Làm thế nào để nhân dân hiểu được về ứng cử viên để bầu cho chính xác thì trước hết là khâu tuyên truyền phải tiến hành thật tốt. Tuyên truyền về các ứng cử viên một cách công khai, minh bạch và công bằng. Tất cả các ứng cử viên đều được tuyên truyền. Và bản thân ứng cử viên đó cũng phải tuyên truyền và tuyên truyền đúng luật.
Sáng 27/4, Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp mặt các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Huy Sáng, GĐ Sở Nội vụ, Ủy viên thường trực ủy ban bầu cử TP cho biết: “Ngày 26/4, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có Nghị quyết công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐB Quốc hội khóa XIV theo từng đơn vị trong cả nước, Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng có công văn gửi UB Bầu cử Tp Hà Nội để thực hiện việc công bố các ĐB chính thức ứng cử tại 10 đơn vị của TP Hà Nội. Trên cơ sở đó, ông Trần Huy Sáng đã công bố dánh sách chính thức 50 người ứng cử ĐB Quốc hội khóa XIV (13 ứng cử viên đại biểu Quốc hội do Trung ương giới thiệu, và 37 ứng cử viên đại biểu Quốc hội của Hà Nội) tại 10 đơn vị bầu cử và 178 ứng cử ĐB HĐND TP khóa XV nhiệm kỳ 2016-2021 tại 30 đơn vị bầu cử trên địa bà Thành phố Hà Nội.
Trả lời về việc có sự thay đổi về số lượng trong danh sách chính thức các ứng cử viên ĐBQH thành phố Hà Nội và ứng cử viên ĐB HĐND TP khóa XV nhiệm kỳ 2016-2021, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP, Chủ tịch UB Bầu cử TP Hà Nội cho biết: “Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội đã thực hiện các bước trong công tác bầu cử theo đúng quy trình, quy định của Luật. Qua 3 vòng hiệp thương, Hà Nội đã chọn danh sách ứng cử viên ĐBQH 38 người, danh sách ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố 179 người. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, một ứng cử viên ĐBQH do điều kiện công việc đã viết đơn xin rút khỏi danh sách; một ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố cũng vì công việc viết đơn xin rút khỏi danh sách. Vì thế, số ứng cử viên đại biểu QH tại Hà Nội chỉ còn 37 ứng cử viên; ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa XV chỉ còn 178 người”.
Cũng tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng đã thông tin về tình hình kinh tế xã hội của Thành phố 5 năm qua, phương hướng nhiệm vụ năm 2016 và 5 năm tới phục vụ việc thông tin cho các ĐB tiếp xúc cử tri. Đại diện UB MTTQ TP cũng hướng dẫn tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử thực hiện vận động bầu cử .
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP, Chủ tịch UB Bầu cử TP Hà Nội cho biết: “Chất lượng ứng cử viên so với các nhiệm kỳ trước đã được nâng lên rõ rệt”. Trong danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐB Quốc hội sau hiệp thương do Thành phố giới thiệu có 16 người là Giáo sư, PGS, TS và 11 người là Thạc sĩ chiếm trên 70%, còn lại đều tốt nghiệp đại học. Về ứng cử viên nữ đạt 40,5%; người dưới 40 tuổi đạt 8,1%; người tái cử đạt 13,51%; người ngoài Đảng đạt 8,1% và người tự ứng cử đạt 2,7%.
Trong danh sách 178 người ứng cử ĐB HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021 có 28 người là GS, PGS, TS đạt 15,7%; 93 người là Thạc sĩ đạt 52,2% còn lại là trình độ đại học. Trong đó tỷ lệ nữ có 66 người, 3 người dân tộc, 22 người dưới 35 tuổi, 26 người ngoài Đảng và 35 người tái cử.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng lưu ý đối với các đại biểu ứng cử phải tập trung xây dựng chương trình hành động, đề nghị các đồng chí nghiên cứu kỹ định hướng phát triển của Thành phố, của nơi mình về ứng cử để chương trình hành động tham gia trúng vấn đề, gắn với tình hình địa phương.
