Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015” trên địa bàn thành phố, trong 4 năm qua, việc thực hiện Chương trình 02 của Thành uỷ đã đạt được nhiều thành tựu, […]
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015” trên địa bàn thành phố, trong 4 năm qua, việc thực hiện Chương trình 02 của Thành uỷ đã đạt được nhiều thành tựu, mang lại bộ mặt mới cho nông thôn Thủ đô.
Trong đó, công tác dồn điền đổi thửa được chú trọng triển khai, đến nay thành phố đã dồn được 75.965/76.365 ha, bằng 99,48% kế hoạch. Từ đó, tạo điều kiện cho công tác quy hoạch và đào đắp giao thông, thuỷ lợi nội đồng theo tiêu chuẩn, tiêu chí nông thôn mới (NTM).
Về phát triển nông nghiệp, cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thuỷ sản và dịch vụ nông nghiệp. Giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,4%/năm. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2014 ước đạt 29.086 tỷ đồng. Năm 2014 tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn thành phố đạt trên 297 nghìn ha, bằng 101,02% so với năm 2013. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt 1,27 triệu tấn. Diện tích các vùng lúa chất lượng cao trên toàn thành phố đạt trên 21.100 ha tại 11 huyện ngoại thành. Diện tích canh tác hoa, cây cảnh của Thành phố được mở rộng, đã hình thành 50 vùng sản xuất hoa tập trung với quy mô từ 20 ha/vùng trở lên tại các huyện Từ Liêm, Mê Linh, Tây Hồ, Đan Phượng.
Những người nông dân hồ hởi thu hoạch vụ hoa tết ở Mê Linh.
Ảnh: Lê Bích.
Ngoài ra, sản xuất rau an toàn (RAT) cũng đang là mối quan tâm hàng đầu của ngành nông nghiệp Thủ đô, đến hết năm 2014 thành phố đã lập 31 dự án xây dựng vùng RAT tập trung với tổng diện tích gần 2.100 ha.
Tổng đàn trâu ước đạt 23.500 con, đàn bò 140.000 con, đàn lợn 1.380 nghìn con, đàn gia cầm 24.500 nghìn con. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 20.900 ha, tổng sản lượng đạt 74.000 tấn.
Khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư, thành phố đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn, nhiều dự án đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới. Sau 4 năm thực hiện công tác xây dựng NTM đã đạt được mục tiêu yêu cầu đề ra của chương trình. Đề án xây dựng NTM chung toàn thành phố, đề án chung của các huyện, thị xã và đề án, quy hoạch xây dựng NTM của các xã đã được phê duyệt, các xã làm điểm, các xã còn lại đã có những bước đi, cách làm sáng tạo hơn, việc triển khai xây dựng NTM vì vậy cũng đạt được những kết quả khả quan.
Đến nay toàn thành phố Hà Nội nếu tính cả huyện Từ Liêm cũ có 109/386 xã đạt chuẩn NTM (đạt 28,23%), 156 xã đạt từ 14 – 18 tiêu chí, 115 xã đạt 10 – 13 tiêu chí và chỉ còn 6 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí. Như vậy, từ chỗ bình quân mỗi xã chỉ đạt 2 tiêu chí năm 2010 đến nay mỗi xã đạt bình quân trên 15 tiêu chí. Riêng năm 2014 có 71 xã đạt chuẩn NTM, tăng 11 xã so với mục tiêu kế hoạch.
Trường mầm non xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ.
Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trụ sở xã được cứng hoá đạt 100%, đường trực thôn, liên thôn được cứng hoá đạt 95%. Hệ thống thoát nước thải chung đáp ứng yêu cầu đạt 67%, có tổ chức thu gom rác thải đạt 98%. Tỷ lệ thôn có điện đạt 100%, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh là 94,19%, trong đó có 36,68% số dân được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh là 78%. Tỷ lệ người dân được tham gia bảo hiểm y tế đạt 96%. Y tế xã đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn mới đạt 85%. Tỷ lệ thôn, làng đạt tiêu chuẩn làng văn hoá đạt 54%, 100 thôn làng đã có nhà văn hoá với trang thiết bị phục vụ tốt hoạt động văn hoá, thể thao.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,91%, giảm 5,61% so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,25% năm 2011 xuống còn 2,89%. Thu nhập người dân tăng lên 28,6% triệu đồng/người/năm. Nông thôn không còn nhà dột nát, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang.
