Di sản

Hà Nội lần đầu trao danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú

Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Vượn, Nguyễn Thị Khướu, ca nương Phạm Thị Huệ… nằm trong danh sách 39 nghệ nhân được vinh danh ở lĩnh vực văn hóa phi vật thể lần thứ nhất.

Lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm trong những năm gần đây. Hồi tháng 8, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Cả nước có 600 người được phong tặng và 17 cá nhân được truy tặng trong đợt đầu tiên.

Sáng 19/11 tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam đồng thời công bố quyết định phong và truy tặng danh hiệu cho 39 nghệ nhân – những “báu vật nhân văn” của thành phố.

ha-noi-lan-dau-trao-danh-hieu-nghe-nhan-uu-tu
Các nghệ nhân dân gian của Hà Nội nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú lần thứ nhất.

Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội – cho biết 39 nghệ nhân được tôn vinh là những người có đủ phẩm chất đạo đức, tài năng, nghề nghiệp xuất sắc và đang nắm giữ, truyền dạy, có cống hiến to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

Các nghệ nhân được nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú phải có ít nhất 15 năm hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian (ca trù, xẩm, cồng chiêng, chèo tàu, hát Dô…) và tri thức dân gian (ẩm thực, làm diều sáo, nặn tò he, nhạc cụ truyền thống…).

ha-noi-lan-dau-trao-danh-hieu-nghe-nhan-uu-tu-1
Ca nương Phạm Thị Huệ xúc động khi nghệ nhân truyền dạy cô đã mất, không có mặt trong buổi lễ vinh danh.

Ca nương Phạm Thị Huệ cho biết cô rất vui và vinh dự khi nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. “Điều này lẽ ra phải làm từ lâu rồi, vì những di sản văn hóa phi vật thể vốn phụ thuộc vào con người. Nếu không ghi nhận, những di sản sẽ mất đi. Việc vinh danh này sẽ làm cho giới trẻ nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của các di sản”.

Phạm Thị Huệ cho rằng để các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, phát huy thì điều quan trọng nhất là Nhà nước phải hỗ trợ. “Phải làm sao để những người làm nghệ thuật dân gian có thể sống với nghề và tiếp tục truyền dạy. Còn lớp trẻ khi nhìn vào thấy họ có tương lai để sẵn sàng theo đuổi”.

Theo ca nương, Nhà nước hiện đã quan tâm hơn nhưng vẫn chưa có định hướng cụ thể cho từng loại hình nghệ thuật và từng nghệ nhân. “Bản thân chúng tôi chỉ biết cố gắng truyền dạy, biểu diễn, quảng bá ca trù bằng nhiều hình thức khác nhau”.

Ngoài trao tặng danh hiệu, buổi lễ còn có phần biểu diễn hát trống quân, chèo, hát văn của các nghệ nhân dân gian, chiếu phim tài liệu “Để di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long – Hà Nội luôn tỏa sáng”. Khu vực sảnh tầng một của Bảo tàng Hà Nội diễn ra các triển lãm chuyên đề “Đình làng xứ Đoài”, “Lễ hội truyền thống Hà Nội”, triển lãm “Tri thức dân gian làm thuốc Nam của người Dao, Ba Vì”, trưng bày chuyên đề “Làng nghề – phố nghề Hà Nội”, triển lãm cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam 2015. Các hoạt động đều nằm trong khuôn khổ Ngày di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).

Di Ca

Theo VNExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *