Lễ hội

Chùa Thầy – Nơi lưu dấu Đức Thánh Từ Đạo Hạnh

Có rất nhiều sử sách, dã sử ghi chép về Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trong dân gian, người ta luôn coi Từ Đạo Hạnh là Tăng, là Phật, là Vua và là tổ sư của nghề múa rối cổ truyền Việt Nam. Vì là tổ sư nên Nhân dân quanh vùng gọi Ngài là Thầy, hầu hết các địa danh ở xã Sài Sơn và chùa Thầy đều có chữ Thầy.

Từ Đạo Hạnh là một tăng sư huyền thoại trong lịch sử, tương truyền, sau khi hóa ông còn hóa kiếp, đầu thai làm vua nhà Lý. Ông được rất nhiều nơi thờ.

Chùa Thầy

       Quốc Oai là vùng đất thắng địa, là quê hương thứ 2, nơi chứng kiến Đức Thánh Từ Đạo Hạnh sinh ra, lớn lên, tu hành và đắc đạo và cũng là nơi lưu giữ Ngọc Phật ông. Chùa Thầy là nơi Từ Đạo Hạnh gắn bó cả đời tu hành ở đây.

Nơi lưu giữ Ngọc Phật Từ Đạo Hạnh

        Chùa Thầy có tên chữ là Thiên Phúc Tự, nằm gối vào sườn núi Phật Tích, còn gọi là núi Thầy, thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Ban đầu đây chỉ là một am nhỏ gọi tên Hương Hải am, có từ trước thời Lý. Đến khi Lý Nhân Tông (1072 – 1127) lên ngôi Vua đã cho xây dựng lại, gồm hai cụm chùa: Chùa Cao trên núi (Đỉnh Sơn Tự), còn có tên gọi là Hiển Thụy Am – nơi Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên. Dưới núi có chùa Dưới (tức chùa Cả, hay chùa Thầy, chùa Phật Tích, tên chữ là Thiên Phúc Tự). Chùa Thầy nằm vào vị trí đẹp trong khu vực với tòa kiến trúc gồm 3 gian, có gác chuông cao, vách chùa có nhiều bút tích các danh nho. Chùa là di tích lịch sử văn hoá, tâm linh tiêu biểu của Hà Nội và miền Bắc, thuộc thôn Thuỵ Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 20km. Chùa đã được Nhà nước công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.

Đến chùa Thầy điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy đây là một quần thể di tích được xây dựng khá đẹp, với cảnh trí thiên nhiên hài hoà, có hồ tích thuỷ, có núi cao, phía dưới là cánh đồng. Chùa Thầy không chỉ là một địa danh sinh hoạt tôn giáo mà còn là một danh thắng nổi tiếng với động, với hồ, với chùa, với chợ trời, núi sông tiêu biểu của kỳ quan, như một vế đối trong chùa đã ghi: Hữu động, hữu hồ, hữu thiên nhị – giang sơn nhất đới biếu kỳ quan. Trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, phần dư địa chí của Phan Huy Chú có ghi: “Chùa Phật Tích ở xã Thuỵ Khuê, huyện Yên Sơn, có tên nữa là Sài Sơn, lại gọi là Cổ Sài, cảnh núi rất đẹp: Chân núi có hồ, trên núi có hang sâu. Chùa Thầy là nơi Từ Đạo Hạnh trút xác. Ở vách đá còn có dấu vết đầu và gót chân của ông. Trong núi có viện Bồ Đà, am Hương Hải, nay là chùa Thiên Phúc đều do Từ Đạo Hạnh làm ra(1[1])”.

Chùa Thầy được xây dựng hơn 1000 năm nay. Chùa rộng 2.400m2 gồm ba toà nhà chạy song song với nhau hình chữ tam, dựng trên nền cao bó đá hộc xanh, có hai dãy hành lang chạy kèm hai bên đầu hồi. Đặc biệt là tòa Bảo điện nguy nga, đồ sộ chỉ có 36 lỗ đục, gỗ được xếp chồng lên nhau, nhưng rất kiên cố, vững chắc. Đến thăm chùa Thầy là được đến chiêm ngưỡng phong cách kiến trúc nghệ thuật của người Việt cổ với những mái cong lợp ngói mũi hài, với cách chạm trổ trên các câu đầu, nóc xà công phu cầu kỳ, sống động và những bệ đá điêu khắc tinh vi, với những pho tượng kỳ công của Lý Thần Tông, Từ Đạo Hạnh, Tam Thế….

Thế nên hội chùa Thầy từ xưa đến nay được coi là lễ hội du xuân và lễ hội của tình yêu đôi lứa.

Núi Thầy có trúc có thông

Có hang Thánh Hoá, đằng sau có chùa

(ca dao)

Và: Hội chùa Thầy có hang Cắc Cớ

Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy

       Có rất nhiều sử sách, dã sử ghi chép về Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trong dân gian, người ta luôn coi Từ Đạo Hạnh là Tăng, là Phật, là Vua và là tổ sư của nghề múa rối cổ truyền. Vì là tổ sư nên Nhân dân quanh vùng chị Ngài là Thầy, nên hầu hết các địa danh ở xã Sài Sơn và chùa Thầy đều có chữ Thầy.

