Từ những bức tường rêu mốc, đến nay con đường dẫn vào chùa Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai đã được thay thế bằng con đường bích họa với những hình ảnh sống động, đa màu sắc tạo cảm giác thích thú cho người dân và du khách nơi đây. Năm nay, du […]
Từ những bức tường rêu mốc, đến nay con đường dẫn vào chùa Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai đã được thay thế bằng con đường bích họa với những hình ảnh sống động, đa màu sắc tạo cảm giác thích thú cho người dân và du khách nơi đây.
Hình ảnh trên con đường bích họa được thể hiện khá sắc nét và sinh động, với các biểu tượng như chùa Thầy, hoa gạo, hồ Long Trì, hoa sen, các hoạt động múa rối nước… Hầu hết các bức bích họa có phong cách vui vẻ đậm chất dân gian, mô tả các sinh hoạt hàng ngày của nông thôn Bắc Bộ, các tín ngưỡng dân gian với ước mong cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Ngoài tính thẩm mỹ, các bức bích họa còn góp phần quảng bá nét văn hóa xứ Đoài mộc mạc của vùng đất Sài Sơn.
Chia sẻ về ý tưởng tạo ra con đường bích họa, Phó Chủ tịch UBND xã Sài Sơn Ngô Văn Hùng cho biết: Sài Sơn có danh lam thắng cảnh chùa Thầy, mỗi năm đón hàng vạn du khách về đây trẩy hội. Tuy nhiên, tuyến đường trục chính dẫn vào danh thắng chùa Thầy có nhiều bức tường rêu mốc do người dân xây dựng nhiều năm, lại tu bổ, sửa chữa không đồng bộ. Vì vậy, chính quyền xã đã chỉ đạo trực tiếp là Đoàn thanh niên cùng với một nhóm thanh niên tình nguyện của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội lên ý tưởng, nội dung và vẽ các bức bích họa thay thế những bức tường rêu mốc đó. Kinh phí thực hiện dự án được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Chị Chử Thị Hằng, một người dân thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn cho hay, khi chính quyền địa phương và đoàn Thanh niên xã vận động gia đình bóc biển quảng cáo để xây dựng con đường bích họa, mọi người đều vui vẻ đồng thuận và ủng hộ. “Từ khi con đường hoàn thành, ngày nào cũng có hàng trăm du khách tới chụp ảnh. Chúng tôi cũng thấy tự hào và yêu quê hương mình hơn, có trách nhiệm bảo vệ cảnh quan môi trường hơn” – chị Hằng bày tỏ.