Triển lãm

Cùng chiêm ngưỡng và thả hồn theo từng bức viết, khuôn ánh sáng tại triển lãm thư pháp “Thực Học”

Trong khuôn khổ Hội Chữ Xuân Ất Tỵ 2025 đang diễn ra tại Hồ Văn, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức triển lãm Thư pháp với chủ đề “Thực Học” nhằm khơi lại mạch nguồn, nối tiếp truyền thống, tiếp tục tôn vinh giá trị truyền thống tốt đẹp của tinh thần hiếu học, trọng hiền bao đời nay của dân tộc ta.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà cùng các đại biểu tham quan triển lãm

Tinh thần hiếu học, trọng hiền cho đến nay vẫn luôn là một đức tính, phẩm chất quý báu của dân tộc ta bao đời nay. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, chính tinh thần hiếu học, trọng hiền đó đã hun đúc nên không biết bao nhiêu nhân tài cho đất nước, để giang sơn có được cơ đồ như ngày nay. Và hơn bao giờ hết, trong kỉ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta càng thấy “thực học – chân tài” giá trị đến nhường nào. Đất nước đang bước những bước đi mạnh mẽ trên chặng đường đổi mới, dân tộc đang vươn mình mạnh mẽ sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Đó chính là lý do mà triển lãm thư pháp với chủ đề “Thực Học” ra đời.

Trưng bày tại triển lãm Thư pháp tại Hội chữ Xuân năm nay với hàng trăm bức thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ lớn nhỏ khác nhau, đa dạng về phong cách viết cũng như thể thức trình bày cùng với những phong cách riêng biệt được sắp đặt theo từng khu vực với sự phân chia theo từng mảng nội dung.

Du khách chăm chú chiêm ngưỡng các tác phẩm thư pháp tại triển lãm

Điểm nổi bật ấn tượng ban đầu với khách tham quan Hội chữ Xuân chính 18 cột chữ xung quanh không gian trưng bày được viết thư pháp chữ Hán với nội dung là bài “Khuyến học văn” (bài văn khuyến học) của Thuần Hoàng Đế Lê Thánh Tông – một tác gia lớn của nền văn học cổ trung đại Việt Nam, người mà bên cạnh sự nghiệp an dân trị quốc lẫy lừng thì còn là người có công lớn trong việc phát triển văn hóa giáo dục nước nhà khi còn trị vì, đặc biệt là làm cho nền khoa cử hưng thịnh gần như có thể coi là bậc nhất các thời. Lời răn dạy, khuyến khích học hành của tiền nhân, của bậc đế vương xưa xứng đáng là sực bao bọc, hiện hữu thường xuyên, hàng ngày như một sự nhắc nhở về sự nghiệp học hành luôn phải được ghoi nhớ và thực hiện mới có thể trở thành kẻ thực học, bậc chân tài làm rường cột, đống lương cho gia quốc. Việc học tập phải là suốt đời đúng như tiền nhân đã dạy, không chỉ có viết lách (thư pháp) mà còn là sự trau dồi cả về học vấn, lễ nghĩa, văn hóa, tri thức. Mà hơn nữa, chữ nghĩa – việc viết lách ngày nay như hình bóng vàng son của quá khứ một thời đang hiện diện nơi đây, nơi miếu đường biểu trưng của Nho học ngàn năm, nơi tập trung tinh hoa đạo học. 18 cột chữ 4 mặt đỏ rực được 10 nhà thư pháp thể hiện với nhiều phong cách khác nhau, tạo nên sự đa dạng trong thể hiện chính là sự lên hương cho khởi đầu một năm mới, là sự lên sắc của mùa xuân mới đang về, là sự tươi màu của những ngày tết cổ truyền đang cận kề.

Tiếp đó là 14 bức thư pháp đại tự lớn treo ngang phía bên trên được viết bằng đủ các thể chữ Triện, Lệ, Chân, Hành Thảo, cả chữ Hán và chữ Nôm với những nội dung về học tập, khoa cử ở Văn Miếu, ở mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến cũng là một điểm nhấn ấn tượng xung quanh không gian trưng bày.

Khi bước vào không gian chính của khu vực trưng bày triển lãm, ấn tượng hơn nữa chính là hình tượng đóa hoa sen khổng lồ rực rỡ ánh sáng và lung linh sắc màu được sắp đặt từ 200 tác phẩm thư pháp Quốc ngữ nhỏ khung vuông như là kết tinh của “Thực Học”, là biểu tượng của “chân tài”, như thành quả của quá trình nỗ lực học tập không ngừng, giám cổ tri kim – học xưa để hiểu nay, và hoa sen chính là kết tinh, là thành quả giá trị và thanh khiết nhất mà cũng rực rỡ nhất.

Hình tượng đóa hoa sen khổng lồ rực rỡ ánh sáng và lung linh sắc màu được sắp đặt từ 200 tác phẩm thư pháp Quốc ngữ

Xa hơn còn có 4 cột chữ lục lăng như tứ trụ, và nếu đặt trong tương quan với đóa sen chữ ở giữa, ta sẽ thấy biểu tượng của ngũ hành. Cổ nhân có nói 5 điều là “học – học tập, vấn – hỏi rõ, tư – suy nghĩ, biện – phân biệt, hành – thực hành để kiểm chứng và tìm ra kết quả”. 4 cột chữ kia chính là “học, vấn, tư, biện”, và đóa sen kia là “hành”, vừa là biểu tượng cho kết quả và giá trị của thực tế việc học.

Không gian triển lãm cung là điểm check-in hấp dẫn của các bạn trẻ

Ngoài ra, đan xen trong không gian triển lãm là các tác phẩm thư pháp Hán Nôm kết hợp với thư pháp Quốc ngữ với giá trị nghệ thuật cao được sắp đặt, trưng bày đan cài giữa các biểu tượng chính là những điểm nhìn nhẹ nhàng đầy tính nghệ thuật ẩn chứa bên trong từng đường bút, từng nét mực, từng câu chữ. Thư pháp Hán Nôm truyền thống vẫn có nét chỉn chu, chừng mực, ý vị, nghiêm cẩn đầy hàm xúc thì thư pháp Quốc ngữ trên các tác phẩm này lại mang rất nhiều hơi thở thời đại, như thổi thêm vào nghệ thuật bút mực những làn gió mới. Người xem có thể thả mình, trải hồn mình theo từng bức viết, trong từng khuôn ánh sáng.

Bảo Hân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *