Gia đình

Có nên cho con chạy theo “bệnh thành tích” của người lớn?

Trẻ con thoạt đầu cũng vô tư lắm, nhưng chúng ta đã liên tục đánh giá, so sánh, mang thưởng phạt ra dọa. Và chính từ sự sợ hãi mới làm cho con người xấu xí, ganh đua, phát triển lòng đố kỵ

Đừng vì kéo ngắn thời gian thành công mà tạo áp lực lên chính đứa con của mình
Đừng vì kéo ngắn thời gian thành công mà tạo áp lực lên chính đứa con của mình

Xu có một nỗi lo lắng mà tôi rất bực mình, nàng rất hay băn khoăn với các dòng kẻ trong vở bài tập Toán: “Tại sao bài giải này họ lại chừa ra 5 dòng, con làm cách này thì thừa 1 dòng mẹ ạ!”.
Rồi có hôm lại lo: “Con làm cách này thì thiếu dòng. Vậy là sai phải không mẹ?”.

Ơ kìa, kệ dòng kẻ chứ. Như mẹ nấu cơm này, có hôm con ăn vừa hết, có hôm thiếu, có hôm dư, đâu có sao? Rồi hôm nay ăn sáng có bún, có phở, có bánh giò, có há cảo, thích thứ gì thì ăn thứ đó, đâu có sao? Nhìn 3 mẹ con mình nè, mẹ mặc màu xanh, con màu vàng, em Sim màu đỏ, đâu có sao? Mẹ nghĩ, người làm cuốn sách bài tập này, họ kẻ 5 dòng, vì lúc đó họ nghĩ cần 5 dòng để giải là vừa đủ. Giờ có bạn giải bằng 7 dòng, có bạn chỉ cần 4 dòng, đâu có sao?

Tại sao tất cả lại phải giống nhau? Tại sao lại chỉ có 1 cách duy nhất đúng, còn tất cả những con đường khác đều sai, dù có thể nhanh chậm khác nhau, họ cũng tới đích. Tại sao tất cả phải cùng một thước đo?

Xu vẫn chưa yên tâm. Thực ra thì đã rất lâu rồi, trong trường thầy cô ít cổ vũ giải bằng nhiều cách khác nhau.

Xu à, con bắt buộc phải biết rằng thế giới này thật phong phú và đa dạng, và luôn thay đổi, và Tất thảy chúng ta đều khác biệt nhau!

Sáng nay mở facbook, thấy bài viết 3 năm trước, bỗng nhớ rằng mùa tổng kết năm đã về, mùa công bố điểm thi và mùa xếp loại đã về:

… “Hồi đó, lúc Xu Sim ngồi ăn sáng cùng vài phụ huynh, nghe một chị lớn tiếng nạt mấy đứa trẻ con lau nhau: “Này nha, hôm nay đừng đụng tới tôi nha! Chút nữa công bố điểm môn Toán đó. Giờ tôi là cái núi lửa đó, mấy người liệu liệu tránh tôi ra!” Trời, tôi cũng hoảng nữa nói chi tụi nhỏ!

Xét cho cùng thì phụ huynh và giáo viên cứ hoài làm khổ lẫn nhau. Nhớ hôm họp phụ huynh cuối kỳ 1, cô giáo lớp 1 của Xu nói: “chỉ cần một môn 8 điểm thôi là a lê hấp!”. Vừa nói cô vừa nhún vai, phẩy tay rất dứt khoát. Tôi hỏi lại “A lê hấp đi đâu hả cô?”.Cô ngó tôi như nhìn sinh vật lạ: “A lê hấp ra khỏi đội ngũ học sinh giỏi chứ đi đâu nữa!”….

Tôi nhớ các nhà giáo dục Anh từ lâu đã quyết định ko dùng từ “trượt” nữa mà là “Thành công bị trì hoãn” để khích lệ ý chí và tôn trọng những thành công chậm của các em.

Bởi, có rất nhiều điều ngày xưa đúng, bây giờ đã sai, rồi bây giờ đúng chắc gì sau này vẫn đúng?

Tại sao chúng ta lại tạo áp lực cho các con chỉ có thua hoặc thắng, tất cả hoặc không gì cả? Khi bạn khác tôi, tại sao không có nghĩa là cả hai cùng đúng, đúng theo những cách khác nhau?

Thế giới facebook bộc lộ mâu thuẫn này rất rõ. Tôi có ngày phải ngồi lọ mọ xóa hàng trăm cái comment chửi rủa. Họ chửi rủa tôi: “Sống ảo, xạo lòi”, “Nhà báo nói láo ăn tiền ấy mà”, “Đúng là đồ cặn bã của giáo dục”.

Và rồi họ tấn công cả con tôi: “Để coi Xu Sim lớn lên thế nào, coi chừng rồi mà trắng mắt ra”, “thể nào cũng có ngày ân hận hối không kịp?”, “Có ngày nào chị đi về, rồi nghe tin dữ rồi phải ôm con mà khóc không?”

Rồi họ kết tội tôi cả vì con người khác: “Vì mấy tháng nay bạn tôi đọc facebook chị này và tin theo chị này, mà giờ con nó bị tự kỷ luôn rồi!”

Đừng tạo áp lực thắng – thua cho con trẻ
Đừng tạo áp lực thắng – thua cho con trẻ

Nhiều lời chửi rủa độc địa nữa mà tôi xóa rồi và quên rồi. Mà hầu hết avatar của họ cũng đang có con nhỏ đấy, rất nhiều người đã học đại học, thậm chí rất nhiều cán bộ và giáo viên! Họ tấn công đẫm thù hằn, tràn ngập ác ý không thèm che giấu. Thậm chí nhiều người bền bỉ làm cảm tử quân “biết là lại xóa nhưng vẫn phải bình luận để lột mặt nạ”.

Có phải bệnh này bắt nguồn từ cách đánh giá trong nhà trường và xã hội? Trẻ con, người lớn cứ bị cuốn vào những hệ thống thang bậc xếp hạng: Thi đua và xếp hạng bằng cách loại bỏ nhau. Nếu nó nhất, có nghĩa là mình chỉ còn được vị trí nhì. Nếu nó giỏi có nghĩa là mình chỉ còn cách dốt?

Kỳ cục thế? Lớp có 50 học sinh thì có 50 kiểu tài năng khác nhau, 50 cách sống và cách thành công khác nhau, 50 cánh cửa, 50 con đường, có cái nhanh cái chậm, cái đi vòng, cái đi thẳng, chưa 70 tuổi chưa biết được cách nào tốt hơn cách nào. Trẻ con thoạt đầu cũng vô tư lắm, nhưng chúng ta đã liên tục đánh giá, so sánh, mang thưởng phạt ra dọa. Và chính từ sự sợ hãi mới làm cho con người xấu xí, ganh đua, phát triển lòng đố kỵ.

Thôi thì, bố mẹ lại tự thay đổi trước nhé!

Ví dụ, sau kỳ thi, chúng ta sẽ không hỏi “Con học được mấy điểm?” mà hỏi: “Con học được gì vui? Học được gì hay?”.

Vài bữa nữa tổng kết, đừng hỏi “Con được danh hiệu gì?” nhé, hãy hỏi “Con muốn trở thành người như thế nào?”

Quy định với nhau vậy đi, thấy được không?

Thu Hà

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *