“Di tích cách mạng An toàn khu Xứ ủy Bắc kỳ – 1942 chùa Chòng – Trầm Lộng”.
Chùa Chòng (thường gọi là chùa Trầm) là một ngôi chùa cổ, được xây dựng vào thời nhà Lê (năm Giáp Thân – 1764), tọa lạc tại làng Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa. Với vị trí là Trung tâm của ATK Xứ ủy Bắc Kỳ, chứng tích đặc biệt quan trọng của lịch sử, năm 2000, chùa Chòng chính thức được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia với tên gọi“Di tích cách mạng An toàn khu Xứ ủy Bắc kỳ – 1942 chùa Chòng – Trầm Lộng”.
Chùa Chòng
Ảnh: Thanh Tú
Chùa Chòng gồm 5 gian Đại bái và 1 hậu cung, phía sau là nhà thờ Tổ. Theo nhiều nguồn tư liệu thì chuông chùa Chòng được đúc năm 1975. Quả chuông cao 1,12m; nặng 125kg; đường kính đáy 0,58m. Chữ Hán khắc xung quanh mặt chuông ghi năm đúc chuông và ghi nhận công đức của tín đồ phật tử đóng góp đúc chuông. Tiếng chuông khi thỉnh lên vang vọng rất xa và Nhân dân trong vùng truyền tụng câu ca: “Chuông Trầm, mõ Bái, trống cái làng Ngăm” để nói lên giá trị của quả chuông và ý nghĩa của tiếng “chuông Trầm”.
Trong thời gian từ 1942-1945, chùa Chòng được chọn làm an toàn khu (ATK) của Xứ ủy, Nhân dân xã Trầm Lộng đã nuôi giấu và bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Trung ương, Xứ ủy và Tỉnh ủy Hà Đông về dự họp như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Đỗ Mười…
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tại chùa Chòng (ảnh chụp trước khi có dịch COVID-19)
Ngày 10/01/1943 (âm lịch), sư bà Đàm Nhẫn trụ trì ở chùa tạ thế, Chi bộ Trầm Lộng lãnh đạo toàn bộ phụ lão cứu quốc, có 2 ông Lý Phẩm và Chủ Đàn làm cốt cán, vận động lão giới mời sư Lâm – một quần chúng cách mạng ở Kim Giang về trụ trì công việc nhà chùa. Cơ sở cách mạng ở chùa Choòng tiếp tục được củng cố, là địa điểm đưa đón cán bộ của Xứ ủy và Trung ương… Càng đấu tranh, khí thế cách mạng ở Trầm Lộng càng sôi sục. Ngôi chùa vẫn là trạm giao liên đưa đón, nuôi giấu cán bộ về quê hương hoạt động. Đêm nào cũng có lực lượng tuần phiên, canh gác bảo vệ khu vực chùa. Tại hội nghị Tỉnh ủy, ngày 18/3/1945, ở thôn Viên Nội sau khi quán triệt và bàn kế hoạch thực hiện chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về việc “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Hội nghị phân công đồng chí Đỗ Mười, Tỉnh ủy viên phụ trách phía Nam hai huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức. Sau hội nghị Tỉnh ủy, đồng chí Đỗ Mười về Trầm Lộng, lấy nơi đây làm trung tâm, từ đó chỉ đạo phong trào cách mạng vùng nam Ứng Hòa, nam Mỹ Đức. Chùa Chòng đã trở thành địa điểm liên lạc tập trung trong các cuộc mít tinh, tập dượt cho cuộc tổng khởi nghĩa.
Ngày 10/8/1945, trong cuộc đấu tranh chống lính Nhật về cướp thóc ở Trạch Xá (Ứng Hòa), đồng chí Đỗ Mười đã nổi hồi chuông chùa Chòng làm hiệu lệnh, huy động lực lượng và nhân dân Tổng Trầm phối hợp đánh và bắt gọn cả tiểu đội lính bảo an của địch, đưa cuộc đấu tranh đến thắng lợi. Sáng ngày 17/8/1945, đồng chí Đỗ Mười đã đọc Quân lệnh khởi nghĩa, huy động lực lượng quần chúng từ khắp nơi kéo về đánh chiếm phủ đường, làm chủ phủ lỵ Ứng Hòa. Đồng chí Đỗ Mười nổi hồi chuông dài, là mệnh lệnh cho vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền ở Ứng Hòa. Sau khi tiếng chuông chùa vang lên, đông đảo Nhân dân và lực lượng vũ trang Trầm tập hợp thành hàng ngũ chỉnh tề, hối hả tiến về thôn Tảo Khê, hợp lực với các đoàn bạn từ tổng Đại Bối, Phù Lưu, Đạo Tú… nghe đồng chí Đỗ Mười đọc Quân lệnh khởi nghĩa, phổ biến kế hoạch đánh chiếm phủ lỵ. Lệnh tiến quân vừa dứt, đội quân Trầm Lộng cùng với đơn vị bạn tiến về Hoàng Xá, nhanh chóng xông vào chiếm phủ đường. Cuộc khởi nghĩa chiếm phủ Ứng Hòa giành thắng lợi. Ngày 18/8/1945, Nhân dân xã Trầm Lộng tổ chức mít tinh mừng chiến thắng tại chùa Chòng, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời các thôn, tịch thu ấn triện, sổ sách của chính quyền cũ.
Năm 1951, trong một trận càn lớn, thực dân Pháp ném bom, bắn phá làm ngôi chùa bị cháy trụi. Trong những năm 1993 – 1995, Nhân dân Trầm Lộng đóng góp xây dựng lại chùa trên nền đất cũ.
Từ nhiều năm qua, hình ảnh ngôi chùa Chòng và tiếng chuông ngân vang đã in đậm trong tâm trí, là niềm tự hào của người dân Trầm Lộng nói riêng, huyện Ứng Hòa nói chung. Đây là địa điểm được nhiều du khách gần, xa lựa chọn bởi những nét đẹp trong kiến trúc và là một chứng tích đặc biệt quan trọng của lịch sử.
Hà Thanh