Xã Song Phượng, huyện Đan Phương đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong 4 năm triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành uỷ. Thành phố đã huy động được 48.708 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho triển khai các dự án xây dựng cơ bản khu vực nông thôn ngoại thành trong đó riêng vốn ngân sách thành phố là 40.678 tỷ đồng. Sự đổi mới lớn nhất là tư duy của người nông dân, sẵn sàng tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tin tưởng hoàn toàn vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền; trật tự an toàn xã hội và an ninh chính trị được giữ vững; hình thành và nâng cao chất lượng hệ thống cán bộ lãnh đạo từ trung ương đến địa phương.
Tại hội nghị sơ kết Chương trình, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Hà Nội có một vùng nông thôn rộng lớn với 401 xã. Khu vực nông thôn có diện tích rộng lớn, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn thành phố (hơn 2700 km2) và hơn 60 % dân số. Đồng chí khẳng định sự nghiệp xây dựng nông thôn mới còn diễn ra lâu dài và liên tục bởi “ chừng nào còn nông thôn thì còn tiếp tục xây dựng nông thôn mới”. Hà Nội xác định, đô thị và nông thôn có mối liên kết rất mật thiết và thống nhất với nhau cả trong phát triển kinh tế, quốc phòng an ninh và chính trị xã hội. Dù Hà Nội có phát triển như thế nào thì nông thôn vẫn là một điểm tựa lớn đối với phát triển kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng của thủ đô. Từ đó, Hà Nội đã có chủ trương, quyết sách quan trọng nhằm mục đích phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn được cụ thể hoá bằng sự ra đời của chương trình 02 năm 2011. Quá trình thực hiện chương trình cho thấy quyết sách này vô cùng đúng đắn, quan trọng và cần thiết.
Đánh giá kết quả của 4 năm thực hiện Chương trình 02, đồng chí Phạm Quang Nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, công tác xây dựng nông thôn mới của Thủ đô đã đạt được thành công ấn tượng và toàn diện, đã đi đầu và tiếp tục đi đầu; thực hiện được khẩu hiệu toàn dân chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới, nâng cao mối liên kết toàn dân và vị trí, tầm quan trọng của Đảng; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh không ngừng được đầu tư cải thiện; môi trường sinh thái ổn định; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; thu nhập người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4 lần…..Thực hiện chương trình này, bước đầu Hà Nội đã tạo bước chuyển lớn trong nhận thức, hành động của cán bộ và nhân dân. Các địa phương hình thành nhiều phong trào, mô hình hay và phát hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, góp phần giúp bộ mặt nông thôn Hà Nội đổi thay từng ngày. Tuy nhiên công tác thực hiện Chương trình 02 tại Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, việc ứng dụng công nghệ cao vẫn còn yếu. Điều này là một khó khăn lớn khi nước ta hội nhập với nền kinh tế thế giới, tạo ra sự cạch tranh khốc liệt, đưa ra thách thức lớn về năng suất, chất lượng và giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư vẫn còn hạn hẹp; vấn đề môi trường trở thành vấn đề đáng lo ngại…..Trong khi đó, yêu cầu về nông thôn mới tại thủ đô lại có mức yêu cầu cao. Do đó, nhiệm vụ sắp tới của Ban chỉ đạo sẽ rất lớn và khó khăn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị yêu cầu trong thời gian tới, Ban chỉ đạo cần huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để tạo ra bước đột phá mới trên toàn thành phố; các cấp các ngành cần tập trung truyền truyền bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân; tăng cường đối thoại trực tiếp, nghe ý kiến đóng góp của người dân trong phát triển kinh tế, tránh tư tưởng trồng chờ ỉ lại, thiếu sáng tạo năng động của người dân; Cán bộ quản lý ở các huyện, thị xã cần tập trung chỉ đạo điều hành và rút ra bài học để chỉ đạo sát sao, quyết liệt; Bổ sung cơ chế chính sách hợp lý, tránh tốn kém lãnh phí không cần thiết, quản lý về tài nguyên, nhân lực hợp lý; Cần huy động nhiều nguồn lực khác nhau vào đầu tư xây dựng NTM, trong đó có xây dựng hạ tầng, nước sạch, thuỷ lợi, giao thông, bệnh viện, trường học; Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả cao vào sản xuất. Đồng thời phát huy thế mạnh của thủ đô, sự liên kết với các doanh nghiệp và các nhà khoa học, tăng cường các biện pháp thu hút nguồn vốn và đẩy nhanh tiến độ dự án. Bên cạnh đó cần giữ gìn bản sắc văn hoá của từng vùng…
Chu Mai