Đối với UBND, Chủ tịch UB Bầu cử TP Hà Nội đề nghị có đầu mối cung cấp tài liệu liên quan tới phát triển kinh tế xã hội, tổng kết các chương trình của UBND để phục vụ các ứng cử viên. Đồng thời, UBND phối hợp với Ban Tuyên giáo chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền về chương trình hành động của các ứng cử viên. Các quận, huyện cần xếp lịch tiếp xúc cử tri song song, bố trí lịch một cách khoa học. UBND quận, huyện phối hợp với các cấp để thông báo địa điểm, thời gian tiếp xúc cử tri. Chủ tịch HĐND TP cho biết, Tp Hà Nội có số ứng cử viên và số đơn vị bầu cử nhiều nên yêu cầu MTTQ TP Hà Nội sẽ chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri ĐB Quốc hội, còn tiếp xúc cử tri ĐB HĐND giao cho UB MTTQ TP, các quận, huyện, thị xã.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: “Làm thế nào để nhân dân hiểu được về ứng cử viên để bầu cho chính xác thì trước hết là khâu tuyên truyền phải tiến hành thật tốt. Ngay sau đây, yêu cầu tất cả các cơ quan báo chí, các quận, huyện, các đơn vị phải tổ chức tuyên truyên về các ứng cử viên một cách công khai, minh bạch và công bằng. Tất cả các ứng cử viên đều được tuyên truyền. Và bản thân ứng cử viên đó cũng phải tuyên truyền và tuyên truyền đúng luật thông qua việc tiếp xúc cử tri. Trước hết, sẽ tiếp xúc cử tri ở các quận, huyện, mỗi đơn vị quận, huyện là 1 buổi tiếp xúc cử tri đến các đại cử tri, sau đó rồi chúng tôi sẽ cho mạn đàm tiểu sử của các ứng cử viên ở các tổ dân phố, ở các đơn vị bầu cử, mạn đàm trên tinh thần tiểu sử, quá trình công tác, trên tinh thần cơ cấu để tiến tới việc đi bầu là các cử tri phải nắm được mình được bầu bao nhiêu người và trong bảng đó của mình là có những ứng cử viên ở những lĩnh vực coogn việc nào và tiểu sử của người ta như thế nào. Bước mạn đàm này rất quan trọng. Lưu ý các ứng cử viên khi vận động bầu cử là chương trình hành động phải sát thực với tình hình của địa phương gắn với cuộc sống của nhân dân ở nơi mình đến vận động bầu cử”.
Danh sách 50 ứng cử viên ĐBQH khóa XIV của Hà Nội
13 ứng cử viên do Trung ương gửi về:
1. Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương;
2. Ông Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng;
3. Ông Hoàng Châu Sơn, Trung tướng, Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam;
4. Ông Nguyễn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam;
5. Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam;
6. Ông Đỗ Đức Hồng Hà, Giám đốc Học viện Tư pháp;
7. Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội;
8. Ông Phan Xuân Tuy, Đại tá, Viện trưởng viện Nghiên cứu khoa học an ninh, Học viện An ninh, Bộ Công an;
9. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch;
10. Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam;
11. Bà Vũ Thị Lưu Mai, Vụ trưởng Vụ tài chính ngân sách, Văn phòng Quốc hội;
12. Ông Đặng Minh Châu (Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm), Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự kiêm trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
13. Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
37 ứng cử viên của Hà Nội:
1. Ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội;
2. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố;
3. Ông Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ;
4. Bà Bùi Huyền Mai, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND Thành phố;
5. Bà Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội;
6. Bà Bạch Tố Uyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ba Trại, Ba Vì;
7. Ông Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô;
8. Ông Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an thành phố;
9. Ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố;
10. Bà Đào Tú Hoa, Thẩm phán trung cấp Tòa án Nhân dân thành phố;
11. Ông Phan Thanh Chung, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội;
12. Ông Phạm Quang Thanh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội;
13. Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
14. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam;
15. Ông Nguyễn Phi Thường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội;
16. Ông Phạm Xuân Anh, Phó hiệu trưởng Đại học Xây dựng;
17. Ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân;
18. Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam;
19. Ông Lê Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội;
20. Bà Phạm Thị Thu Thủy, Kế toán trưởng Đại học Thương mại;
21. Bà Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuậ Hà Nội;
22. Ông Trần Danh Lợi, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội;
23. Bà Nguyễn Thị Bích, Giáo viên trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hà Nội;
24. Bà Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng trường chuyên THPT Hà Nội – Amsterdam;
25. Bà Dương Minh Ánh, Hiệu trưởng Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội;
26. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nhà hát múa rối Thăng Long;
27. Bà Lê Phương Linh, Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện đa khoa Đống Đa;
28. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội;
29. Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số 2 Hà Nội;
30. Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm số 2 Hà Nội;
31. Ông Nguyễn Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công Ty TNHH một thành viên Hanel;
32. Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội;
33. Bà Trần Thị Thanh Nhàn, Hội Luật gia Hà Nội;
34. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nội;
35. Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà;
36. Ông Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm nghiên cứu, giáo dục môi trường và phát triển;
37. Ông Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện huyết học truyền máu Trung ương.
T.N (Tổng hợp)
Theo MaskOnline