Nhân dân đến dự lễ và du xuân tại lễ hội chùa Thầy năm 2022

        Ngài vốn là người Kẻ Láng – nay là phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Cha mẹ Ngài là ông bà Từ Vinh. Ông là người thích vui chơi và giao du rộng nên thường sáng tác ra nhiều trò chơi, điệu hát mới lạ, nổi bật nhất là trò diễn múa rối nước. Ngài còn sáng tác những bài giáo mở đầu cho những trò chơi. Ví dụ:

Trình làng trình chạ

Thượng hạ tây đông

Tứ cảnh hoà trung

Trường không phong động…

      Hội chùa Thầy diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 5 đến mùng 7-3 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của xứ Đoài xưa: “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy”, và: “Nhớ ngày mùng bảy tháng Ba, trở vào Hội Láng, trở ra hội Thầy”.

Trước khi vào hội, người ta thực hiện nhiều nghi lễ. Nghi lễ đầu tiên là lễ tắm tượng, được tiến hành trước ngày mồng 7-3 âm lịch. Tắm xong, người ta lau rửa luôn các đồ tế khí trên các ban thờ. Nước tắm tượng Phật Từ Đạo Hạnh được vẩy ra khắp nơi như mưa của đức Phật để người khang vật thịnh. Chiếc khăn dùng tắm Phật được chia nhau về làm bùa cho trẻ nhỏ tránh khỏi những ma tà ám khí. Ngày Mồng Bảy tháng Ba là ngày chính hội. Tiếp đến là lễ cúng Phật và chạy đàn. Đây là một nghi lễ lớn, quan trọng nhất và gây ấn tượng nhất ở hội chùa Thầy. Nghi lễ này là một diễn xướng có tính chất tôn giáo với sự phối hợp của các nhạc cụ. Sau đó các nhà sư với bộ áo cà sa sang trọng, tay cầm gậy hoa múa biểu diễn thể hiện một chuyến đi không ngừng của kiếp người để vươn tới điều cao đẹp.

Lễ hội chùa Thầy được tổ chức hàng năm, 5 năm tổ chức đại đám một lần. năm 2010 được tổ chức rất hoàng tráng nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng long – Hà Nội và kỷ niệm 60 năm ngày cắm lá cờ đầu tiên của Đảng trên núi Sài Sơn.  Lễ hội chùa Thầy dịp đại đám ngoài những nghi thức tế lễ trang trọng, thành kính còn có phần hội tưng bừng, như múa lân, rồng, kéo co, đánh đu, múa rối nước. Ngày nay có thêm hát quan họ và giao lưu văn nghệ, thể thao…Lễ hội hàng năm quy mô tổ chức nhỏ hơn.

Đến chùa Thầy, hoà trong không khí ngày hội hay vãng cảnh vào những dịp thanh nhàn du khách có thể lên núi, đọc những bài thơ được khắc trên đá của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, của Trạng Nguyên Nguyễn Trực, ngắm núi, ngắm trời, ngắm mây; được leo núi, vào thăm hang động. Trên hết tất cả niềm vui trần thế ấy, du khách như được thoát xác, hoà mình vào một cõi tâm linh của cõi Phật, của niềm tin tôn giáo mà Đức thánh Từ Đạo Hạnh là người tiêu biểu cho niềm tin ấy: Sống thanh tịnh, cứu nhân độ thế, bày trò vui chơi cho nhân dân hưởng thụ, chết hoá Thánh và đầu thai làm Vua nhà Lý để tiếp tục giúp dân, giúp nước. Thật chẳng có vị Cao tăng nào bằng.

Kiểm tra lễ hội chùa Thầy

         Trước đây, trong những ngày hội chùa Thầy, tăng ni, phật tử từ các nơi cùng về đây dự rất đông. Lễ hội rất lớn. Mấy năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hội chùa Thầy không tổ chức hội, chỉ tổ chức phần lễ đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm; người dự lễ không đông. Đặc biệt, Ban quản lý di tích chùa Thầy, trụ trì nhà chùa rất chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện nghiêm các biện pháp 5K. Lễ hội năm Nhâm Dần cũng vậy, ghi nhận tại thời điểm chính hội của đoàn thanh tra của Sở VHTT Hà Nội, mùng 7/4/2022: Ban quản lý di tích và ban tổ chức lễ hội đều đặt nước sát khuẩn, khẩu trang y tế miễn phí, có người trực thường xuyên tại các cửa ra vào khu di tích chùa Thầy. Có các bảng hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm 5K, bảng treo nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng và bảng hướng dẫn khai báo y tế. Công tác giữ gìn an ninh trật tự tại di tích được đảm bảo…. Nhân dân đến dự lễ khá trật tự, không có hiện tượng vứt rác bừa bãi, thể hiện nếp sống văn minh của người Tràng An.

Thanh Quy

(1) [1] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, KHXH, 1992, Tập I, Trang 114.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *