Một buổi chiều thứ 6 ẩm ướt, sau những tiết học căng thẳng cuối cùng của một tuần bận bịu, Bình– sinh viên năm nhất trường đại học Thăng Long đang bước vội vã tới cửa thang máy để có thể trở về nhà thật nhanh cho kịp giờ ăn, thì nghe thấy:
-Ấn nút chờ đi, nó sắp ra rồi đấy!
– Lâu vậy mày? – Vừa hỏi lại người bạn đang đứng sau mình đang gọi điện thoại, cô nữ sinh đứng trước mặt Bình không ngừng đưa tay ấn liên tục vào nút "open" để chế độ chờ ở thang máy dù ngay cạnh đó có tấm biển lưu ý: "Không bấm nhiều lần vào các nút mở – đóng". Hóa ra họ chờ bạn của mình. Người ấn nút, người gọi điện í ới giục bạn… Vừa chờ họ vừa nói chuyện ầm ĩ không hề để ý đến những người xung quanh.
Hơn một phút trôi qua, cánh cửa thang máy vẫn không ngừng đóng vào rồi lại bị nhóm bạn này mở ra, và cứ tiếp tục như thế khoảng vài ba phút. Không thấy người bạn kia ra họ mới chịu cho đóng thang máy để tiếp tục xuống lầu.
Bình có phần hơi bực bội đang định góp ý. Bỗng cậu nghe thấy giọng một người phụ nữ đứng sát mình vang lên: "Các cháu ạ, thang máy mà bấm như vậy rất dễ hỏng. Lần sau các cháu nên chú ý sử dụng đúng cách theo hướng dẫn gắn trên thang máy", thì ra chẳng phải mình Bình cảm thấy khó chịu với hành động này của nhóm sinh viên. Xuống dưới tầng 1, xô đẩy cả những đứng trước mình để ra bước ra, họ mới quay lại "phán" xanh rờn. Một nữ sinh nói: "Mình không bấm thì người khác cũng bấm, hỏng là hỏng thôi à, có giữ cũng chả được!". Cô khác thêm vào: "Có hỏng cũng đâu đến lượt bọn mình sửa đâu mà lo". Lúc này, Bình tiếp lời "Cô ấy góp ý đúng đấy. Thang máy là tài sản chung, mọi người khi sử dụng đều phải có ý thức giữ gìn. Nếu ai cũng coi đó không phải là "của chùa" mà sử dụng tùy tiện, không đúng cách thì sẽ rất nhanh hỏng. Khi vào phải đứng gọn về một bên, chờ cho người trong thang máy ra rồi mới vào. Khi ra cũng phải chờ người đứng ngoài ra trước, đừng chen lấn, xô đẩy như thế. Cả khi vào, ra đều phải chú ý nhường cho người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em. Hơn nữa, các bạn ăn nói với người lớn như thế là thiếu lễ phép rồi". Một cô lí nhí : Chúng cháu xin lỗi cô, xin lỗi bạn rồi kéo các bạn đi thật nhanh. Có lẽ, họ đã nhận ra cái sai của mình.
Sử dụng thang máy thiếu ý thức
Tuấn Trình