Nếp Sống văn hoá

Công chức một thời

Giới công chức, viên chức Hà Nội có nhiều đổi thay theo từng giai đoạn lịch sử, nhưng ở thời nào cũng vẫn luôn giữ được nét giản dị, thanh lịch, khiêm tốn và nhã nhặn trong cả lời ăn tiếng nói, trong cách mặc và ứng xử, giao tiếp.

Nhớ lại không khí làm việc của người Hà Nội sau khi giải phóng Thủ đô (1954), cụ bà Ngô Phan Yến, nay đã 84 tuổi, chậm rãi kể, năm 1957, bà bắt đầu đi làm ở Bộ Công nghiệp Việt Nam (sau này là Bộ Công Thương). Ngày đó, công chức, người lao động làm việc trong các cơ quan đóng tại Hà Nội đều rất giản dị, bởi mọi người đều cùng chung nỗi khó khăn, vất vả như bao người Việt Nam khác. Chiếc xe đạp thời ấy không chỉ là phương tiện mà còn là tài sản quý giá nhất của công chức, người lao động.

“Cứ 7h sáng, chúng tôi ra khỏi nhà, đạp xe đến công sở, mang theo một cặp lồng cơm được chuẩn bị sẵn ở nhà để ăn trưa. 8h, mọi người đã có mặt ở cơ quan đông đủ. Ngày ấy không quản lý giờ giấc hành chính nhưng kỷ luật lao động đều được mỗi người tự ý thức thực hiện nghiêm túc. Hà Nội như bao nơi khác ở miền Bắc khẩn trương phục hồi “vết thương chiến tranh”, xây dựng xã hội, mỗi người đều hối hả, nhiệt huyết làm việc với một tinh thần tự tôn dân tộc rất cao”, bà Yến kể.


Trong trí nhớ ít nhiều bị ảnh hưởng của tuổi tác, người cán bộ 55 tuổi Đảng bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm một thời gian khó. “Ngày ấy, ai cũng khó khăn như nhau, chúng tôi đồng cảm với nhau trong công việc và cuộc sống. Bữa cơm trưa giản dị với thức ăn tự chuẩn bị sẵn thường được chia sẻ cùng nhau. Chúng tôi vui vì những điều giản dị ấy. Trong gian khó chung của xã hội, người Hà Nội không cầu kỳ trong ăn mặc nhưng ra đường vẫn cố gắng tươm tất trong điều kiện có thể nhất. Phụ nữ thời ấy thường mặc áo sơ mi và quần lụa đen. Quần áo có thể cũ, nhưng cách mặc luôn chỉnh tề, ngay ngắn”, bà Yến nhớ lại.

Khi lật giở những trang viết của cha, hay mẩu thư của những người bạn văn gửi cho gia đình, những nền nếp, thói quen sinh hoạt của các công chức, văn nghệ sĩ Hà Nội xưa gợi lại trong tâm trí của ông Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

“Năm 1957, Nhà xuất bản Kim Đồng được thành lập, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng giữ vai trò giám đốc, nhưng ngày đó không có khoảng cách giữa người quản lý với người biên tập. Gần 20 người làm công việc sáng tác, biên tập, xuất bản sách cùng sinh hoạt chuyên môn tại căn gác khá nhỏ ở số 57 Triệu Việt Vương. Cộng tác viên, khách đến chơi, bạn đọc đến trao đổi thông tin… cũng được tiếp ngay tại căn gác ấy. Không khí làm việc thân mật, gần gũi nhưng không bao giờ mất đi sự nghiêm túc”, ông Nguyễn Huy Thắng vừa lật giở những kỷ vật, tư liệu cũ về cha vừa kể.

Ảnh tư liệu. Nguồn: Sách ảnh ‘Hà Nội – Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình (2014)’

Đến thời ông Nguyễn Huy Thắng làm công tác biên tập, rồi quản lý tại nhà xuất bản, công việc của một cán bộ, công chức đã đổi khác nhiều. “Thời của tôi, cơ sở vật chất tốt hơn xưa nhiều. Việc quản lý cán bộ, nhân viên đã có công nghệ lấy dấu vân tay hỗ trợ, nhưng cơ bản, mỗi người nhân viên khi làm việc đều ý thức rõ phần việc của mình. Văn hóa công sở thời nay khác xưa, nhưng cái cốt lõi cơ bản là trách nhiệm công việc, kỷ luật cơ quan vẫn được giữ nghiêm và hơn hết, mối quan hệ thân tình, coi cơ quan như gia đình, coi bạn đọc, cộng tác viên là khách quý vẫn được duy trì. Khi người công chức, lao động làm việc vì trách nhiệm và sự tự giác cao thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả”, ông Thắng chia sẻ.


Hồi ức về không khí, tác phong làm việc của công chức, viên chức Hà Nội ở mỗi thời kỳ lịch sử sẽ có những câu chuyện buồn, vui khác nhau mà có lẽ đến giờ vẫn in đậm dấu ấn với những người được chứng kiến. Chị Trần Thu Hằng (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) đến nay còn nhớ câu chuyện kể của mẹ vào khoảng năm 1980, khi ấy là nhân viên mậu dịch – công việc có lẽ được xem là “hot” nhất của những năm bao cấp.

“Mẹ tôi kể rằng, thời bao cấp, các cửa hàng thương nghiệp quốc doanh đều có khẩu hiệu “Vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”. Tuy nhiên, do tình trạng khan hiếm hàng hóa nên một số mậu dịch viên có thái độ không đúng mực. Một ngày, cửa hàng của mẹ nhận được một lá thư góp ý của khách hàng ký tên là Sơn Ca.

Trong thư, tác giả có gửi gắm những câu thơ đến một cô mậu dịch viên: “Cháu con nhà ai, quê ở đâu?/Đến ngành thương nghiệp tự bao giờ?/Quá trình có được ai giáo dục?/Mà sao ăn nói quá tự do…”.

Bức thư với lời góp ý văn minh, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc đã giúp cho không chỉ cô mậu dịch viên nhận ra sai sót trong cách cư xử mà còn như lời nhắc nhở cho tất cả nhân viên mậu dịch cần để ý hơn trong lời ăn tiếng nói, thái độ phục vụ khách. Sau này, mẹ vẫn luôn dặn tôi, dù bạn là ai, dù có làm công việc gì cũng phải tôn trọng đối tác, tôn trọng khách hàng – ấy mới là nét văn hóa thanh lịch”, chị Hằng nhớ lại.

Bài viết nằm trong loạt bài đạt Giải A Giải Báo chí về Phát triển văn hóa,

xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh Thành phố Hà Nội lần thứ I

Theo Hà Nội Mới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *