Trong những năm qua, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ở huyện Hoài Đức bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần lan tỏa những thói quen, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ trong nhân dân.
Mô hình cưới theo nếp sống văn minh của thế hệ trẻ Thủ đô đang được nhân rộng. Ảnh: Nhật Nam.
Thấy rõ tầm quan trọng của việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang nên huyện chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang gắn với nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Tiếp tục triển khai, đưa mục tiêu thực hiện cưới “Trang trọng – Lành mạnh – Tiết kiệm” vào việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hoá, làng văn hoá, tổ dân phố văn hoá”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… nhằm nâng cao nhận thức, ý thức gương mẫu, tự giác của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đưa nội dung Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào nội dung quy chế của các cơ quan, đơn vị; quy ước tổ dân phố, thôn, làng; tiếp tục thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý đối với cán bộ, đảng viên vi phạm. Tuyên truyền, biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới để nhân rộng điển hình; Nêu gương, khuyến khích những mô hình cưới văn minh, tiết kiệm, đơn giản, phù hợp những giá trị chuẩn mực xã hội và văn hoá truyền thống dân tộc, đồng thời, phê phán những lễ cưới xa hoa, lãng phí không phù hợp với thuần phong mỹ tục…Một số hội nghị tọa đàm “Cưới trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm; Tang văn minh, tiến bộ” do các hội, đoàn thể tổ chức diễn ra sôi nổi tạo môi trường để các hội viên, đoàn viên đưa ra giải pháp, sáng kiến tuyên truyền, vận động nhằm thực hiện có hiệu quả việc cưới trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm; tang văn minh, tiến bộ…
Từ nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, việc cưới, việc tang trên địa bàn huyện Hoài Đức đã dần làm chuyển biến nhận thức của người dân. Việc cưới tại nhiều gia đình được tổ chức trang trọng, vui tươi, phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp. Đã hình thành một số mô hình tổ chức cưới theo nếp sống mới như: “Đám cưới điểm”, “Cưới tiệc ngọt, tiệc trà”, “Báo hỷ thay tiệc cưới”, “Đám cưới không thuốc lá”; ứng xử nhân văn như trồng cây lưu niệm, viếng nghĩa trang liệt sĩ hướng về cội nguồn…Việc tang được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, loại bỏ dần các tập tục, tập quán lạc hậu; hạn chế việc tổ chức linh đình, ồn ào, không đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự công cộng. Nhiều thôn, xã vận động nhân dân thực hiện quy định về sử dụng nhạc tang, thành lập ban trợ tang, an tang phù hợp với điều kiện địa phương theo hướng văn minh; khuyến khích sử dụng vòng hoa luân chuyển; hỗ trợ thực hiện hỏa táng…Thôn Minh Hòa 1, xã Minh Khai là một trong số những địa phương có cách làm sáng tạo trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện việc tang văn minh. Ban công tác Mặt trận cùng cán bộ thôn và xã thường xuyên thông tin tới các hội, đoàn thể về sự văn minh của hình thức hỏa táng. Trong các buổi họp toàn dân, Ban công tác Mặt trận cũng tích cực lồng ghép tuyên truyền tới đông đảo nhân dân bằng những câu chuyện cụ thể, khoa học về tang văn minh cũng như các mức hỗ trợ của thành phố, huyện và xã khi thực hiện hỏa táng. Ở thôn Minh Hiệp 2, xã Minh Khai, cán bộ thôn và các đoàn thể không chỉ vận động tới các gia đình, đúng đối tượng, bền bỉ suốt thời gian dài mà còn có sáng kiến lập Tiểu ban tổ chức tang lễ, đồng thời lập 6 tổ nhóm tại 6 cụm dân cư hỗ trợ việc hậu sự cùng các gia đình để tang lễ được tổ chức chu đáo, văn minh. Cùng với hỗ trợ của thành phố, huyện Hoài Đức đã thực hiện chính sách hỗ trợ mỗi trường hợp hỏa táng 2 triệu đồng, xã Minh Khai cũng hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/người hỏa táng. Đến nay, 5/7 thôn trong xã Minh Khai có 100% số ca hỏa táng sau khi qua đời, nâng tổng số ca hỏa táng, thực hiện tang văn minh trên địa bàn đạt hơn 80%. Không chỉ ở Minh Khai, việc tổ chức tang văn minh, tiến bộ đang được triển khai hiệu quả tại nhiều xã của huyện Hoài Đức như Yên Sở, Vân Canh, Đức Thượng, Di Trạch, thị trấn Trạm Trôi… Trong năm 2018, toàn huyện đã vận động được 50,8% số ca qua đời thực hiện hỏa táng.
Mặc dù việc cưới, việc tang trên địa bàn huyện Hoài Đức có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn còn một số tồn tại như: việc tổ chức tiệc cưới lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây cản trở giao thông; ca hát ở tiệc cưới tại gia còn rề rà, mở loa quá to ảnh hưởng đến xung quanh. Trong việc tang, ở một số nơi, sau khi đưa tiễn người qua đời xong, tang chủ làm cỗ để cảm ơn anh em, bà con láng giềng, người ăn cỗ thường quá chén đến say sưa, gây ồn ào trong lúc tang gia chưa nguôi đau buồn.
Thời gian tới, huyện Hoài Đức sẽ triển khai việc cưới, việc tang văn minh, tiết kiệm thông qua phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng người Hà nội thanh lịch, văn minh”, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao…nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư.
Tuấn Anh
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm